1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Quảng Nam:

Có tàu "tuồn" cát ra Đà Nẵng nhưng... chưa biết hút ở đâu!

(Dân trí) - Liên quan đến việc hút cát ở biển Cửa Đại chở ra sang lấp dự án ở Đà Nẵng, chiều ngày 29/3, lãnh đạo Sở GTVT Quảng Nam đã có buổi làm việc với các bên liên quan.

Đang khớp số liệu lượng cát hút và bơm

Hồ sơ của Ban QLDA đầu tư xây dựng Hội An xác định khối lượng cát hút và bơm vào bãi biển Cửa Đại “khớp lệnh” với nhau; còn việc cơ quan chức năng phát hiện một số tàu hút cát chở ra sang lấp ở Đà Nẵng thì đang tiến hành điều tra.


Các tàu hút cát đang thực hiện dự án ở biển Cửa Đại

Các tàu hút cát đang thực hiện dự án ở biển Cửa Đại

Ông Lê Văn Sinh – Phó Giám đốc Sở GTVT Quảng Nam – cho hay, sau khi xác định hồ sơ, đơn vị xác định số lượng cát hút của các đơn vị và khối lượng cát đổ vào bãi biển Cửa Đại trùng khớp nhau, còn một số tàu đã bị phát hiện hút cát ở khu vực biển Cửa Đại chở ra Đà Nẵng thì hiện các cơ quan chức năng tỉnh Quảng Nam đang tiến hành điều tra.

“Hiện chúng tôi cũng đang thu thập thông tin về việc tàu hút cát ở biển Cửa Đại chở ra Đà Nẵng để báo cáo với lãnh đạo tỉnh. Chậm nhất cuối tuần chúng tôi sẽ có báo cáo với lãnh đạo tỉnh về việc này”, ông Sinh nói.

Cũng theo ông Sinh, việc có một số tàu hút cát ở biển Cửa Đại chở ra Đà Nẵng là có, tuy nhiên hút ở đâu và khối lượng bao nhiêu thì các cơ quan chức năng của tỉnh đang tiến hành điều tra để làm rõ.

Bờ biển Cửa Đại đang dần bồi tụ

Gần 2 tháng qua, nhiều người dân xung quanh bãi biển Cửa Đại (Hội An) rất vui mừng, phấn khởi khi cát đang dần bồi tụ trở lại khu vực này.

Người dân bắt đầu bày bàn ghế để du khách ngắm biển, thư giãn
Người dân bắt đầu bày bàn ghế để du khách ngắm biển, thư giãn

Tại nhiều đoạn, bãi cát đã được tái tạo phục hồi hàng chục mét tính từ kè bao ra đến mép nước, trở thành nơi để du khách nghỉ ngơi, tắm mát.

So với chiều dài bãi cát từ bãi biển Cửa Đại đến An Bàng đã bị sạt lở trước đó thì lượng cát được bồi lấp trở lại vẫn còn tương đối nhỏ và quá trình bồi tụ cũng không đồng đều. Tuy nhiên, theo những người dân địa phương, việc bờ biển dần được bồi lấp trở lại và tình trạng xói mòn bờ biển không còn xảy ra đã mở ra cơ hội kinh doanh cho họ.

Bà Nguyễn Thị Bé (hộ kinh doanh tại biển Cửa Đại) chia sẻ: “Việc biển Cửa Đại dần bồi tụ chúng tôi rất vui mừng, phấn khởi. Gần đây du khách về đây cũng đông hơn, không còn cảnh họ chụp ảnh qua loa rồi bỏ đi như trước đây nữa. Hy vọng “thần biển” phù hộ để bãi biển Cửa Đại được khôi phục như xưa, như vậy du lịch mới phát triển và người dân chúng tôi cũng không còn cảnh buồn bã ngồi ngóng biển nữa”.

Có tàu "tuồn" cát ra Đà Nẵng nhưng... chưa biết hút ở đâu! - 3

Theo ghi nhận, những ngày qua, nhiều hộ kinh doanh cũng bắt đầu đặt bàn ghế trên những bãi bồi này để du khách có thể nằm ngắm biển. Lượng khách du lịch trở lại bãi biển ngày càng đông. Đặc biệt, nhiều người cũng thích thú khi được tắm biển Cửa Đại vì sóng đã không còn dữ dội như trước.

Thời gian qua chính quyền địa phương đã cho đóng 1.000 cọc sắt larsen dài 9m xuống biển Cửa Đại để ngăn sóng bên ngoài. Phía trong là hệ thống đê được đắp bằng hơn 3.000 bao tải có khả năng chịu mặn tốt, mỗi bao có khối lượng 1,3m³ được lằn chặt và xếp liền kề với nhau. Những đoạn bị sóng biển xâm thực mạnh thì kè bằng hai hàng trụ bê tông cốt thép cao 4m.

Hai phía kè larsen cũng đang dần bồi tụ
Hai phía kè larsen cũng đang dần bồi tụ

Ông Nguyễn Văn Dũng - Chủ tịch TP Hội An - cho biết: “Hiện tại cát đã dần bồi lấp biển Cửa Đại, hơn 3km bờ biển cát đang dần bồi tụ, nhiều nhất là 60m tính từ mép kè ra biển. Đây là tín hiệu tích cực nhưng cũng chưa vội vui mừng, phải được kiểm chứng qua mùa mưa bão sắp tới xem sao”.

“Chưa thể khẳng định bãi biển Cửa Đại bồi tụ trở lại là do đóng cọc larsen, bơm hút cát đổ vào hay do mùa. Nếu bồi phía sau cọc là do là do tác dụng của việc đóng cọc còn bồi phía trước là do mùa, nhưng hiện nay đang có hiện tượng cát bồi cả hai phía. Cần phải quan sát, theo dõi trong một năm, qua mùa đông này, nếu biển không lấy cát đi nữa thì lúc đó chúng ta mới khẳng định được bãi biển Cửa Đại thực sự bồi tụ trở lại. Thậm chí việc đóng cọc larsen phải sau hai tháng đến một năm mới khẳng định được hiệu quả”, ông Dũng cho biết.

C.Bính - N.Linh