1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Cống thoát nước như bức tường chắn nhà dân với quốc lộ

Công Bính

(Dân trí) - Vì không có mặt bằng, đơn vị thi công quốc lộ 14E, tỉnh Quảng Nam làm ống cống thoát nước cao đến nửa nhà, dân muốn ra đường phải bắc thang, nhiều người lo lắng nếu có mưa sẽ ngập úng.

Người dân một số xã của huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam nơi có quốc lộ 14E đi qua bức xúc khi đơn vị thi công cống thoát nước cao như bức tường, làm kiểu "nhảy cóc" rồi bỏ đó, trong khi đã đến mùa mưa bão.

Ông Đặng Văn Năm (tổ 2A, xã Bình Quý, huyện Thăng Bình) cho biết, đơn vị thông cống thoát nước quá cao so với trước đây, ngăn nhà ông với quốc lộ nên việc sinh hoạt của gia đình rất khó khăn, muốn đi ra đường phải đi vòng, hoặc bắc thang…

Người dân bức xúc vì ống cống quốc lộ 14E xây quá cao (Video: Công Bính).

Ông Năm cho biết, cách đây hơn 4 tháng, khi một số hộ dân bàn giao mặt bằng, đơn vị thi công tiến hành xây cống thoát nước chắn ngang lối ra vào nhà. Có gia đình bàn giao mặt bằng, cũng có gia đình chưa bàn giao nên cống thoát nước được thi công kiểu "nhảy cóc".

Hệ thống cống được xây quá cao, nhìn như bức tường nhưng lại không có phương án thoát nước, không có đường đi cho người dân khiến nhiều người lo lắng việc đi lại cũng như thoát nước của khu vực này trong mùa mưa bão.

Cống thoát nước như bức tường chắn nhà dân với quốc lộ - 1

Ống cống được xây dựng bịt lối đi từ nhà dân ra đường (Ảnh: Công Bính).

Ông Đặng Văn Thành (68 tuổi, thôn Quế Thịnh 1, xã Bình Quý, huyện Thăng Bình) cũng bức xúc vì cống thoát nước được thi công quá cao, nước mưa không thoát được.

"Cống thoát nước cao quá, người dân không thể đi ra đường được, muốn ra phải bắc thang. Nhà tôi làm nông nghiệp, lúa, khoai, sắn cũng không thể chở vào chở ra được", ông Thành nói.

Theo khảo sát của phóng viên, tuyến quốc lộ 14E qua huyện Thăng Bình dài hàng chục km, việc thi công kéo dài ảnh hưởng đến đời sống của người dân. 

Nhiều đoạn đường cống đã được thi công hoàn chỉnh, nhưng cũng rất nhiều đoạn cống thoát nước thi công dang dở rồi bỏ đó, người dân lo sợ mùa mưa đến sẽ ngập.

Cống thoát nước như bức tường chắn nhà dân với quốc lộ - 2

Ống cống thoát nước quốc lộ 14E xây quá cao và "nhảy cóc (Ảnh: Công Bính).

Ông Đặng Văn Hòa - Chỉ huy Trưởng công trình - cho biết, nguyên nhân thi công ống cống tuyến quốc lộ 14E dang dở là do vướng mặt bằng. Khi hộ dân nào bàn giao mặt bằng, đơn vị thi công mới xây dựng, còn chỗ nào chưa có mặt bằng, chưa thể thi công. Vì khó khăn mặt bằng nên đơn vị thi công "nhảy cóc" rồi để đó chờ mặt bằng.

"Một số hộ dân nói giá đền bù thấp nên chưa chịu nhận tiền, một số hộ dân khác bị vướng do Luật Đất đai mới ra từ 1/8 nên mặt bằng chưa xong. Còn đơn vị thi công có mặt bằng đến đâu, làm đến đó", ông Hòa nói.

Nguyên nhân ống cống thi công cao hơn mặt đường cũ trên 1m, ông Hòa cho hay, đoạn quốc lộ 14E qua xã Bình Quý ăn theo nút giao cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi.

Về đường dân sinh ra quốc lộ 14E bị bít, người dân không thể lưu thông, ông Hòa cho hay những điểm nào chưa có, đơn vị thi công, chủ đầu tư và địa phương sẽ đề xuất; mục đích cuối cùng sau khi tuyến đường xong, người dân đi lại thuận lợi.

Cống thoát nước như bức tường chắn nhà dân với quốc lộ - 3

Cống xây cao ngang đầu người (Ảnh: Công Bính).

Đối với mặt bằng còn vướng, chưa giải tỏa, mới đây, phóng viên đã nhiều lần liên hệ với bà Phan Thị Nhi - Phó Chủ tịch UBND huyện Thăng Bình - để trao đổi thông tin nhưng không nhận được phản hồi.

Trao đổi với phóng viên, ông Đặng Tấn Dục - Chủ tịch UBND xã Bình Quý - thừa nhận mặt bằng thi công quốc lộ 14E còn "da báo". Theo ông Dục, xã còn hơn 80 hộ chưa bàn giao mặt bằng do người dân chưa nhận bồi thường vì cho rằng giá đền bù thấp.

Chủ tịch UBND xã Bình Quý cho biết, vừa qua lãnh đạo tỉnh Quảng Nam có làm việc với địa phương và thống nhất đến 30/9 cơ bản phải có mặt bằng, đến 30/10 phải triển khai thực hiện.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm