1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Công an tiếp nhận nguồn tin từ mạng xã hội về xâm hại người dưới 18 tuổi

Thế Kha

(Dân trí) - Không chỉ từ đơn thư tố giác, nguồn tin về tội phạm xâm hại người dưới 18 tuổi có thể từ vụ việc đăng tải trên phương tiện thông tin đại chúng, trên mạng Internet và thông tin trên các mạng xã hội...

Bộ Công an vừa công bố dự Thông tư quy định trách nhiệm của lực lượng Công an nhân dân trong việc thực hiện một số trình tự, thủ tục tố tụng hình sự thân thiện trong quá trình điều tra vụ án xâm hại người dưới 18 tuổi để lấy ý kiến góp ý rộng rãi.

Dự thảo cho biết, xâm hại người dưới 18 tuổi là hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe; dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực, ép buộc, lôi kéo, dụ dỗ tham gia vào các hành vi liên quan đến tình dục (hiếp dâm, cưỡng dâm, giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác, dâm ô, sử dụng vào mục đích khiêu dâm); mua bán, chiếm đoạt người; hành hạ, ngược đãi, bắt lao động trái quy định của pháp luật đối với người dưới 18 tuổi.

Công an tiếp nhận nguồn tin từ mạng xã hội về xâm hại người dưới 18 tuổi - 1

Ảnh minh hoạ: BCA

Phát hiện hành vi xâm hại diễn ra trên môi trường mạng

Nguồn tin về tội phạm xâm hại người dưới 18 tuổi từ tin báo, tố giác của nạn nhân hoặc người thân thích của họ hoặc người biết việc về hành vi có dấu hiệu tội phạm; văn bản kiến nghị khởi tố của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; tin báo của cơ quan y tế, du lịch, tổ chức đoàn thể và cơ quan, tổ chức khác.

Bên cạnh đó, nguồn tin về tội phạm cũng có thể từ Tổng đài 111; tin báo được nêu trên các phương tiện thông tin đại chúng, trên mạng Internet và thông tin trên các mạng xã hội…

“Mọi hoạt động tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, khởi tố, điều tra các vụ án xâm hại người dưới 18 tuổi phải được tiến hành trong môi trường thuận tiện cho việc bảo đảm bí mật đời tư và danh dự, nhân phẩm của người dưới 18 tuổi. Hạn chế đến mức thấp nhất số lần tiếp xúc giữa người bị hại là người dưới 18 tuổi với bị can trong vụ án”- dự thảo nêu rõ.

Cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an, Cơ quan An ninh điều tra Công an cấp tỉnh tiếp nhận ban đầu phải thông báo ngay cho Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an cấp huyện nơi xảy ra vụ việc phạm tội hoặc Cơ quan điều tra có thẩm quyền biết để giải quyết.

Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an cấp tỉnh (hoặc Phòng thuộc Công an cấp tỉnh thực hiện chức năng an ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao) phát hiện các hành vi xâm hại người dưới 18 tuổi đang diễn ra trên môi trường mạng Internet, mạng xã hội phải kịp thời thu thập thông tin, sử dụng các biện pháp kỹ thuật để lưu giữ thông tin, xác định địa chỉ IP, thông tin cơ bản của các tài khoản, trang mạng xã hội, xác định địa chỉ nơi diễn ra tội phạm (nếu có thể), kịp thời cung cấp thông tin cho cơ quan điều tra có thẩm quyền.

Công an tiếp nhận nguồn tin từ mạng xã hội về xâm hại người dưới 18 tuổi - 2

Vụ án xâm hại tình dục được TAND tỉnh Phú Thọ đưa ra xét xử cách đây không lâu.

Hạn chế đến mức thấp nhất việc tiến hành đối chất

Dự thảo thông tư nêu rõ: Việc lấy lời khai bị hại là người dưới 18 tuổi có thể thực hiện tại nơi tiến hành điều tra, nơi cư trú hoặc nơi học tập, nơi làm việc của người đó. Điều tra viên, cán bộ điều tra lựa chọn nơi lấy lời khai và bố trí theo cách thức thích hợp để họ cảm thấy an toàn, thoải mái. Nơi nào đã bố trí phòng điều tra thân thiện thì có thể lấy lời khai ở phòng điều tra thân thiện.

Điều tra viên, cán bộ điều tra khi tiến hành lấy lời khai phải có thái độ thân thiện, nhẹ nhàng, sử dụng ngôn ngữ phù hợp và không nhất thiết phải mặc trang phục Công an nhân dân.

Theo yêu cầu của người bị hại là người dưới 18 tuổi hoặc người đại diện hợp pháp của họ, cơ quan điều tra có thể mời đại diện cơ quan Lao động - Thương binh và Xã hội, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, nhà trường hoặc cán bộ trợ giúp khác tham gia để hỗ trợ cho họ.

Việc thu thập chứng cứ, lấy lời khai người bị hại là người dưới 18 tuổi, bao gồm cả việc kiểm tra dấu vết trên người, chụp ảnh thương tích, ghi âm, ghi hình phải theo đúng quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 và phải bảo đảm không làm ảnh hưởng tới tâm lý cũng như quyền bí mật thông tin cá nhân và danh dự, nhân phẩm của họ.

“Cơ quan điều tra phải hạn chế đến mức thấp nhất việc tiến hành đối chất giữa người bị hại là người dưới 18 tuổi với bị can, bị cáo để không làm tổn thương tâm lý, tinh thần của họ. Đối với các vụ án xâm phạm tình dục, hành hạ, mua bán, chiếm đoạt người dưới 18 tuổi thì chỉ tiến hành đối chất khi thấy việc đó là cần thiết để làm sáng tỏ các tình tiết của vụ án mà nếu không đối chất thì không thể giải quyết được vụ án”- dự thảo nhấn mạnh.