Công nghệ Nhật Bản giúp giảm đáng kể lớp bùn trên sông Tô Lịch
(Dân trí) - Chuyên gia Nhật Bản cho biết, sau hơn 2 tuần "biến" bùn sông Tô Lịch thành CO2 và nước bằng công nghệ Nano-Bioreactor, kết quả thu được khá khả quan: Lớp bùn đã giảm mạnh; lượng oxy hòa tan (DO) tăng, là môi trường tốt cho cá, thủy sinh phát triển.
Để người dân có cái nhìn trực quan hơn về công nghệ có thể phân hủy lớp bùn hữu cơ ở tầng đáy thành khí CO2 và nước H2O bằng công nghệ Nano-Bioreactor của Nhật Bản, ngày 17/6 vừa qua, chuyên gia Nhật Bản và các đơn vị liên quan của Hà Nội đã thực hiện hoạt động khu trình diễn xử lý phân hủy bùn hữu cơ thành khí CO2 và nước H2O tại sông Tô Lịch (khu vực đầu đường Hoàng Quốc Việt).
Khu vực trên được lắp đặt vách quây tôn bãi nổi (khu vực bùn cao hơn mực nước) và hệ thống phun mưa nano, nước thải từ bên ngoài vào bên trong khu nổi, tạo dòng chảy lưu thông bên trong khu vực quây tôn.
Theo kết quả chuyên gia Nhật Bản công bố ngày 4/7, sau hơn 2 tuần thực hiện thí điểm khu trình diễn xử lý phân hủy bùn hữu cơ thành khí CO2 và nước đã cho kết quả khả quan: độ dày lớp bùn trong khu quây sắt giảm 38-48 cm, hàm lượng oxy hòa tan trong nước (DO) tăng mạnh và đạt 6.67 mg/l (đạt tiêu chuẩn cột A1 - quy chuẩn kỹ thuật Việt Nam về chất lượng nước mặt). Nước trong khu quây trong hơn, có thể nhìn thấy đáy bùn.
Chuyên gia môi trường Nhật Bản đo hàm lượng oxy khu vực thí điểm.
Tiến sĩ Tadashi Yamamura, chuyên gia Liên Hợp Quốc về môi trường, Chủ tịch Tổ chức Xúc tiến Thương mại - Môi trường Nhật Bản cho biết, đây là công nghệ kết hợp giữa sinh học và công nghệ nano; sử dụng vật liệu thiên nhiên nên rất thân thiện với môi trường.
Tiến sĩ Tadashi Yamamura khẳng định, công nghệ này không chỉ có khả năng xử lý làm sạch chất lượng nước mà còn có tác dụng phân giải các chất gây ô nhiễm, bùn ở tầng đáy, hiệu quả bền vững chu kỳ trong 25 năm không cần tác động xử lý gì thêm. Thay vì phải làm nạo vét sông, hồ định kỳ hàng năm, với công nghệ này, chỉ cần làm một lần nhưng hiệu quả lâu dài, chu kỳ lên tới 25 năm là một công nghệ mở ra kỷ nguyên mới trong xử lý môi trường.
"Các dự án đã thực hiện tại sông Onga ở Nhật Bản hay các con sông tại Ấn độ, Trung Quốc và nhiều nơi trên thế giới từ những năm 1994 tức đã trải qua 25 năm nhưng chất lượng nước vẫn được duy trì và các dòng sông, hồ có khả năng “tự làm sạch”, phân hủy lớp bùn hữu cơ ở tầng đáy mà không cần phải nạo vét cơ học, góp phần giữ gìn và bảo vệ tài nguyên nước, mang lại cuộc sống trong lành cho nhân dân" - Tiến sĩ Tadashi Yamamura cho biết thêm.
Người dân khu vực này cho biết, mùi hôi của dòng sông tại khu vực thí điểm xử lý bằng công nghệ Nhật Bản đã giảm đáng kể.
Trước đó, ngày 16/5, TP Hà Nội khởi động dự án thí điểm làm sạch một đoạn sông Tô Lịch bằng công nghệ Nano-Bioreactor (khu vực đầu đường Hoàng Quốc Việt). Sau 1 tháng thí điểm bước đầu nước sông Tô Lịch tại khu vục thí điểm có cải thiện theo chiều hướng tích cực, bớt mùi hôi và nước trong hơn.
Sáng nay, 8/7, theo ghi nhận của phóng viên Dân trí tại khu vực thí điểm trình diễn xử lý bùn thành CO2 và nước bằng công nghệ Nhật Bản, lượng bùn đã giảm, nước trong hơn, nhìn rõ lớp đáy phía dưới và gần như không còn mùi hôi.
Cán bộ đo lượng bùn và cho kết quả lượng bùn đã giảm rất nhiều tại khu vực thí điểm.
Nguyễn Dương