Ai “đạp phanh” cho những cỗ xe tiêu pha kiểu xây tượng đài, trụ sở?
(Dân trí) - “Việc chi tiêu ngân sách quốc gia đã gióng chuông khẩn thiết về sự điều chỉnh… Tôi không bình luận một địa phương nào cụ thể nhưng không thể để mỗi nơi làm trung tâm hành chính một kiểu” – Đại biểu Quốc hội Lê Nam (Trưởng đoàn Thanh Hóa) trao đổi về tình trạng chi tiêu công lãng phí, trong đó có việc xây những công trình công cộng hoành tráng, tốn kém.
Thưa ông, có lẽ các vị đại biểu Quốc hội cũng hết sức căng thẳng khi phải thay mặt nhân dân quyết định những đồng tiền của ngân sách. Vậy liên tiếp những thông tin về 7 địa phương được duyệt xây tượng đài, tỉnh này “chấm” phương án xây trụ sở với mô hình tháp đôi ước tính 15.000 tỷ, tỉnh kia xin hỗ trợ 4/5 chi phí để xây trung tâm hành chính 10.000 tỷ đồng, theo ông những việc này có thực sự cấp bách để thêm gánh nặng lên ngân sách?
Hôm trước tôi đã nói ở hội trường rồi và hôm nay tôi vẫn nói như thế. Những quyết định của các địa phương khác thì tôi không bình luận bởi lẽ là mình là đại biểu của Thanh Hóa tôi không muốn nói đến các tỉnh bạn - những nơi mà có những mối liên hệ mật thiết trong hỗ trợ phát triển của các địa phương. Còn đối với việc chi tiêu ngân sách quốc gia thì rõ ràng là đã và đang gióng lên những hồi chuông cực kỳ khẩn thiết về việc cần có những quyết định ngay của Đảng, Nhà nước, Quốc hội về việc điều chỉnh, quản lý ngân sách Nhà nước.
Chúng ta thấy đó là những tiếng nói rất thống nhất của tất cả các đại biểu Quốc hội. Tôi thấy lãnh đạo Đảng, Nhà nước cũng nói vậy. Thế thì bây giờ từ việc này phải đi đến hành động, đi đến câu chuyện rất cụ thể về quản lý ngân sách Nhà nước như thế nào.
Giờ chi tiêu công, vẫn đi theo những con đường chúng ta đang đi. Những cỗ xe tiêu pha ngân sách vẫn chạy theo những con đường ấy. Chúng ta vẫn chưa có điều chỉnh để xem phanh lại như thế nào? Cần ai đạp phanh? Phanh thế nào để không gây tai nạn, phanh thế nào là hợp lý để đạt được mục tiêu chúng đặt ra về việc phải quản lý ngân sách chặt chẽ hơn, về việc chi tiêu công.
Đó là những vấn đề mà cả Đảng và Nhà nước, Quốc hội phải có những quyết định, phải có những biện pháp cụ thể chứ còn cứ nói thì tôi nghĩ đã thống nhất rất cao rồi.
Theo tôi thì đại biểu Quốc hội không thể đặt ra được giải pháp cụ thể là như thế nào. Tôi nghĩ câu trả lời này phải thuộc Chính phủ. Chính phủ phải có giải pháp và có thể đề xuất với Quốc hội ngay trong kỳ họp này. Vấn đề hiện nay đã đặt ra đến mức như thế.
Nếu tính về mức độ cấp bách thì có lẽ trung tâm hành chính chưa phải là ưu tiên số một. Và một số nơi đã làm trung tâm hành chính thì họ có cách làm riêng chứ không xin ngân sách Trung ương, thưa ông?
Trung tâm hành chính, trong nhu cầu là cần, cần khẳng định như vậy, phải khẳng định như vậy, nhưng cần xem lại chỗ này. Hệ thống công sở chúng ta xây dựng mấy chục năm nay hiện có còn sử dụng được không?
Lúc lập đề án thì nói rằng sẽ bán đi để lấy tiền xây trung tâm hành chính, nhưng nếu không bán được thì sự lãng phí rất lớn. Nên việc xây dựng ấy phải làm sao đảm bảo được sự thống nhất.
Tôi thấy dường như chưa có một quy định là trung tâm hành chính, cơ quan hành chính thì phải như thế nào. Ủy ban nhân dân ở tỉnh này cũng giống tỉnh khác, trung tâm hành chính ở tỉnh này cũng giống tỉnh khác, thế thì cần phải được quy định chứ.
Việc chưa có quy định thống nhất cho thấy đây là một khoảng trống, tôi cho rằng cần phải quy định, phải có sự lãnh đạo thống nhất, không thể để trung tâm hành chính công mỗi nơi làm một kiểu, không thống nhất về cả tiền bạc và thiết kế. Chi tiêu cho cơ quan quyền lực Nhà nước phải theo một quy định chung.
Đây là một khoảng trống và Chính phủ phải quy định trung tâm hành chính công phải như thế nào, vì trung tâm này làm việc cho Chính phủ, trong hệ thống của Chính phủ. Chứ không thì sẽ dẫn đến tình trạng có tỉnh mấy nghìn tỷ đồng cũng không đủ, nhưng cũng có tỉnh chỉ mấy trăm tỷ đồng.
Trong bối cảnh đó thì khi nhấn nút phân bổ ngân sách Quốc hội có nên ủng hộ việc xây dựng những trung tâm hành chính công đến hàng ngàn tỷ đồng trong khi chưa có quy định thống nhất như ông nói không?
Như tôi đã nói là lúc này Quốc hội, Chính phủ cần có những quy định, những giải pháp chi tiêu tài chính công. Giờ đang yêu cầu cấp bách phải tiết kiệm, phải dừng rồi. Có đại biểu còn đề xuất phải đóng băng ngân sách, đóng băng biên chế trong 3 năm. Nhưng Chính phủ cần phải trình cho Quốc hội giải pháp nào để mà quản lý chi tiêu công hiện nay.
Bên cạnh trung tâm hành chính thì còn có thông tin nhiều tỉnh, thành vẫn xin và vẫn được quy hoạch để xây tượng đài, quảng trường. Việc này theo ông nên được nhìn nhận thế nào?
Tôi vẫn nhắc lại là tôi không bình luận một địa phương nào cụ thể. Nhu cầu xây quảng trường là một nhu cầu rất khách quan. Bất cứ địa phương nào cũng có nhu cầu và nơi ấy không phải chỉ là bộ mặt mà còn là trung tâm sinh hoạt văn hóa, chính trị của người dân.
Đó là nhu cầu chính đáng của người dân chứ không phải chỉ của quan chức.
Tuy nhiên trong tình hình hiện nay thì phải tính toán làm sao cho nó hợp lý, phù hợp với khả năng ngân sách và điều kiện quốc gia. Tôi thấy điều đó cần phải đặt ra và Chính phủ cũng nên xem các địa phương xây như vậy là thế nào chứ không nên để các địa phương tự quyết định.
Xin cảm ơn ông!
Không đồng tình bất cứ tỉnh nào dùng tiền ngân sách xây trụ sở hoành tráng
Đại biểu Trần Du Lịch (TPHCM) nhấn mạnh nguyên tắc tiết kiệm với mọi tiêu dùng trong điều kiện hiện nay. Một số địa phương, như Đà Nẵng, xây trung tâm hành chính bằng cách gom các cơ quan rải rác trong thành phố lại, bán quỹ đất đó để lất tiền xây trụ sở chung, chứ không lấy ngân sách bố trí hàng năm, không lấy thuế của dân. Nhiều địa phương hiện tại cũng đang làm tương tự, như Khánh Hòa.
“Còn nếu dùng tiền ngân sách để xây trụ sở hoành tráng, quan điểm của tôi là ở bất cứ địa phương nào, tôi cũng không đồng tình. Trong tình trạng đất nước nợ nần thế này, không có một lý do nào hợp lý cho việc đó. Chúng ta không ăn nói thế nào được với người dân” – ông Lịch khẳng định.
Ông Lịch phân tích, xây trụ sở là việc chi tiêu dùng. Nếu dùng thuế, phí thu của người dân để đầu tư vào việc này thì không nên, nhà nước phải “cấm”, ít nhất trong thời gian 5 năm tới.
Đại biểu đồng tình với ý kiến cho rằng còn việc đệ trình lên Chính phủ, lên Thủ tướng về những khoản chi như này là vì cách thức điều hành ngân sách tính chi trước, thu sau, cơ cấu như vậy dẫn đến xin – cho. Cần quy định ngược lại, khả năng chi cho địa phương bao nhiêu, tỉnh thành nào thiếu Quốc hội mới xem từng nơi cụ thể để bố trí ngân sách Trung ương hỗ trợ phù hợp, tức là phải cân đối nguồn thu trước, phần thu được địa phương tự chủ, nếu trang trải còn thiếu thì Trung ương cân nhắc, nếu “vung tay quá trán” thì không cân đối chi bổ sung. Theo ông Lịch, làm như vậy mới đảm bảo kỷ luật ngân sách, chống xin - cho.
P.Thảo (ghi)