1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Hải Phòng:

Côn đồ đánh dân ở Tiên Lãng: Dân và chính quyền đối thoại

(Dân trí) - Đến thời điểm này, Thủ tướng đã liên tiếp có 2 công văn chỉ đạo yêu cầu chính quyền các cấp Hải Phòng giải quyết và xử lý nghiêm vụ côn đồ đánh dân ở xã Đại Thắng (huyện Tiên Lãng).

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, hôm qua (15/5), chính quyền huyện Tiên Lãng đã có buổi đối thoại với dân. Tuy nhiên cuộc đối thoại vẫn chỉ dừng lại ở tinh thần lắng nghe và báo cáo cấp trên của chính quyền sở tại. Còn quyền lợi của dân và những bất cập trong công tác đền bù, giải phóng mặt bằng tại khu đất dự án xây dựng nhà máy giày của Công ty cổ phần Hoa Thành vẫn bị bỏ ngỏ.

 

Dân bị đánh, dân tự điều trị

 

Trong số 11 người bị đánh để lại dấu tích có 4 người bị thương nặng. Nhưng đến nay những nạn nhân này vẫn chưa nhận được một lời chia sẻ hay sự hỗ trợ nào. Anh Hoàng Văn Hào, một người bị đánh khá nặng ở phần đầu, cổ bức xúc: “Tôi bị côn đồ phang gậy vào người, mất mấy ngày phải ngủ ngồi vì sưng cổ, buốt vai. Nói là bị đánh nhưng biết bắt đền ai. Côn đồ đánh dân xong thì bị công an xã để “sổng” mất. Chính quyền thì bảo đang chờ điều tra. Thế là coi như mình tự đánh vào mình, liệu tiền mà thuốc thang thôi”.
 
Dân và doanh nghiệp vẫn chưa tìm được tiếng nói chung

Dân và doanh nghiệp vẫn chưa tìm được tiếng nói chung
 

Chị Đoàn Thị Bé phản ánh: “Chúng tôi bị đánh thâm tím ở đùi, ở vai, có người bị rách thịt ở chân, bụng, thế mà làm gì có tên trong danh sách bị gây thương tích”.

 

Tại buổi đối thoại, ông Hoàng Văn Khang, đại diện cho 153 hộ dân thôn Trâm Khê khẳng khái hỏi đại diện chính quyền huyện Tiên Lãng: Nông dân cũng là con người. Dân bị đánh phải được chữa trị, bồi thường sức khỏe và được công khai xin lỗi. Nhưng ở đây dân không nhận được gì ngoài thông tin 4 trong số hơn 50 côn đồ đã bị bắt giam.

 

Nhiều người dân thôn Trâm Khê cũng tố cáo, sổ đỏ của họ bị ngành chức năng coi như một tờ giấy nháp. Bà Nguyễn Thị Dự trình bày, năm 2004, ông Nguyễn Duy Đông khi đó là cán bộ địa chính xã về từng hộ gia đình thu hồi sổ đỏ với lời giải thích là để đối chiếu diện tích. Nhưng bây giờ khi bà nhận lại sổ đỏ thấy bị gạch xóa nhoe nhoét.

 

“Sổ đỏ là tài sản lớn, chúng tôi gìn giữ rất cẩn thận. Thế nhưng vào tay chính quyền tự dưng thành tờ giấy lộn”, bà Dự nói.
 
Dân phản ánh sổ đỏ bị chỉnh sửa, tẩy xóa
Dân phản ánh sổ đỏ bị chỉnh sửa, tẩy xóa 

 

Dân mệt mỏi muốn sớm giao đất cho doanh nghiệp

 

Vụ khiếu kiện kéo dài gần 10 năm, từ xã ra huyện, ra thành phố rồi lại lên trung ương mà vẫn không có kết quả khiến người dân mệt mỏi và dần rơi vào tuyệt vọng.

 

Ông Hoàng Văn Khang nói rõ quan điểm: “Nếu quy đình thu hồi, giao đất và mức đền bù hợp lý theo đúng pháp luật thì người dân chúng tôi chẳng gây khó dễ gì. Chúng tôi biết doanh nghiệp cũng thiệt thòi nhưng dân Trâm Khê là những người mong mỏi hơn ai hết giải quyết dứt điểm việc này. Cứ luẩn quẩn mấy chục năm nay chả giải quyết được gì, dân mệt mỏi lắm rồi!”.

 

Đồng tình với quan điểm này, ông Nguyễn Văn Nguyên cho rằng Công ty cổ phần Hoa Thành nên cùng dân bàn luận, thương thảo dựa trên tinh thần lắng nghe, cùng chia sẻ để tìm ra biện pháp có lợi cho cả đôi bên.

 

Kết thúc buổi đối thoại, ông Lương Hữu Huyền – Phó Chủ tịch UBND huyện Tiên Lãng – cho biết, sẽ cùng với lãnh đạo huyện, thành phố kiểm tra lại những vấn đề bà con nêu để có hướng giải quyết, đảm bảo quyền lợi chính đáng của người dân.

 

Ông Huyền thừa nhận những phản ánh và nguyện vọng của dân là đáng ghi nhận. Trước mắt huyện sẽ thông tin đầy đủ vụ côn đồ đánh dân đến nông dân Trâm Khê khi có diễn biến mới.

 

Thu Hằng