1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Bến Tre:

Công nhân lấy rác không có hợp đồng lao động: 37 người "cùng cảnh ngộ"

(Dân trí) - Từ thông tin anh Nguyễn Thanh Tiến làm việc gần 2 năm tại Công ty TNHH Công trình đô thị Bến Tre nhưng chưa được ký hợp đồng lao động, PV Dân trí tiếp tục tìm hiểu và được biết tại công ty có 37 lao động khác chưa được ký hợp đồng.

Trong buổi gặp gỡ với PV Dân trí, lãnh đạo Công ty TNHH Một thành viên công trình đô thị Bến Tre cho biết, lý do công ty không ký hợp đồng lao động với anh Nguyễn Thanh Tiến (ngụ xã Lương Phú, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre) là do công ty đang trong giai đoạn chuẩn bị chuyển sang cổ phần; không có nhu cầu lâu dài nên không ký hợp đồng lao động với những lao động thời vụ như anh Tiến.

PV tìm đến bãi rác Bến Tre (xã Phú Hưng, TP Bến Tre) để lắng nghe tâm tư những "lao động thời vụ" này.

Anh Trần Nguyễn Thành Hiếu cho biết, anh vào công ty làm việc từ tháng 2/2012 nhưng đến nay vẫn chưa được ký hợp đồng. Lý do cũng vì công ty đang chuẩn bị chuyển sang công ty cổ phần nên chỉ sử dụng anh theo dạng lao động công nhật.

38 lao động làm việc hàng năm trời mà không hề có hợp đồng, bảo hiểm

38 lao động làm việc hàng năm trời mà không hề có hợp đồng, bảo hiểm

Công việc anh Hiếu đang làm là phun thuốc khử mùi tại bãi rác. Theo anh Hiếu mỗi ngày anh cùng một công nhân khác phun thuốc 3 lần. Công việc độc hại nên anh cũng rất lo đến vấn đề sức khoẻ nhưng vì cuộc sống khó khăn nên cũng phải gắng làm việc.

Tiếp xúc với quản đốc phân xưởng sản xuất phân loại rác làm phân hữu cơ là anh Võ Thanh Là, anh này cho biết đây là đề tài nghiên cứu của Sở Khoa học - Công nghệ Bến Tre trong việc phân loại rác thải đã qua tái chế thành phân hữu cơ, được đưa vào hoạt động từ tháng 5/2013. Tại xưởng có 2 quản đốc và 8 công nhân lao động trực tiếp, đến nay đã làm việc hơn 4 tháng. Công ty có cung cấp bảo hộ lao động, các anh em được hưởng tiền độc hại 15.000 đồng/ngày; nhưng chỉ là lao động công nhật nên công ty không ký hợp đồng.

Ngoài số công nhân ở đây chưa được ký hợp đồng lao động thì trong đội vệ sinh, cây kiểng,… còn có nhiều lao động khác cũng chung tình cảnh với anh Tiến, anh Hiếu...
 
Trao đổi với PV Dân trí về sự việc này, bà Huỳnh Ngọc Lan - Phó Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Công trình đô thị Bến Tre - cho biết: “Cũng vì nguyên nhân công ty đang chuẩn bị cổ phần hoá, không có nhu cầu tuyển lao động nên chỉ sử dụng lao động theo dạng công nhật. Vì thế công ty đang sử dụng 38 lao động theo dạng này”.

38 lao động làm việc hàng năm trời mà không hề có hợp đồng, bảo hiểm

Đa số công nhân đang làm việc ở đây đều có hoàn cảnh khó khăn, bởi vậy họ rất mong được ký hợp đồng để gắn bó lâu dài với công ty và có được tấm thẻ BHYT phòng thân khi ngã bệnh

PV Dân trí đặt vấn đề về thoả ước lao động tập thể hay một văn bản nào đó thể hiện mối quan hệ lao động này, bà Lan cho biết công ty chỉ “thoả thuận miệng” với công nhân. Anh em vào làm việc thì được nhận lương, không ký hợp đồng lao động. Khi nào công ty chuyển sang công ty cổ phần thì lúc đó mới xem xét lại rồi tính tiếp.

Bà Lan còn khẳng định, việc sử dụng lao động theo thoả thuận miệng, Sở Lao động - Thương binh & Xã hội tỉnh cũng biết. Cũng theo bà Lan, các công nhân này được cấp bảo hộ đầy đủ; có thưởng các ngày lễ, tết dù chỉ bằng phân nửa so với công nhân đã ký hợp đồng.

Được biết, từ năm 2010, Công ty Công trình đô thị Bến Tre bắt đầu sử dụng lao động theo hình thức lao động công nhật, mặc dù công việc của họ làm thường xuyên, liên tục. Tính đến thời điểm này công ty đang sử dụng 38 lao động theo diện công nhật, trong đó có 15 lao động làm việc trên 1 năm; 11 lao động làm việc dưới 1 năm (trên 3 tháng); 8 lao động làm việc theo diện thế công nhân chính thức nghỉ phép, số lao động này làm việc trên 1 năm. Còn lại là lao động lớn tuổi hay mới vào làm việc từ tháng 8.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Dũ - Chánh thanh tra Sở Lao động - Thương binh & Xã hội tỉnh Bến Tre cho biết: “Việc Công ty TNHH Một thành viên công trình đô thị Bến Tre sử dụng 38 lao động theo thoả thuận miệng, lãnh đạo Sở mới biết. Để biết cụ thể việc này như thế nào, sai phạm đến đâu, Sở xin ý kiến UBND tỉnh và phối hợp với các ngành liên quan mở đợt thanh tra, rồi sẽ trả lời với Dân trí. Riêng việc công ty nói Sở biết thì cần xem lại là ai biết?”.

Ông Dũ phân tích thêm, nếu doanh nghiệp, người thuê lao động chỉ hướng đến kết quả mà không có sự ràng buộc về thời gian hay sự sắp xếp, điều động người lao động thì Luật Lao động không ràng buộc về việc ký hợp đồng. Nhưng trong trường hợp các lao động đang làm việc tại Công ty Công trình đô thị Bến Tre, rõ ràng công ty có sự phân công, điều động những người này. Hơn nữa công việc họ làm lại diễn ra thường xuyên, mang tính tiên tục, nên theo luật là phải ký hợp đồng để đảm bảo quyền lời chính đáng cho người lao động.
 
Nguyễn Hành - Lương Thuỷ