Công tác quy hoạch tại TPHCM chậm nhất cả nước
(Dân trí) - "Hiện tại, TPHCM là địa phương thực hiện công tác quy hoạch chậm nhất cả nước do diện tích lớn, nhiều công việc phức tạp" - Chủ tịch TPHCM Phan Văn Mãi cho biết.
Ngày 11/5, tại Hội nghị tiếp xúc cử tri huyện Hóc Môn, Củ Chi của Đoàn Đại biểu Quốc hội TPHCM trước thềm kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, Chủ tịch UBND thành phố Phan Văn Mãi, đã nêu rõ những nỗ lực của địa phương trong quá trình phục hồi và phát triển kinh tế sau đại dịch Covid-19. Bên cạnh đó, người đứng đầu chính quyền thành phố cũng thẳng thắn thừa nhận với người dân nhiều điểm nghẽn cần khắc phục về trước mắt và lâu dài.
Quy hoạch TPHCM đang chậm nhất cả nước
Báo cáo về tình hình kinh tế thành phố thời gian qua, ông Phan Văn Mãi cho biết 4 tháng đầu năm, thành phố đã phục hồi nhanh và đồng bộ. Trước đó, tăng trưởng kinh tế của thành phố đã âm sâu trong quý III và quý IV năm 2021.
"4 tháng đầu năm 2022, kinh tế thành phố đã tăng trưởng dương trở lại, thu ngân sách đầu năm đạt 43% dự toán cả năm. Trong đó, ngành tài nguyên môi trường đã góp công vào thành quả trên khi giải quyết số lượng hồ sơ đất đai lớn, mang lại nguồn thu lớn cho ngân sách", Chủ tịch UBND TPHCM phân tích.
Tuy nhiên, ông Phan Văn Mãi cũng chỉ rõ, để tạo đà cho sự phát triển thời gian tới, thành phố cần tháo gỡ loạt vướng mắc trong chính nội bộ cấp chính quyền, giữa các địa phương, sở ngành. Qua báo cáo, TPHCM tìm ra 643 nội dung còn những điểm vướng mắc.
Vấn đề tiếp theo, thành phố cần tập trung tháo gỡ là vướng mắc giữa doanh nghiệp, người dân với các cấp chính quyền. Khi giải quyết được những điểm nghẽn nhiều năm này, thành phố sẽ tạo ra dòng tiền lớn để sản xuất, kinh doanh.
Chủ tịch UBND TPHCM lấy ví dụ, hiện tại, địa phương còn gặp một số vướng mắc liên quan nghĩa vụ tài chính các dự án nhà ở, việc thực hiện nghĩa vụ đảm bảo 20% nhà ở xã hội đối với các dự án được triển khai. Khi giải quyết được vấn đề, thành phố sẽ có hàng trăm, hàng nghìn dự án nhà ở được cấp giấy, hàng chục nghìn người sẽ mua được căn hộ có giấy tờ.
"Một trong những nội dung quan trọng nhất còn vướng mắc là công tác quy hoạch. Hiện tại, TPHCM là địa phương thực hiện công tác quy hoạch chậm nhất cả nước do diện tích lớn, nhiều công việc phức tạp. Thành phố sẽ tập trung triển khai công tác này thời gian tới", ông Phan Văn Mãi chỉ rõ.
Số ca mắc, ca tử vong do Covid-19 giảm rất sâu
Đối với dịch Covid-19, Chủ tịch UBND TPHCM cho biết, địa bàn đã kiểm soát tốt tình hình. Nhiều tuần qua, số ca mắc, ca tử vong đang giảm rất sâu.
Trong những ngày gần đây, một số nước Đông Nam Á đã xuất hiện bệnh viêm gan gây ra mối nguy hiểm đặc biệt cho trẻ em. TPHCM đã chỉ đạo ngành y tế cùng cơ quan chức năng kiểm soát chặt, sẵn sàng lên các phương án xử trí khi xuất hiện tại địa bàn.
Chủ tịch UBND TPHCM cũng thông tin thêm những tháng đầu năm, dịch sốt xuất huyết đã nổi lên trở lại, thành phố đã ghi nhận 4 ca tử vong vì dịch này. Ông Phan Văn Mãi đã chỉ đạo ngành y tế, các địa phương tập trung ứng phó với bệnh sốt xuất huyết cùng các dịch bệnh mùa mưa để đảm bảo an toàn tính mạng, sức khỏe nhân dân.
Nhắc lại thời gian căng thẳng nhất ứng phó với dịch Covid-19, Chủ tịch UBND TPHCM chia sẻ, nếu không có sự giúp đỡ từ Trung ương, các tỉnh thành và người dân, doanh nghiệp, thành phố sẽ rất khó để vượt qua. Thành phố không thể tổng kết hết sự giúp đỡ ấy thành con số cụ thể, nhưng nhờ sự đóng góp lớn, thành phố mới vượt qua đại dịch, có được sự bình yên để phục hồi như hiện tại.
"Trung ương đã cấp cho thành phố hơn 2.000 tỷ trong đợt dịch cùng nhiều hỗ trợ khác như gạo, phương tiện, vật tư y tế, lực lượng, thuốc men. Thành phố cũng không quên sự chia sẻ cả vật chất, tinh thần từ kiều bào, bạn bè quốc tế, sự đùm bọc, đoàn kết của bà con và sự chung tay của các doanh nghiệp", Chủ tịch UBND TPHCM bày tỏ.
Ông Phan Văn Mãi chia sẻ thêm, thành phố rất mong muốn có được những chính sách cho cán bộ cơ sở, cán bộ bán chuyên trách, những tình nguyện viên đã chung tay trong thời điểm căng thẳng ứng phó với dịch Covid-19. Tuy nhiên, thành phố có nguồn lực hạn chế, vấn đề pháp lý, trình tự thủ tục để hình thành những chính sách trên còn nhiều việc cần tuân thủ.