1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Cơ sở pháp lý nào cho đề xuất “cấm” amiăng trắng tại Việt Nam?

(Dân trí) - Nhiều câu hỏi về vấn đề này được đặt ra tại phiên giải trình về sử dụng amiăng trắng tại Việt Nam do UB Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội tổ chức ngày 3/11 vừa qua. Chủ nhiệm UB Khoa học, Công nghệ băn khoăn, cơ sở khoa học, cơ sở pháp lý để đề xuất “cấm” amiăng đều còn vướng.

Cả huyện lợp mái fibro ximăng, người dân chưa từng than bệnh tật

Đại biểu Quốc hội Mai Sỹ Diến (Thanh Hóa) đặt vấn đề điều 8 Luật đầu tư nêu rõ, căn cứ điều kiện kinh tế xã hội, Chính phủ rà soát các ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, không loại trừ những ngành nghề sử dụng amiăng trắng, để trình lên Quốc hội xem xét quyết định (có thể thực hiện theo thủ tục rút gọn). Vậy cơ sở pháp lý nào để Bộ Xây dựng, Bộ Y tế trình Thủ tướng cho chấm dứt việc sản xuất tấm lợp có amiăng trắng vào năm 2023?

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Đỗ Văn Sinh giải trình trước UB Khoa học, Công nghệ & Môi trường
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Đỗ Văn Sinh giải trình trước UB Khoa học, Công nghệ & Môi trường

Trả lời câu hỏi, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Đỗ Văn Sinh giải thích, lý do Bộ Xây dựng lập đề án “cấm sử dụng amiăng trắng” là do, ngày 5/8/2014, tổ chức Y tế thế giới (WHO) và tổ chức Lao động quốc tế (ILO) có thư gửi Thủ tướng Chính phủ Việt Nam về việc thúc giục Việt Nam ban hành lệnh cấm sử dụng amiăng trắng vào năm 2020. Sau đó, Bộ Y tế cũng có văn bản gửi Thủ tướng nêu quan điểm về sự độc hại của amiăng trắng đối với sức khỏe con người và một số căn cứ khác.

Theo đó, được Thủ tướng giao nghiên cứu, Bộ Xây dựng đã hoàn thiện dự thảo Đề án xây dựng lộ trình dừng sử dụng amiăng trắng để chấm dứt hoạt động sản xuất tấm lợp. Trong quá trình xây dựng đề án, Bộ Xây dựng đã lấy ý kiến các Bộ, địa phương, các UB của Quốc hội, các hội nghề nghiệp… Có 39/42 đơn vị nhất trí với nội dung dự thảo đề án.

Do cần thêm thời gian để làm rõ một số vấn đề, ngày 17/8/2018, Bộ Xây dựng đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ xin lùi thời gian trình đề án, kéo dài đến hết tháng 6/2019.

Chung băn khoăn về cơ sở xúc tiến việc “cấm” amiăng trắng, đại biểu Bùi Thanh Tùng (Hải Phòng) cho rằng, việc xây dựng chính sách phải đảm bảo lợi ích Nhà nước, doanh nghiệp và người dân và đặc biệt phải có đầy đủ cơ sở pháp lý.

“Tôi có 3 nhiệm kỳ làm lãnh đạo tại Hải Phòng, 1 nhiệm kỳ làm Bí thư huyện đảo tại đây. Trên đảo, gần như toàn bộ nhà dân đều sử dụng tấm lợp amiăng xi măng nhưng chưa bao giờ thấy người dân ý kiến về việc loại vật liệu xây dựng này gây tác hại cũng như kiến nghị dừng sử dụng tấm lợp này. Vậy tại sao các cơ quan lại nêu vấn đề này ra?” – ông Tùng đặt câu hỏi.

Đáp lại, lãnh đạo Bộ Xây dựng chia sẻ, là cơ quan quản lý lĩnh vực vật liệu xây dựng, Bộ cũng mong ngành sản xuất tấm lợp nói riêng phát triển nên khi được giao nhiệm vụ nghiên cứu, xây dựng đề án giúp Thủ tướng, Bộ cũng thấy… hoang mang vì lo việc “cấm” amiăng trắng ảnh hưởng tiêu cực đến khối doanh nghiệp, người lao động trong lĩnh vực này. Vậy nên Bộ Xây dựng đã thận trọng, yêu cầu nhiều cuộc làm việc với WHO, với Bộ Y tế, những cơ quan chuyên môn có tiếng nói, có trách nhiệm trong quản lý lĩnh vực liên quan đến sức khỏe con người.

“Chúng tôi chỉ xem xét vấn đề từ mặt kỹ thuật. Trong sản xuất, theo các tài liệu đã công bố, amiăng trắng được xem là có độc hại nên lâu nay sản xuất tấm lợp đã được đưa vào ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Theo đó, Bộ Xây dựng cũng thường xuyên kiểm tra, giám sát các cơ sở sản xuất. Với những cơ sở mạnh như tấm lợp Đông Anh thì có thể khẳng định điều kiện làm việc đảm bảo an toàn cho người lao động nhưng cũng có những cơ sở chúng tôi đi thăm thấy môi trường lao động cũ kỹ, xuống cấp. Điều đó đáng lo ngại. Dù ảnh hưởng của amiăng trắng với người lao động, người sử dụng tấm lợp đã được Bộ giao cho Bệnh viện Xây dựng nghiên cứu nhưng việc này mới làm ít năm qua, chưa đủ để đánh giá” – Thứ trưởng Đỗ Văn Sinh giải thích.

Ông Sinh cũng khẳng định, đề án mới đang được nghiên cứu, chưa báo cáo Thủ tướng Chính phủ, chưa có “lệnh cấm” cụ thể nào được đưa ra.

Tiêu chuẩn nồng độ bụi amiăng của Việt Nam ngang bằng Mỹ

Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Nguyễn Lâm Thành nêu câu hỏi chất vấn tại phiên giải trình
Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Nguyễn Lâm Thành nêu câu hỏi chất vấn tại phiên giải trình

Minh chứng thêm vấn đề Thứ trưởng Sinh thông tin, Giám đốc Bệnh viện Xây dựng – TS.BS Lê Thị Hằng cho biết, qua theo dõi các bệnh nghề nghiệp trên công nhân làm trong ngành công nghiệp sản xuất tấm lợp tại Việt Nam thời gian qua, chưa phát hiện các trường hợp ung thư trung biểu mô phổi ở những người có tuổi nghề trên 30 năm. Mô hình sức khỏe và bệnh tật của người lao động tại những cơ sở sản xuất này không có sự khác biệt với các đơn vị xây dựng nói chung.

Còn đứng về môi trường lao động, từ trước năm 2000, kiểm soát các mẫu đo tại nơi xé bao, trộn liệu amiăng trong dây chuyền sản xuất tấm lợp có amiăng thì có việc các sợi amiăng bị phát tán ra môi trường ở mức độ vượt nồng độ cho phép từ 1-2 lần. Quy chuẩn nồng độ bụi sợi amiăng áp dụng tại Việt Nam từ năm 2002 là bằng tiêu chuẩn của Mỹ.

Việc theo dõi, đánh giá tình hình của người dân sống dưới mái nhà lợp bằng tấm amiăng ximăng cũng cho kết quả, chưa thấy có biểu hiện sức khỏe gì khác biệt so với cộng đồng dân cư trong cả nước cũng như trên thế giới.

Tại phiên giải trình, nhiều chất vấn của các vị đại biểu Quốc hội được dành cho đại diện Bộ Y tế.

Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Nguyễn Lâm Thành nhận định, việc sử dụng tấm lợp amiăng ximăng liên quan trước hết đến đồng bào nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số. Vậy sao Bộ Y tế chỉ quan tâm đến các khuyến cáo của WHO? Thực tế có con số nào về tình trạng bệnh ung thư phổi, ung thư trung biểu mô liên quan đến amiăng trắng tại Việt Nam?

Chia sẻ băn khoăn này, đại biểu Bùi Thanh Tùng cũng muốn Bộ Y tế làm rõ vì sao cơ quan này không đề nghị xây dựng lộ trình “cấm” dần với 118 chất độc khác cũng được WHO đưa ra khuyến cáo, xếp ở vị trí cao hơn trong danh sách mà chỉ đề xuất đối với amiăng trắng?

Tuy nhiên, đại diện của Bộ Y tế không có câu trả lời cho những câu hỏi được đặt ra.

Phát biểu kết luận phiên giải trình, Chủ nhiệm UB Khoa học, Công nghệ & Môi trường Phan Xuân Dũng nhận xét, qua việc chất vấn, có thể thấy cơ sở khoa học, cơ sở pháp lý được đưa ra cho đề xuất “cấm” amiăng trắng đều còn… vướng. Đến nay vẫn còn tới 6 vấn đề các bộ ngành chưa giải đáp hết được, đề án phải xin lùi thời hạn trình Thủ tướng.

Ông Dũng nhấn mạnh: “Tại Việt Nam, chính những công nhân đã và đang làm việc, tiếp xúc hàng ngày với amiăng trắng là một bằng chứng sống về khảo nghiệm trên bản thân họ. Do đó những kết luận các cơ quan quản lý đưa ra phải xác đáng, đúng thực tiễn. Các cơ quan tham gia đề xuất lộ trình “cấm” amiăng, cụ thể là Bộ Xây dựng và Bộ Y tế đưa thông tin liên quan đến amiăng phải thực sự khách quan, khoa học vì lợi ích chung của nền kinh tế đất nước, vì quốc gia, dân tộc, đặc biệt là vì sức khỏe của người dân. Khi chưa có bằng chứng khoa học thì chưa được kết luận, tuyên truyền trái pháp luật”.

P.T