Vụ côn đồ đánh dân: Những “khuất tất” tồn tại suốt 10 năm
(Dân trí) - Với người dân thôn Trâm Khê, xã Đại Thắng (Tiên Lãng, Hải Phòng), vụ côn đồ đánh dân hôm 21/4 chỉ là “giọt nước tràn ly” của nhiều “khuất tất” đã tồn tại suốt gần 10 năm qua ở đây.
Công an “có thiếu sót”?
Ông Hoàng Văn Khang, người duy nhất trong 153 hộ dân đến thời điểm này vẫn chưa nhận tiền đền bù đất, phân trần: “Tôi già rồi, bệnh tật sắp chết rồi. Nhưng mai chết, hết đêm này tôi cũng muốn nhìn thấy công lý cho nông dân Trâm Khê. Tôi chưa nói đến chuyện giá cả đền bù bèo bọt, chưa cần nói đến lộ trình thu hồi đất chưa hợp lý. Tôi chỉ muốn cơ quan chức năng làm rõ, tại sao bà con chúng tôi bị đánh trọng thương mà toàn là phụ nữ, người già và cả người tàn tật? Dân bị đánh, công an xã có mặt ngay lúc vụ việc đang diễn ra. Hỗn chiến hơn 30 phút nhưng lực lượng an ninh xã chỉ đứng từ xa chờ. Trưởng công an xã thay vì vào còng tay kẻ hành hung dân thì lại bình tĩnh dùng điện thoại quay phim sự việc”.
Bà Lương Thị Dích yếu ớt do vết thương ở đầu mất nhiều máu, cho biết, bà bị ném gạch trúng đầu, máu chảy nhiều. Bà cùng nhiều người bị đánh đã “cầm tay” công an chỉ tận mặt những người đánh nông dân nhưng công an không làm gì.
Anh Nguyễn Văn Hiếu (SN 1983) nêu ý kiến: “Nói sự việc hôm nọ là ẩu đả giữa 2 bên là không đúng. Ẩu đả sao chỉ có phía nông dân bị thương, bị đánh còn phía người của công ty không ai bị hề hấn gì? Khi vụ việc xảy ra rành rành, chính quyền và công an chẳng chịu lập biên bản vụ việc. Dân chúng tôi đứng ra tự lập nhưng nhà chức năng có mặt chả ai ký xác nhận. Thử hỏi như thế thì có thờ ơ, vô trách nhiệm không?”.
Sau cuộc xô xát, người dân bị thương được đưa đi viện, còn hơn 50 “người lạ” bình thản buông gậy, thả gạch lên xe taxi di chuyển về phía chân cầu Tiên Cựu cách đó 500 mét, ngồi chờ uống nước. Và trong lúc sự việc chưa bớt căng thẳng thì 20 vệ sĩ được thuê lại quay trở lại hiện trường cùng với công an và người dân giữ đất.
Ông Lương Thanh Sắc - Chủ tịch xã Đại Thắng - cho biết, gần năm nay địa phương liên tục ở trong cảnh căng thẳng. Cứ mỗi lần doanh nghiệp gửi thông báo xây dựng là dân lại bỏ nhà ra dựng lều canh đất. Xã vận động dân rút, khi doanh nghiệp rục rịch làm dân lại kéo ra ăn ở ngoài ruộng. Xã lại ra vận động dân về.
Ông Lương Thanh Sắc cũng thừa nhận lực lượng an ninh địa phương hôm đó “có thiếu sót”.
Tiền đền bù “nhảy” từ 8,5 triệu lên… 110 triệu!
Ông Khanh kiên quyết không nhận tiền đền bù
Ông Hồng - một trong 8 hộ dân được nhận tiền đền bù cao gấp 11 lần so với các hộ khác.
Trước thực tế 9 hộ dân hơn 9 năm không nhận tiền đền bù vì cho rằng giá đền bù quá thấp, doanh nghiệp đã “thương lượng” riêng với dân. Kết quả là năm 2012, 8/9 hộ dân đã nhận nốt tiền đền bù.
Ông Lương Văn Hồng, 1 trong 8 người dân được doanh nghiệp “thương lượng” kể lại: “Tôi không chấp nhận mức giá đền bù 8,5 triệu đồng/sào. Doanh nghiệp Hoa Thành đã gọi riêng 9 người chúng tôi ra họp, yêu cầu sáng hôm sau lên trụ sở công ty lấy tiền. Sáng sớm công ty đã cho xe về đón và hôm đó chúng tôi được trả riêng với mức giá 110 triệu đồng/sào. Sau đấy về xã ký đã nhận tiền với mức giá cũ để hợp thức hóa thủ tục”.
Trong số 9 hộ được “đi đêm” chỉ có ông Hoàng Văn Khang không chịu nhận mức thỏa thuận ấy vì ông cảm thấy thiệt thòi cho 144 hộ đã phải nhận mức giá đền bù cũ.
Bị đe dọa, ném bom xăng đốt nhà
Sau vụ “thương lượng” bất thành nói trên không lâu, trước cửa nhà ông Khang bất ngờ xuất hiện lời cảnh cáo: Hoàng Văn Khang có lấy tiền không? Không lấy đừng trách chúng tôi. Sau đó ít hôm nữa thì nhà ông bị kẻ lạ ném bom xăng.
Các vụ đe dọa trên đã được báo cáo lên cơ quan công an và chính quyền địa phương. Tuy nhiên 7 tháng đã trôi qua mà hung thủ vẫn chưa được tìm ra.
Hiện nay người dân xã Đại Thắng mong muốn có một cuộc đối thoại giữa 3 bên: doanh nghiệp, chính quyền và người dân để đi đến thống nhất dứt điểm. Có như vậy mới ổn định được tình hình trật tự địa phương cũng như tạo cơ hội cho doanh nghiệp thực hiện dự án đã bị treo gần 10 năm nay.
Giang Lam