1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

“Con người mới sinh ra của cải chứ trụ sở chỉ là hình thức”

(Dân trí) - Đại biểu Quốc hội Cao Sỹ Kiêm - nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, cho rằng nên tập trung vào thay đổi bộ máy phục vụ của các cơ quan công quyền chứ không phải nghĩ cách xây dựng trụ sở thật to vì “trụ sở chỉ là hình thức không tạo giá trị gia tăng”.

 

Ông Cao Sỹ Kiêm trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội chiều 13/11 (Ảnh: Thế Kha).
Ông Cao Sỹ Kiêm trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội chiều 13/11 (Ảnh: Thế Kha).

 

Phóng viên: Trong tình hình ngân sách khó khăn như hiện nay, việc hàng loạt địa phương xin tiền xây trụ sở hành chính hàng nghìn tỷ đồng có phải vấn đề đáng lo ngại không, thưa ông?

Ông Cao Sỹ Kiêm: Nói chung ngân sách hiện nay đang rất khó khăn, yếu tố thu giảm đi và yếu tố chi đang tăng lên. Tăng lên chủ yếu vào khâu quản lý hành chính sự nghiệp. Tinh thần chung là nên hạn chế mua sắm, xây dựng để giảm chi từ ngân sách. Đấy là chủ trương nhất quán mà các địa phương đều phải thực hiện.

Còn riêng Hải Phòng, Khánh Hòa thì tôi chưa biết cái nguồn lấy ở đâu. Nếu xin ngân sách trung ương thì sẽ rất khó khăn, không thể duyệt được.

Tất nhiên đặc điểm của Hải Phòng là tiếp quản từ thành phố cũ, mà cơ sở của Hải Phòng lấy nhà tư nhân ra làm trụ sở thì lắt nhắt, có thể có đặc điểm riêng. Nhưng nếu là nơi ngân sách không bù đắp, tăng thu được, có chính sách mà nhà nước chấp nhận so với mặt bằng chung thì có thể có vài công trình. Nhưng tinh thần chung là phải tiết kiệm.

Nếu địa phương nào tự chủ được ngân sách để xây dựng trung tâm hành chính thì có nên để cho họ triển khai không?

Nếu tự chủ được ngân sách, tăng thu mà trụ sở khó khăn cho làm việc thì có thể khuyến khích. Chứ còn ông nhằm nhằm vào nhà nước xin là không được.

Mới đây tỉnh Khánh Hòa thực hiện chủ trương đổi đất cho doanh nghiệp để lấy trụ sở. Quan điểm của ông về vấn đề này thế nào?

Đây là biện pháp tốt. Tuy nhiên khi quy hoạch người ta cứ nói là một số tỉnh đổi đất lấy hạ tầng như bán các trụ sở cũ ở trung tâm để lấy tiền xây nhưng nói vậy thôi, rất ít thực hiện. Tôi để ý một số nơi xây xong chỗ mới thì chỗ cũ họ lại bành chướng đòi chiếm, hai là bỏ hoang xuống cấp.

Vậy giải pháp trong vấn đề này như thế nào, thưa ông?

Theo các nước tiên tiến thì phải giảm bớt chi phí mà tăng hiệu suất hoạt động của các trụ sở cơ quan công quyền. Nhưng chúng ta phải cân đối ngân sách, về lâu dài thì có thể làm được nhưng trước mắt và nhất là trong lúc này nợ công đang đe dọa, bội chi ngân sách tăng lên quá xa cho nên tinh thần là thắt lưng buộc bụng và phải chuẩn bị trước. Tránh tình trạng như các nước để xảy ra rồi lúng túng thì giải quyết không kịp.

Có nhiều ý kiến cho rằng chất lượng phục vụ của cơ quan công quyền là chính chứ không phụ thuộc vào trụ sở hành chính nghìn tỷ hoành tráng?

Chính xác. Bây giờ dịch vụ phục vụ của bộ máy công quyền là yếu, kể cả ý thức trách nhiệm và kể cả đạo đức cán bộ, cho nên rất trì trệ. Và trong hội sắp tới thách thức rất lớn phụ thuộc nhiều vào bộ máy nhà nước.

Tức là nên tập trung vào thay đổi bộ máy phục vụ của các cơ quan công quyền chứ không phải nghĩ cách để xây trụ sở hoành tráng. Vì con người mới sinh ra của cải chứ còn trụ sở chỉ là hình thức thôi, không tạo giá trị gia tăng bằng nâng cao năng suất, ý thức tư duy, trách nhiệm.

Xin cảm ơn ông!

Kha Xuân Lộc (ghi)

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm