1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Con trai Giáo sư Võ Tòng Xuân: "Ba chưa nghỉ ngày nào trong cả cuộc đời"

Nguyễn Cường

(Dân trí) - Ông Võ Tòng Anh chia sẻ, trong suốt cuộc đời, cố Giáo sư Võ Tòng Xuân luôn tận dụng mọi thời gian để làm việc. Kể cả khi bác sĩ yêu cầu phải điều trị, cố Giáo sư vẫn gắng gượng đi gặp nông dân.

Ngày 20/8, tại Nhà tang lễ TP Cần Thơ, những đoàn người khắp cả nước nối nhau vào thắp hương tiễn biệt cố Giáo sư Võ Tòng Xuân và chia buồn cùng gia quyến. Có những vị lãnh đạo các tỉnh thành, cơ quan, đoàn thể; có những người là bạn, là đồng nghiệp; cũng có người là học trò của cố Giáo sư.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân cũng gửi vòng hoa kính viếng. 

Con trai Giáo sư Võ Tòng Xuân: Ba chưa nghỉ ngày nào trong cả cuộc đời - 1

Linh cữu cố Giáo sư Võ Tòng Xuân được quàn tại Nhà tang lễ TP Cần Thơ (Ảnh: Bảo Trân).

Đại diện gia đình, ông Võ Tòng Anh - con trai cố Giáo sư Võ Tòng Xuân - đứng bên linh cữu kính cẩn nhận những lời ai điếu từ quan khách.

Một đời lao động không ngừng nghỉ

Trao đổi với phóng viên Dân trí, ông Anh chia sẻ: "Gia đình tự hào về những điều cụ đã làm. Ba luôn cống hiến và dạy anh em tôi về trách nhiệm xã hội. Ba là tấm gương để anh em chúng tôi noi theo, học tập".

Theo ông Anh, điều đáng quý ở Giáo sư Võ Tòng Xuân là đạo đức, lòng yêu nước và tinh thần lao động, cống hiến.

"Ba tôi chỉ một lòng làm việc phụng sự đất nước, mong người nông dân ngày càng có cuộc sống tốt hơn. Cụ không từ chối, né tránh công việc khó khăn, cũng không tham màng danh lợi, không thích bon chen quyền thế.

Ba sống đạo đức, nhưng cụ luôn dạy tôi rằng "đạo đức không phải chuyện để tự hào, đạo đức là điều bất kỳ người bình thường nào cũng phải có". Với cụ, con người chỉ nên tự hào khi làm việc và cống hiến", ông Anh chia sẻ.

Con trai Giáo sư Võ Tòng Xuân: Ba chưa nghỉ ngày nào trong cả cuộc đời - 2

Ông Võ Tòng Anh cùng gia quyến túc trực bên linh cữu cố Giáo sư Võ Tòng Xuân (Ảnh: Nguyễn Cường).

"Trong ký ức của tôi, ba chưa từng dành một ngày nào để nghỉ ngơi, niềm vui của cụ là làm việc. Nếu gia đình cần, hay hồi còn nhỏ anh em tôi muốn chơi với ba, cụ sẽ rời máy tính một lúc để giúp vợ, chiều con, sau đó lại quay về với công việc.

Ba đã làm việc không ngừng nghỉ đến cuối đời. Không ít lần 3h sáng ba dậy kêu tôi chở đi bắt xe đò để xuống ruộng với nông dân", ông Anh nói thêm.

Cũng theo ông Anh, 2 năm trước, cố Giáo sư Võ Tòng Xuân bị nhồi máu cơ tim, kể từ đó sức khỏe giảm nhiều. Những ngày cuối đời, cố Giáo sư phải chống chọi cùng lúc bệnh ung thư phổi và dạ dày.

Dù vậy, cố Giáo sư vẫn luôn tranh thủ những lúc "thấy khỏe" để làm việc. Chuyến công tác cuối cùng của ông là chuỗi 5 ngày dẫn đoàn chuyên gia nước ngoài đi khảo sát đồng lúa nhiều tỉnh miền Tây.

"Bác sĩ chỉ cho ba đi 3 ngày nhưng cụ đã gượng hết 5 ngày để đoàn làm xong việc mới quay lại phòng bệnh. Sau lần đó ba yếu dần... Những lời trăn trối cuối cùng, ba vẫn dặn tôi cố gắng góp sức để cuộc sống nông dân ngày càng cải thiện", ông Anh nói với giọng có nửa phần tự hào, nửa phần tiếc nuối.

Con trai Giáo sư Võ Tòng Xuân: Ba chưa nghỉ ngày nào trong cả cuộc đời - 3

Gia quyến làm lễ quỳ bái Giáo sư Võ Tòng Xuân (Ảnh: Nguyễn Cường).

Ông Anh kể, từ lớp 7 ông đã được ba "nhờ" thống kê kết quả nghiên cứu về cây lúa, được đi cùng ba xuống ruộng thực nghiệm. Từ đó, ông Anh cũng được truyền tình yêu công việc đồng áng, yêu quý nông dân.

Sau này ông Anh cũng chọn con đường nghiên cứu nông nghiệp, nhưng thay vì đi theo kỹ thuật canh tác như cha mình, ông lại theo hướng tìm hiểu phương thức sản xuất.

"Ba tôi đã làm rất tốt việc tìm hiểu về đất, về cây. Tôi muốn nghiên cứu phần còn lại, đó là xã hội học nông thôn, tìm giải pháp để người nông dân tổ chức sản xuất, hợp tác với nhau làm sao cho hiệu quả nhất, đây cũng là điều ba tôi trăn trở những năm tháng cuối đời", ông Anh chia sẻ.

Cống hiến nổi bật cho nền nông nghiệp nước nhà

Đối với nền khoa học cả nước, cố Giáo sư Võ Tòng Xuân được biết đến là nhà nông học lỗi lạc bậc nhất, người đưa ra nhiều sáng kiến cải tạo đất, thau chua rửa phèn, lai tạo cây, cha đẻ của nhiều giống lúa ngon nổi tiếng, là người thầy lớn trong công tác đào tạo lực lượng khoa học cho đất nước.

Riêng với nông dân miền Tây, cố Giáo sư là "người hùng" giúp dập tắt dịch rầy nâu khủng khiếp trên toàn vùng những năm 1976-1978. Với những gia đình đã phải trải qua thời gian ăn cơm trộn khoai, sắn, cống hiến của cố Giáo sư không khác việc mang gạo đổ vào bồ cho họ.

Sinh thời, cố Giáo sư nhiều lần chia sẻ về kỷ niệm 3 năm chống rầy nâu của ông và đồng nghiệp, học trò.

Cố Giáo sư từng kể, năm 1976, ông nhận được tin từ học trò việc vùng Tân Châu, An Giang bùng phát dịch rầy nâu. Chỉ thời gian ngắn, dịch lan ra nhiều tỉnh khác, "đốt cháy đỏ" hàng chục nghìn hecta lúa.

Phản ứng đầu tiên của ông là đề nghị Viện Lúa quốc tế ở Philippines gửi những mẫu lúa có thể kháng rầy để nghiên cứu. Hai tuần sau, ông nhận được 4 bao thư, mỗi bao đựng 5g lúa giống.

Sau quá trình thử nghiệm, cố Giáo sư Võ Tòng Xuân và cộng sự chọn ra giống IR36 phù hợp với thổ nhưỡng miền Tây và có khả năng kháng rầy mạnh nhất. Có giống, ông tiếp tục nghiên cứu kỹ thuật tách mạ, từ 2-3 tép mạ thành 2-3 cây lúa, rồi kỹ thuật cấy một tép một bụi.

Sau 2 vụ, từ 5g ban đầu, nhóm của ông thu về 2 tấn lúa giống.

Ông tiếp tục có quyết định táo bạo là đề nghị lãnh đạo Trường Đại học Cần Thơ đóng cửa trường 2 tháng để sinh viên đi giúp dân trừ dịch rầy nâu. Đề xuất được chấp thuận, cố Giáo sư Võ Tòng Xuân cùng hơn 2.000 sinh viên đã mang 2 tấn lúa giống tỏa ra khắp các cánh đồng đang bị rầy tấn công mạnh nhất.

Chỉ 2 tháng sau, những cánh đồng lúa mới đã xanh rì, màu đỏ do dịch rầy dần biến mất. Đến năm 1978, cả miền Tây đã chuyển qua trồng lúa IR36, giống lúa không chỉ kháng rầy mà năng suất còn gấp 3 lúa mùa truyền thống.

Kể từ đây, uy tín của cố Giáo sư được cả nước công nhận. Lãnh đạo và nông dân khắp miền Tây đều cảm kích "thầy Xuân". Sau này, những giống lúa mới của ông từng bước góp công vào việc đảm bảo an ninh lương thực, biến Việt Nam thành cường quốc gạo.

Con trai Giáo sư Võ Tòng Xuân: Ba chưa nghỉ ngày nào trong cả cuộc đời - 4

Lãnh đạo TP Cần Thơ chia buồn cùng gia quyến cố Giáo sư Võ Tòng Xuân (Ảnh: Nguyễn Cường).

"Ba hay kể về các học trò cũ, mắt rưng rưng mỗi khi nhắc lại công cuộc chống "giặc" rầy nâu. Trước lúc mất ba vẫn mỉm cười và kể với tôi về câu chuyện đó. Cụ nhớ như in những cánh đồng rực đỏ, những ngày lặn lội cùng nông dân. Có lẽ đối với ba tôi, chiến dịch chống rầy nâu là điều cụ tự hào nhất", ông Võ Tòng Anh nhớ lại.

Cố Giáo sư Võ Tòng Xuân mất sáng 19/8 tại TPHCM. Lễ truy điệu sẽ được tổ chức vào lúc 7h30 ngày 22/8 tại Nhà tang lễ TP Cần Thơ. Cố Giáo sư Võ Tòng Xuân được an táng ở quê nhà (thị trấn Ba Chúc, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang).

Cố Giáo sư Võ Tòng Xuân sinh năm 1940. Ông là nhà khoa học có tầm ảnh hưởng lớn, nổi tiếng trong lĩnh vực nông nghiệp, từng nhận được nhiều danh hiệu lớn trong nước và quốc tế...

Ông được biết đến là cha đẻ các giống lúa như: Thần Nông, IR36, IR33, IR64, MTL30 phổ biến khắp các tỉnh miền Tây. Người góp phần đưa đất nước vượt qua những năm tháng khó khăn về lương thực, tiến đến cường quốc gạo.

Ông được phong Giáo sư nông học năm 1980, Anh hùng Lao động năm 1985; là đại biểu Quốc hội các khóa VII, VIII, IX; Ủy viên Hội đồng chức danh Giáo sư Nhà nước Việt Nam năm 1996-2006.

Cố Giáo sư từng giữ chức Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Cần Thơ; Hiệu trưởng các trường ĐH An Giang, ĐH Tân Tạo. Trước lúc mất, Giáo sư Võ Tòng Xuân là Hiệu trưởng danh dự Trường ĐH Nam Cần Thơ.