1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV
  4. Cháy nhà trọ 14 người chết

Công chức cấp xã chưa được tôn trọng đúng mức

(Dân trí) - “Công chức cấp xã muốn trở thành cán bộ, công chức cấp huyện phải trải qua một kì thi tuyển thể hiện sự chưa tôn trọng công việc của một cấp, một cơ quan có thẩm quyền”, đại biểu Phạm Lễ Chi góp ý với Dự án Luật Cán bộ, Công chức.

Có tới 27 đại biểu Quốc hội đã góp ý lần cuối cho Dự án Luật Cán bộ, Công chức vào sáng 20/10.

Không thể tuyển rồi mới đào tạo cho đạt chuẩn

Đại biểu Bùi Thị Hoà (Đắk Nông) cho rằng, một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng nơi thừa nơi thiếu cán bộ, công chức rồi cán bộ, công chức không đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ chính là cơ quan đơn vị được sử dụng không được tham gia ngay từ đầu quá trình tuyển dụng. Đại biểu này đề nghị luật cần phân cấp, phân quyền trong tuyển dụng, sử dụng cán bộ, công chức.

Thêm nữa, từng bước nên nghiên cứu và tiến đến bỏ dần việc giao chỉ tiêu biên chế, nên tuyển dụng bố trí cán bộ theo công việc và chức danh nhiệm vụ được giao để đảm bảo hiệu quả công việc.

Về việc xét tuyển, đại biểu Vũ Đình Tuyến (Bình Phước) đề nghị, phải qui định rõ thông báo công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng. “Có như vậy mới khắc phục được tình trạng hiện nay, các em ra trường rồi chạy hết cơ quan nọ đến cơ quan kia xin việc, lúc thân quen thì người ta nói còn biên chế, còn không quen biết gì thì chỗ nào cũng nói hết biên chế”, ông Tuyến phân tích.

Thêm nữa, theo ông Tuyến, cần phải tuyển vào công chức là người đủ tiêu chuẩn, không nên tuyển công chức rồi để đào tạo cho đạt chuẩn. Ông Tuyến đưa ra dẫn chứng, tỉnh Bình Phước ở cấp huyện và cấp xã 80% cán bộ chủ chốt chưa đạt chuẩn - hệ quả từ khâu tuyển không đúng cách.

Công chức cấp xã chưa được tôn trọng đúng mức - 1
Nâng cao chất lượng, nâng cao lương cho cán bộ công chức là vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm. (Ảnh: TX)
 
Đại biểu Lê Văn Cuông cho rằng, ban soạn thảo cần bổ sung qui định, thực hiện dân chủ, công khai, minh bạch trong bổ nhiệm cán bộ và tạo sự cạnh tranh bình đẳng giữa các ứng viên.

Nên có nhiều ứng viên cho một vị trí và mỗi ứng viên phải trình bày chương trình hành động của mình, có Hội đồng thẩm định đánh giá từng ứng viên và tập thể cấp uỷ, tập thể lãnh đạo sẽ xem xét quyết định trên cơ sở kết quả của Hội đồng.

Có như vậy mới chọn đúng người có phẩm chất, năng lực, ngăn chặn nạn chạy chức chạy quyền mà theo ông Cuông là đang diễn ra ở mọi cấp, mọi nơi.

Đẩy lương lên mức trung bình so với khu vực khác

Về việc nghỉ hưu, đại biểu Chu Sơn Hà (Hà Nội) cho rằng, với công chức ghi rất rõ ràng trong dự thảo luật là thông báo trước bao nhiêu và đến ngày nào nghỉ, nhưng đối với cán bộ chỉ ghi cán bộ được nghỉ hưu theo Bộ luật lao động. Theo ông Hà, như vậy là có sự phân biệt giữa cán bộ, công chức “quá rõ ràng” nên đề nghị, phải có sự công bằng.

Trong trường hợp đặc biệt đối với cán bộ giữ chức vụ từ Bộ trưởng tương đương trở lên có thể kéo dài thời gian công tác theo quy định của cơ quan có thẩm quyền, phải làm rõ thời gian kéo dài là bao nhiêu, chẳng hạn 5 năm thì “chấm hết”, không kéo dài thêm nữa.

Về vị trí vai trò của công chức cấp xã, đại biểu Phạm Lễ Chi (Quảng Ninh) cho rằng, chưa được coi trọng đúng mức với vai trò của cấp xã, nơi diễn ra mọi hoạt động xã hội. “Công chức cấp xã muốn trở thành cán bộ, công chức cấp huyện phải trải qua một kì thi tuyển thể hiện sự chưa tôn trọng công việc của một cấp, một cơ quan có thẩm quyền”, ông Chi phân tích.

Liên quan đến chính sách tiền lương đại biểu Phạm Thị Thanh Hương (Bình Định) cho rằng, chưa thực sự công bằng. Viên chức sự nghiệp ngoài việc được hưởng lương ngân sách Nhà nước còn được hưởng các nguồn thu sự nghiệp khác, trong khi cán bộ, công chức chỉ được hưởng lương từ ngân sách Nhà nước.

Đây là lý do khiến các sở như y tế, giáo dục tại địa phương rất khó điều động người về công tác tại sở và cũng là lý do nhiều sinh viên tốt nghiệp hệ chính quy không muốn về công tác tại các cơ quan hành chính Nhà nước.

Nhiều cán bộ, công chức chưa hết lòng phục vụ, còn sách nhiễu gây phiền hà cho nhân dân, nhiều cán bộ, công chức có năng lực trình độ công tác rời bỏ cơ quan Nhà nước cũng có một phần “lỗi” từ…lương.

“Cần phải quy định rõ cán bộ, công chức phải được hưởng lương ở mức trung bình trở lên so với thu nhập của những người có cùng trình độ, năng lực ở các khu vực kinh tế khác. Có như vậy mới bảo đảm điều kiện cần để xây dựng một đội ngũ cán bộ, công chức thực sự trong sạch, vững mạnh”, bà Hương kết luận.

Cấn Cường