Công an Hà Nội vào tận… giường làm chứng minh thư cho dân
(Dân trí) - Các trường hợp người già yếu, thương bệnh binh, gia đình chính sách, Công an quận Ba Đình mang thiết bị, máy móc đến tận nhà để làm chứng minh thư. Có trường hợp khó khăn trong đi lại, các cán bộ chiến sỹ vào tận giường làm cho dân.
Đến từng nhà dân làm chứng minh thư
Một sáng cuối tuần đầu tháng 7/2015, con ngõ nhỏ trong khu tập thể dành cho thương binh hỏng mắt (139 Nguyễn Thái Học, phường Điện Biên, quận Ba Đình) nhộn nhịp lạ thường. Hàng chục cụ già sinh sống trong khu tập thể này được con cháu dắt tới nhà ông Đỗ Sỹ Nền (số 33 ngõ 139) để cấp đổi, làm chứng minh nhân dân (CMND) mới 12 số.
Những thương binh hỏng mắt tại khu tập thể 139 Nguyễn Thái Học được người nhà dẫn đi cấp đổi CMND.
Cụ Nguyễn Thị Lựu năm nay đã 97 tuổi nhưng cũng được cô con dâu cùng cán bộ cảnh sát khu vực đưa đến làm thủ tục cấp đổi CMND 12 số mới. Con dâu cụ Lựu cho biết, CMND cũ của cụ làm từ năm 1988 và đã hết hạn. Do tuổi cao sức yếu, con cháu không dám đưa cụ đi làm CMND tại trụ sở công an theo quy định vì lo cụ đi lại khó khăn.
“Qua công tác rà soát, biết cụ Lựu có nhu cầu làm CMND mới nên Công an quận đã cử cán bộ cảnh sát khu vực tới nhà, cùng con dâu cụ Lựu đưa cụ đến tận nơi, tổ chức làm CMND cho cụ để cụ có được CMND mới khi phải sử dụng trong sinh hoạt cuộc sống.” - Thượng úy Trần Thái Hòa, Đội phó Đội Quản lý hành chính về trật tự xã hội (CAQ Ba Đình, cho hay.
Cán bộ CAQ Ba Đình chỉnh sửa tư thế để chụp ảnh làm CMND cho cụ Vũ Oanh, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam.
Vui mừng sau khi khai thông tin, chụp ảnh làm CMND, cụ Nguyễn Hồng (SN 1921), nguyên Thượng tá công an, chia sẻ, việc làm này của CAQ Ba Đình rất có ý nghĩa, bởi nó rất cần thiết, trong cuộc sống vẫn thường xuyên phải sử dụng tới CMND. “Chúng tôi nay tuy tuổi cao, mặc dù vẫn còn minh mẫn nhưng việc đi lại gặp nhiều khó khăn. Hôm nay, được lực lượng công an xuống tận nơi làm thủ tục cấp đổi, chúng tôi đi lại đỡ vất vả.” - cụ Hồng nói và gửi tặng cán bộ Cảnh sát khu vực một bài thơ do cụ làm, chép tay vào một tờ lịch.
Đầu giờ chiều ngày 10/7, các cán bộ chiên sỹ Đội QLHC về TTXH - CAQ Ba Đình vận chuyển những thiết bị, máy móc để làm CMND mẫu mới 12 số đến nhà cụ Vũ Oanh (SN 1924), nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam, để làm CMND cho cụ cùng một số cụ đều ở khu B4, ngõ 195 Đội Cấn (phường Đội Cấn, quận Ba Đình). Đây đều là những gia đình có công với cách mạng, gia đình nguyên cán bộ lãnh đạo Đảng và Nhà nước.
Mang máy móc vào tận phòng ngủ để làm CMND cho cụ Phạm Thị Cúc, phu nhân cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng.
Do các cụ đều tuổi cao, sức yếu, đi lại khó khăn, các cán bộ chiến sỹ khá vất vả mới có thể chụp ảnh, lấy dấu vân tay các cụ. Cá biệt là trường hợp cụ Phạm Thị Cúc (SN 1925), phu nhân cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Do khó khăn trong đi lại, sinh hoạt, các cán bộ Công an quận Ba Đình đã mang máy móc, thiết bị vào tận phòng ngủ của cụ, cụ ngồi trên giường để chụp ảnh, lăn tay.
Sẵn sàng đến tận nơi
Trao đổi với PV Dân trí, Thượng tá Hoàng Văn Phước - Phó trưởng Công an quận Ba Đình - cho biết, năm 2014, Ba Đình là quận đầu tiên của Công an thành phố triển khai việc cấp lưu động CMND mẫu mới 12 số. Từ đầu năm 2015 đến nay, CAQ đã cấp đổi CMND 12 số mới chung cho gần 1.000 trường hợp.
Chỉnh sửa trang phục trước khi chụp ảnh cho cụ Lê Huy Ngọ, nguyên Bộ trưởng Bộ NN&PTNT.
Ngoài ra, đối với các trường hợp già yếu, gặp khó khăn trong đi lại, và các trường hợp gia đình chính sách, gia đình người có công với cách mạng, để giúp người dân có đủ giấy tờ tùy thân, sử dụng trong cuộc sống, các cán bộ chiến sỹ CAQ Ba Đình đã tổ chức đến tận khu dân cư để cấp đổi CNMD. “Mọi trường hợp gặp khó khăn, chúng tôi luôn sẵn sàng đến tận nơi.” - Thượng tá Phước chia sẻ.
Thượng úy Trần Thái Hòa cho biết, qua rà soát, CAQ Ba Đình xác định có tổng số 81 trường hợp người già yếu, bệnh tật, đi lại khó khăn, cán bộ lão thành cách mạng tuổi cao có nhu cầu được hỗ trợ làm thủ tục cấp CMND. Từ đó, CAQ sẽ tổ chức làm thủ tục cấp đổi CMND mới 12 số cho các trường hợp này tận nhà hoặc khu dân cư.
Con trai cụ Nguyễn Thị Liệu kê khai thông tin trong Giấy đề nghị cấp CMND cho cụ.
Theo Thượng úy Hòa, tại khu tập thể dành cho thương binh hỏng mắt 139 Nguyễn Thái Học (phường Điện Biên), CAQ Ba Đình đã cấp đổi CMND cho 22 trường hợp người dân là thương, bệnh binh, người cao tuổi, người tàn tật. Do đối tượng cấp CMND lần này đa phần là thương binh hỏng cả 2 mắt, người già yếu nên công việc của các chiến sỹ công an cũng vất vả, mất nhiều thời gian hơn.
Các chiến sỹ dìu từng cụ vào ghế ngồi, nắn nót chỉnh sửa tư thế chụp ảnh, đọc lại những thông tin khai báo trong Giấy đề nghị cấp CMND trước khi nhập các dữ liệu vào máy tính. Trường hợp cụ bà Nguyễn Thị Liệu (94 tuổi) khi chụp ảnh, một cán bộ nữ phải nhẹ nhàng giải thích, thuyết phục mãi, cụ mới đồng ý cho tháo khăn vấn trên đầu và lăn tay.
Sau khi hoàn tất thủ tục cấp đổi CMND, cụ Vũ Oanh, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam, vui mừng cho biết, mặc dù các cụ tuổi đã cao nhưng trong cuộc sống vẫn cần đến những giấy tờ tùy thân như CMND. Các cụ rất vui và cảm ơn Ban Giám đốc CATP Hà Nội, các cán bộ chiến sỹ CAQ Ba Đình đã tận tâm, hết mình phục vụ nhân dân.
Cụ Nguyễn Hồng gửi tặng cán bộ cảnh sát khu vực phường Điện Biên bài thơ do mình viết, động viên cán bộ chiến sỹ công an.
Cụ Lê Huy Ngọ, nguyên Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, chia sẻ: “Làm CMND là trách nhiệm và nghĩa vụ của mỗi người dân. Lẽ ra mọi người phải ra trụ sở công an để làm. Các cán bộ CAQ Ba Đình đến tận nơi làm CMND cho những người già yếu, đi lại khó khăn như chúng tôi thực sự là việc làm thiết thực, gần gũi với nhân dân. Làm như vậy là chia sẻ, động viên người dân rất nhiều, đặc biệt là những người già như chúng tôi.”
Đón nhận những tình cảm của người dân sau khi làm thủ tục cấp đổi CMND ngay tại nhà, Thượng úy Trần Thái Hòa cho biết: “Để thực hiện tốt hơn nữa công tác cải cách hành chính phục vụ nhân dân, trong thời gian tới, CAQ Ba Đình sẽ tiếp tục rà soát và hỗ trợ cấp CMND 12 số cho các trường hợp thuộc diện tương tự. Công tác cấp đổi sẽ được triển khai ngay tại nhà dân với sự hỗ trợ của công an phường sở tại, giúp người dân có giấy tờ tùy thân để sử dụng”.
Tiến Nguyên