1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Côn Đảo và những chuyến tàu đi vào lịch sử

(Dân trí) - Vào năm 2017, chuyến tàu đầu tiên từ Sóc Trăng đi Côn Đảo đưa du khách trong và ngoài nước đến với di tích lịch sử quốc gia đặc biệt. Nhưng, có lẽ ít ai biết rằng hơn 60 năm trước, Sóc Trăng đã “thay mặt” cả nước đón đoàn tù chính trị từ “địa ngục trần gian” Côn Đảo về đất liền.

Từ những chuyến tàu đón tù chính trị Côn Đảo trở về...

Theo tài liệu ghi lại, ngay sau khi Cách mạng Tháng 8 thành công, Đảng và Chính phủ, Xứ ủy và Ủy ban hành chính lâm thời Nam Bộ nhanh chóng chỉ đạo việc tổ chức đoàn đưa các tù chính trị ở Côn Đảo trở về đất liền.

Qua công tác chuẩn bị phương tiện và lực lượng hết sức chu đáo, tối ngày 16/9/1945, đoàn đến Côn Đảo ở phía Bắc đảo, gần khu vực Cỏ Ống. Đoàn đã nhờ Đội phòng thủ Côn Đảo và chiếc xà lúp của đồng chí Tôn Đức Thắng sang hướng dẫn về cầu tàu trung tâm của đảo. Chiều ngày 17/9, một cuộc mítting lớn chào mừng phái đoàn được tổ chức tại trung tâm đảo.

Côn Đảo và những chuyến tàu đi vào lịch sử - 1

Mô hình con tàu đưa các cán bộ, chiến sĩ tù chính trị từ Côn Đảo về Sóc Trăng.

Từ ngày 18 đến 22/9/1945, Đảo uỷ nhà tù đã nhanh chóng triển khai nhiều công việc. Trong đó, một bộ phận khẩn trương thực hiện việc tập hợp, lập danh sách số tù chính trị, bố trí số lượng người cụ thể xuống các tàu, ghe, xà lúp.

Với quan điểm cách mạng, ngoài số tù chính trị cộng sản, Đảo uỷ còn bố trí số tù chính trị thuộc các đảng phái và xu hướng khác nhau nhưng không gây hại đến phong trào cách mạng trở về đất liền

Chiều tối 23/9/1945, đoàn cập bến Đại Ngãi (Sóc Trăng). Một số tù chính trị được chuyển ngay về trung tâm Sóc Trăng bằng đường bộ và đường thủy. Một số được bố trí nghỉ qua đêm tại chùa Quan Âm (Đại Ngãi) và hôm sau được đưa về điểm đón tiếp tập trung tại trường Taberd (nay là trường Tiểu học THCS&THPT Ischool Sóc Trăng).

Côn Đảo và những chuyến tàu đi vào lịch sử - 2

Tranh sơn dầu tái hiện cảnh nhân dân Sóc Trăng đón các cán bộ, chiến sĩ tù chính trị về từ Côn Đảo.

Sáng ngày 24/9/1945, một cuộc mít tinh lớn chào mừng đoàn được tổ chức tại sân trường Taberd. Cuộc mít tinh đã trở thành một cuộc biểu dương lực lượng ủng hộ chính phủ lâm thời do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu, kiên quyết đánh Pháp để giữ vững đất nước độc lập.

Ngày 30/9/1945, đoàn cán bộ, chiến sĩ Côn Đảo lên đường về Cần Thơ để nhận nhiệm vụ mới. Trong số đó, nhiều đồng chí đã trở thành lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà nước sau này, như Lê Duẩn, Nguyễn Văn Linh, Tôn Đức Thắng, Phạm Hùng, Lê Văn Lương, Phan Trọng Tuệ,...

Côn Đảo và những chuyến tàu đi vào lịch sử - 3

Nơi đón đoàn tù chính trị ở Côn Đảo về Sóc Trăng.

... đến chuyến tàu đưa khách ra thăm "địa ngục trần gian"

Ngày 14/7/2017, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Sóc Trăng phối hợp với Công ty cổ phần tàu cao tốc Superdong - Kiên Giang tổ chức lễ khởi hành tuyến tàu khách du lịch đầu tiên từ Trần Đề (tỉnh Sóc Trăng) đi Côn Đảo (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) với thời gian khoảng 2,5 giờ.

Chuyến tàu đầu tiên này đã đánh dấu mốc có ý nghĩa lịch sử, góp phần vực dậy tiềm năng, lợi thế trong phát triển du lịch, thương mại, dịch vụ của tỉnh Sóc Trăng nói riêng, khu vực ĐBSCL nói chung.

Anh La Minh Chung (du khách đến từ tỉnh Trà Vinh) cho biết: “Tuyến tàu cao tốc Sóc Trăng đi Côn Đảo là điều kiện thuận lợi để tôi cùng bạn bè đến với Côn Đảo. Tuyến tàu này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho người dân vùng đồng bằng sông Cửu Long đi du lịch Côn Đảo với cự ly gần nhất”.

Không chỉ có anh Chung, bà Cam Thế Hảo (ngụ phường 9, TP Sóc Trăng) phấn khởi: “Trước đây tôi rất muốn ra Côn Đảo tham quan nhưng đường đi xa xôi nên không có cơ hội để đi, giờ có cơ hội thì mình phải đi cho biết phong cảnh của đất nước Việt Nam”.

Côn Đảo và những chuyến tàu đi vào lịch sử - 4

Chuyến tàu cao tốc đầu tiên từ Sóc Trăng đi Côn Đảo.

Không chỉ đem lại sự thuận tiện về du lịch, việc đưa vào hoạt động tuyến tàu cao tốc này còn giúp nhiều người sinh sống và làm việc tại Côn Đảo có điều kiện về đất liền, vận chuyển hàng hóa dễ dàng hơn.

Anh Nguyễn Văn Phúc (ngụ TP Cần Thơ, làm việc nhiều năm tại Côn Đảo) vui vẻ nói: “Do khoảng cách từ đất liền ra Côn Đảo xa, nên để ra đảo thường phải di chuyển bằng máy bay, mỗi tuần chỉ có 2 chuyến, nên có việc đi đột xuất cũng khó. Bây giờ có tuyến tàu cao tốc từ Côn Đảo về Sóc Trăng mỗi ngày sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho người dân nhiều hơn”.

Ông Trần Minh Lý- Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Sóc Trăng, cho biết: “Tuyến tàu cao tốc Superdong khai trương đi vào hoạt động đã góp phần tăng doanh thu du lịch, giúp ngành du lịch Sóc Trăng sớm trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh. Với tấm lòng hiếu khách, thân thiện, tỉnh Sóc Trăng luôn hân hoan chào đón du khách.

Trong thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục xây dựng và nâng cao chất lượng các dịch vụ, sản phẩm du lịch phục vụ du khách, đảm bảo vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, cảnh quan thông thoáng, sạch sẽ; đồng thời đảm bảo tình hình an ninh trật tự, an toàn xã hội cho du khách khi đến tham quan, tìm hiểu, lưu trú tại Sóc Trăng để đi đến Côn Đảo”.

Mới đây, ngày 5/12/2019, tại Bến Ninh Kiều (TP Cần Thơ), Công ty cổ phần tàu cao tốc Phú Quốc đã tổ chức lễ khai trương tuyến mới Cần Thơ - Trần Đề (Sóc Trăng) - Côn Đảo (Bà Rịa -Vũng Tàu). Tuyến tàu này kết nối 3 vùng miền Cần Thơ - Trần Đề - Côn Đảo trên một chuyến hành trình bằng tàu cao tốc 2 thân lớn nhất Việt Nam, với thời gian hơn 3 giờ.

Việc đi vào hoạt động tuyến tàu cao tốc Trần Đề - Côn Đảo, Cần Thơ - Trần Đề - Côn Đảo đã giải quyết những khó khăn trước mắt trong vấn đề giao thông của huyện Côn Đảo với đất liền. Đặc biệt, đây còn là cột mốc đánh dấu sự phát triển du lịch ở Sóc Trăng trong việc hình thành liên kết tour, tuyến du lịch với các địa phương khác, qua đó sẽ vực dậy tiềm năng lợi thế du lịch, tạo động lực phát triển thương mại - dịch vụ của tỉnh trong thời gian tới.

Cao Xuân Lương