1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Công bố nguyên nhân sạt lở bịt kín hầm đường sắt ở Đèo Cả

Trung Thi

(Dân trí) - Theo lãnh đạo đường sắt Phú Khánh, nguyên nhân sạt lở tại hầm Bãi Gió (tỉnh Khánh Hòa) là do công trình được xây dựng lâu đời, đất đai phong hóa gây sạt, lở.

Ông Lê Quang Vinh, Giám đốc Chi nhánh khai thác đường sắt Phú Khánh, cho biết để khắc phục sự cố sạt, lở tại hầm Bãi Gió (tỉnh Khánh Hòa), ngành đường sắt đã huy động hơn 200 nhân lực cùng 2 đoàn tàu công trình, 4 máy đào nhỏ cùng các trang thiết bị để gia cố vỏ hầm.

Theo ông Vinh, ngày 12/4, xảy ra đợt sạt lở đầu tiên với khối lượng khoảng 180m3, tưởng chừng đã nạo vét để thông hầm vào 4h30 ngày 13/4, một lượng đất đá với khối lượng khoảng 50m3 lại đổ ập xuống lần thứ 2.

Sạt lở hầm Bãi Gió khiến đường sắt Bắc - Nam tê liệt (Video: Trung Thi).

Công bố nguyên nhân sạt lở bịt kín hầm đường sắt ở Đèo Cả - 1

Khu vực sạt lở trong hầm Bãi Gió (Ảnh: Trung Thi).

"Chúng tôi đã 2 lần làm khung thép để gia cố vỏ hầm, nhưng bất thành vì đất đá trong hầm Bãi Gió vẫn sạt, lở", ông Vinh cho hay.

Nói về nguyên nhân sạt lở, Giám đốc Chi nhánh khai thác đường sắt Phú Khánh bác bỏ việc sạt, lở do quá trình thi công dự án gia cố hầm Bãi Gió.

"Quá trình thi công không liên quan đến việc sạt lở. Nguyên nhân hầm Bãi Gió được xây dựng cách đây khoảng 90 năm, nên các tầng đất đá ở trên vỏ hầm lâu năm bị phong hóa rồi rơi tự do xuống phía dưới đường ray", ông Vinh thông tin.

Công bố nguyên nhân sạt lở bịt kín hầm đường sắt ở Đèo Cả - 2

Một đoạn hầm nằm cách xa vị trí sạt lở được gia cố bằng khung thép, sau đó phun bê tông (Ảnh: Trung Thi).

Được biết, trước khi vụ sạt lở xảy ra, hầm Bãi Gió đang được đơn vị thi công gia cố các lớp chống thấm, khung thép và phun bê tông lên vỏ hầm.

Cũng theo ông Vinh, vị trí sạt lở nằm phía dưới quốc lộ 1 đoạn đi qua Đèo Cả (đèo nằm giữa địa phận 2 tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa). Do đó, ngành đường sắt đã làm việc với Cảnh sát giao thông tỉnh Phú Yên và tỉnh Khánh Hòa, tiến hành cấm tất cả các phương tiện xe tải đi trên đường Đèo Cả nhằm giảm áp lực cho vỏ hầm.

Công bố nguyên nhân sạt lở bịt kín hầm đường sắt ở Đèo Cả - 3

Các phương tiện được hướng dẫn quay đầu không vượt Đèo Cả (Ảnh: Trung Thi).

"Xe tải lưu thông trên quốc lộ 1 gây rung động, làm đất đá tiếp tục rơi tự do xuống hầm, gây khó khăn trong công tác khắc phục. Do đó ngành đường sắt kiến nghị cấm tất cả các phương tiện xe tải đi lại trên Đèo Cả", ông Vinh nói.

Lực lượng Cảnh sát giao thông tỉnh Khánh Hòa cho biết, đang đề nghị tất cả các phương tiện ô tô quay đầu, không vượt Đèo Cả để tránh gây rung chuyển ảnh hưởng đến quá trình khắc phục sự cố hầm đường sắt Bãi Gió.

Cũng theo Lực lượng Cảnh sát giao thông, hiện vẫn chưa cấm được các xe siêu trường, siêu trọng, xe chở nguyên liệu vì theo quy định các xe này không được phép đi qua hầm Đèo Cả, buộc phải đi qua đèo.

Công bố nguyên nhân sạt lở bịt kín hầm đường sắt ở Đèo Cả - 4

Hành khách được ngành đường sắt trung chuyển bằng ô tô từ ga Tuy Hòa (Phú Yên) đến ga Giã (Khánh Hòa) để đi tàu SE12 vào các tỉnh phía nam (Ảnh: Trung Thi).

Như Dân trí đã thông tin, trong 2 ngày 12 và 13/4, tại hầm Bãi gió xảy ra hiện tượng sạt lở với tổng khối lượng hơn 200m3 gây tê liệt đường sắt bắc - nam đoạn qua 2 tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa.

Do đó các tàu đi từ phía nam ra phải dừng ở ga Giã, huyện Vạn Ninh, Khánh Hòa; các tàu đi từ phía bắc vào phải dừng ở ga Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên. Chi nhánh Vận tải đường sắt Nha Trang đã huy động ô tô trung chuyển hành khách qua lại giữa 2 ga này.