"Còn một khẩu pháo, một viên đạn cũng chiến đấu tới cùng"
(Dân trí) - "Bom đạn nổ rung chuyển trời đất. Đơn vị tôi bị hai quả bom trúng trận địa khiến một số pháo thủ hy sinh, bị thương. Ngay lập tức, chúng tôi tổ chức lại đội hình chiến đấu với khẩu hiệu: Còn một người, một khẩu pháo, một viên đạn cũng chiến đấu tới cùng..." - ông Phạm Đức Cơ nhớ lại trận đánh trong chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954.
Nhân kỷ niệm 65 chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2019), chúng tôi đã cuộc trò chuyện với cựu chiến binh Phạm Đức Cư (ở phường Nam Thanh, TP Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên), nguyên trợ lý tham mưu thuộc Tiểu đoàn 394, Trung đoàn Pháo cao xạ 367 trong Chiến dịch Điện Biên Phủ.
Ông kể, năm 1949 rời quê hương Thái Bình nhập ngũ theo đoàn quân tiến về phía Bắc, cầm súng chiến đấu, bảo vệ Tổ quốc. Sau đó, ông được chọn sang nước bạn huấn luyện pháo cao xạ. Hoàn thành khóa học, ông Cư được nằm trong số những chiến sĩ đầu tiên của Tiểu đoàn 394 về nước tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ.
Đến tháng 1/1954, để tiếp cận các cứ điểm của địch, Tiểu đoàn 394 được lệnh để lại xe cơ giới, kéo pháo bằng sức người vào lòng chảo Mường Thanh. Đây là công việc vô cùng khó khăn trong Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ.
Để kéo được pháo vào trận địa, bộ đội của ta phải kéo qua chặng đường vô cùng hiểm trở, khó khăn. Đường đèo đến trận địa mới mở rất hẹp và dốc, rất nhiều đoạn trơn trượt, một bên là vực thẳm, chỉ cần sơ suất là cả người và pháo văng xuống vực.
"Mỗi khẩu pháo nặng khoảng 2,4 tấn, để kéo được vào trận địa phải cần 80-100 người. Bảo đảm bí mật, việc kéo pháo tiến hành trong đêm. Không được soi đèn, chúng tôi cử hai chiến sĩ khoác mảnh dù trắng đi trước làm hoa tiêu. Qua bãi lầy thì anh em vác đá kè và chặt cây rừng rải xuống. Mỗi đêm vất vả lắm nhưng bộ đội cũng chỉ kéo được khẩu pháo dịch chuyển hơn 1km. Giày dép hư hỏng, cứ chân không đạp đất, quần áo bê bết cả mồ hôi lẫn máu..." - ông Cư kể.
Ông Cư cho biết, khó khăn là vậy, nhưng các chiến sĩ luôn nêu cao tinh thần “Dốc cao nhưng không bằng chí căm thù" và nhắc nhau phải nhớ lời Bác Hồ dạy: “Không có việc gì khó/ Chỉ sợ lòng không bền/ Đào núi và lấp biển/ Quyết chí ắt làm nên”.
Sau gần 10 đêm gian khổ, hàng chục khẩu pháo đã được bộ đội của ta kéo vào trận địa. Tiểu đoàn 394, Tiểu đoàn 383 bố trí thế trận hình cánh cung, thành lưới lửa phòng không khống chế vùng trời Điện Biên.
Bộ đội ta kéo pháo vào trận địa. (Ảnh tư liệu).
Chưa kịp hồi sức sau chuỗi ngày vất vả kéo pháo vào trận địa, hôm sau toàn đơn vị của ông Cư lại nhận lệnh từ cấp trên, ngay trong đêm 26/1/1954 phải kéo pháo ra khỏi trận địa. Lúc đó, Chính trị viên Tiểu đoàn 394 Phạm Đăng Ty thông báo, tình hình có nhiều thay đổi, ta không thể áp dụng “đánh nhanh, thắng nhanh” mà chuyển hướng sang “đánh chắc, tiến chắc”.
“Đêm 1/2/1954, Đại đội 827 kéo pháo ra đến Dốc Chuối, anh Tô Vĩnh Diện cùng một pháo thủ phụ trách điều khiển càng pháo để định hướng. Bất ngờ quân Pháp bắn pháo từ Mường Thanh lên. Bộ phận kéo giữ pháo nằm rạp xuống, dây tời bị đứt. Pháo thủ Nguyễn Văn Chi bị càng pháo hất xuống vực, pháo trôi dần về phía vực sâu. Anh Tô Vĩnh Diện lấy sức đẩy càng pháo hướng đâm vào vách núi. Cản được pháo lăn xuống vực nhưng anh bị bánh xe của khẩu pháo nặng hơn hai tấn đè lên người. Giây phút cuối cùng, anh vẫn cố hỏi: “Pháo có sao không?” - ông Cư kể tiếp.
Dù vất vả, chịu cả những tổn thất về người, với 3 lần kéo pháo bằng sức người, Tiểu đoàn 394 đã cùng các lực lượng hoàn thành nhiệm vụ đưa pháo vào trận địa. Phối hợp với pháo mặt đất, các đơn vị pháo cao xạ được lệnh sẵn sàng chiến đấu, bảo vệ các đơn vị bộ binh bao vây tiến công địch. 3 ngày sau khi mở màn chiến dịch, địch đã mất 3 vị trí quan trọng của phân khu 1 ở phía bắc. Địch điên cuồng nã pháo 105mm, 155mm, huy động các loại máy bay bắn phá ác liệt.
Ông Cư nhớ lại: “Những người lính pháo cao xạ đầu đội mũ sắt vẫn kiên gan trên mâm pháo nhằm thẳng quân thù mà bắn. Bom đạn nổ ầm ầm rung chuyển trời đất. Đại đội 827 của Tiểu đoàn 394 bị hai quả bom trúng trận địa khiến Đại đội trưởng Dương Bá Xanh, Đại đội phó Bùi Văn Phú và một số pháo thủ hy sinh, bị thương. Ngay lập tức, chúng tôi cùng cán bộ tiểu đoàn xuống tận trận địa, tổ chức lại đội hình chiến đấu với khẩu hiệu: Còn một người, một khẩu pháo, một viên đạn cũng chiến đấu tới cùng".
Sáu người chiến đấu với cả đại đội của địch
Ông Nguyễn Kim Sao kể cho phóng viên Dân trí về trận đánh quân nhảy dù của Pháp trong chiến dịch Điện Biên Phủ. (Ảnh: Nguyễn Dương).
Không tham gia vào những trận đánh chính của chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ, nhưng cựu chiến binh Nguyễn Kim Sao (ở Việt Trì, Phú Thọ), chiến sĩ thuộc Trung đoàn 148 vẫn nhớ như in một trận đánh "không cân sức" giữa ta và địch ở Điện Biên Phủ.
Ông kể, Trung đoàn 148 là đơn vị độc lập của Bộ, nhiệm vụ là chiến đấu độc lập ở vùng Tây Bắc, là “con đẻ” của Tây Bắc.
Trận đánh đầu tiên mà đơn vị ông tham gia trong chiến dịch Điện Biên Phủ là ngày 20/12/1953, đánh quân địch nhảy dù xuống cứ điểm Điện Biên Phủ.
"Chúng tôi quần nhau với địch ở đây khoảng 3 tháng thì được lệnh sang Lào chiến đấu ở mặt trận phía Bắc" - ông Sao kể.
Về trận đánh "không cân sức", ông Sao kể: "Đơn vị của tôi có 6 người, trong khi phải chiến đấu với cả đại đội của địch. Gần như cả ngày chúng tôi không được ăn, uống gì, nằm bẹp dưới các chiến hào. Khi phát hiện địch nhảy dù xuống, tới gần mặt đất anh em chúng tôi nổ súng. Sáu người chúng tôi chỉ có 1 khẩu tiểu liên K50, còn lại là súng trường".
Ông Sao kể tiếp, trong trận chiến đấu trên, cuối cùng may mắn đơn vị của ông cũng thoát khỏi vòng vây của địch. Tuy nhiên, đơn vị của ông Sao hi sinh mất 1 người và 1 người bị thương, nhưng cũng tiêu diệt được khoảng 7 tên địch.
Diễn biến: Tháng 12/1953, Bộ chính trị và Chủ tịch Hồ Chí Minh thông qua kế hoạch mở chiến dịch Điện Biên Phủ (ĐBP). Ngày 13/3/1954 quân ta mở chiến dịch và trải qua 3 đợt:
Đợt 1 từ 13 đến 17/3 ta tấn công các cứ điểm phía Bắc là Him Lam, Độc Lập và Bản Kéo.
Đợt 2 từ ngày 30/3 đến 26/4, ta tấn công các cứ diểm phía Đông phân khu trung tâm như A1,C1,E1,D1, đồng thời cắt đường tiếp tế của Pháp, khắc phục khó khăn về hậu cần.
Đợt 3 từ ngày 1 đến 7/5, ta tấn công sở chỉ huy và các cứ điểm còn lại, bắt sống tướng giặc và hơn 1 vạn quân địch, buộc chúng đầu hàng.
Kết quả: tiêu diệt và bắt sống 16.200 tên địch, bắn rơi 62 máy bay, phá huỷ và thu hồi toàn bộ vũ khí, phương tiện chiến tranh, đập tan cứ điểm ĐBP.
Ý nghĩa: Đập tan hoàn toàn kế hoạch Na Va, giáng đòn quyết định vào ý chí xâm lược thay đổi cục diện chiến tranh, tạo thuận lợi cho cuộc đấu tranh ngoại giao ở Hội nghị Giơnevơ.
Nguyễn Dương