Cộng cả số biểu quyết hộ, mỗi lần bấm nút vẫn thiếu… 60 đại biểu
(Dân trí) - “Qua các buổi biểu quyết tôi thấy số đại biểu tham gia thường vào khoảng từ 430-450 người (bao gồm cả những trường hợp biểu quyết hộ), như vậy trung bình số vắng mặt thường trên 60 đại biểu”, đại biểu Phùng Văn Hùng nói.
Ngày 14/11, tại hội trường, Quốc hội thảo luận về Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội sửa đổi. Tại đây đại biểu Phùng Văn Hùng (đoàn Cao Bằng) nhận định, trách nhiệm của đại biểu phải tham gia đầy đủ các kỳ họp cũng như phiên họp rất khó lòng thực hiện. Lý do được đưa ra là Quốc hội có trên 2/3 số đại biểu kiêm nhiệm nên việc vắng mặt của không ít các đại biểu tại các phiên họp vì họ phải lo giải quyết công việc khác đôi khi rất cấp bách.
Qua các cuộc biểu quyết tại hội trường, ông Hùng nhận xét, số đại biểu tham gia biểu quyết thường vào khoảng từ 430-450 đại biểu (bao gồm cả những trường hợp biểu quyết hộ), như vậy trung bình số đại biểu vắng mặt thường trên 60 đại biểu.
Đại biểu Phùng Văn Hùng cũng băn khoăn với quy định bất kỳ đại biểu nào vắng mặt tại các phiên họp đều phải gửi văn bản nêu rõ lý do và thời gian vắng mặt tới Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội, đồng thời gửi văn bản tới Tổng thư ký Quốc hội để báo cáo Chủ tịch Quốc hội. Trường hợp vắng mặt từ 3 ngày làm việc tại mỗi kỳ họp trở lên, đại biểu cần gửi văn bản thông báo tới Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội đồng thời gửi Tổng thư ký Quốc hội để báo cáo Chủ tịch Quốc hội quyết định.
“Như vậy, ở đây phân ra làm 2 trường hợp, nếu đại biểu vắng mặt tại các phiên họp thì Tổng thư ký Quốc hội chỉ báo cáo Chủ tịch Quốc hội để biết, trường hợp đại biểu vắng 3 ngày làm việc trở lên trong mỗi kỳ họp thì mới báo cáo Chủ tịch Quốc hội quyết định nhưng 3 ngày làm việc lại không ghi rõ là 3 ngày liên tục hay tổng cộng 3 ngày trong cả kỳ họp? Do tình huống bất khả kháng, đại biểu phải nghỉ 3 ngày trong 1 kỳ họp nhưng lại không liên tục thì làm thế nào để thực hiện được quy định này?”, đại biểu Hùng nói.
Đại biểu Nguyễn Thanh Thụy (đoàn Bình Định) cho rằng, quy định sự tham gia đầy đủ của đại biểu tại kỳ họp là cần thiết để đảm bạo việc thực hiện tốt hơn trách nhiệm của đại biểu. Tuy nhiên, đại biểu nhận thấy quy định như Khoản 1, Điều 5 dự thảo luật khó khả thi vì 2/3 đại biểu Quốc hội hoạt động kiêm nhiệm, trong đó rất nhiều đại biểu là lãnh đạo chủ chốt của các cấp, các ngành, mỗi kỳ họp lại diễn ra dài ngày.
“Gần đây Quốc hội đã có nhiều đổi mới trong hoạt động của mình, nhưng một số phiên họp của Quốc hội vẫn nặng về hội nghị, chủ yếu nghe báo cáo, tờ trình, rất ít tranh luận gây nên sự nhàm chán, mệt mỏi với các đại biểu Quốc hội”, đại biểu Thụy nêu lý do.
Thực tế qua các kỳ họp, vị đại biểu đoàn Bình Định nhận định, sự có mặt đầy đủ của đại biểu chủ yếu tại các phiên khai mạc, nhất là phiên chất vấn với không khí đối thoại, tranh luận sôi nổi. Do đó, đại biểu đề xuất, sửa đổi Nội quy kỳ họp Quốc hội lần này có những quy định khả thi hơn, tạo điều kiện để đại biểu Quốc hội thực hiện trách nhiệm tham gia đầy đủ các phiên họp và cả kỳ họp Quốc hội, hạn chế vắng họp để các quyết định của Quốc hội đảm bảo chất lượng hơn.
Cùng vấn đề trên, đại biểu Chu Sơn Hà (đoàn TP Hà Nội) nhận xét quy định vắng mặt của đại biểu Quốc hội trong mỗi kỳ họp chưa rõ ràng. Cụ thể, dự thảo quy chế quy định báo cáo vắng bằng văn bản tại Khoản 1, Điều 5 dự thảo luật quy định trường hợp vắng mặt 3 ngày làm việc tại mỗi kỳ họp trở lên thì gửi Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội đồng thời gửi Tổng thư ký để báo cáo Chủ tịch Quốc hội quyết định. Tuy nhiên, tại Khoản 1, Điều 25 dự thảo Nghị quyết được hiểu là trong mọi trường hợp, đại biểu Quốc hội vắng mặt phải được sự đồng ý của Chủ tịch Quốc hội.
Do vậy, để thống nhất giữa hai điều luật này, đại biểu đề nghị xem xét lại quy định trên theo hướng chỉ trong trường hợp đại biểu Quốc hội vắng mặt 3 ngày liên tục trở lên tại mỗi kỳ họp mới báo cáo Chủ tịch Quốc hội quyết định, bỏ Điểm b, Khoản 1, Điều 25 của dự thảo nội quy kỳ họp, đồng thời bổ sung quy định cụ thể về thời hạn đại biểu Quốc hội phải gửi văn bản đến Trưởng đoàn và Tổng thư ký kỳ họp để Chủ tịch Quốc hội có thời gian quyết định cho phép vắng mặt hay không vắng mặt.
Gần 100 đại biểu Quốc hội vắng mặt phiên họp sáng 14/11
Sáng 14/11, Quốc hội biểu quyết thông qua toàn bộ dự thảo Nghị quyết về phân bổ ngân sách trung ương năm 2016. Kết quả biểu quyết cho thấy, có 392 đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết, bằng 79,35% so với tổng số đại biểu Quốc hội (gần 500 đại biểu Quốc hội khóa XIII). Trong đó, số đại biểu Quốc hội tán thành là 391, bằng 79,15%. Số đại biểu Quốc hội không tán thành là 1, bằng 0,20%. Số đại biểu Quốc hội không biểu quyết là 0.
Quang Phong