1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Cơ quan đấu tranh chống tham nhũng chưa hoàn toàn đủ mạnh

(Dân trí) - “Hiện còn 20 bộ và hơn 30 địa phương chưa có báo cáo hoặc báo cáo chưa rõ về tình hình phòng chống tham nhũng tại địa phương mình, ngành mình. Sắp tới nếu tiếp tục không làm tốt, Thủ tướng sẽ yêu cầu xử lý trách nhiệm chứ không hô hào chung chung nữa”.

Tổng thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền khẳng định như vậy với báo giới bên lề kỳ họp Quốc hội. 

Qui chế quản lý đoàn thanh tra: Mọi hành vi trục lợi đều bị xử nặng 

Hệ thống thanh tra sẽ là lực lượng nòng cốt trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng nhưng có ý kiến cho rằng, thanh tra chưa đủ độc lập để thực hiện nhiệm vụ? 

Thanh tra hiện chỉ có chức năng xử lý hành chính trong quá trình thanh tra, còn một số biện pháp chế tài cần thiết thì thanh tra chưa có thẩm quyền, vì vậy Thủ tướng đã có ý kiến sửa đổi Luật Thanh tra, có lẽ trong năm tới Luật Thanh tra sẽ xin Quốc hội điều chỉnh sửa đổi cả về tổ chức cũng như thẩm quyền.

Thanh tra hiện không có hệ thống xuyên suốt, Thanh tra Chính phủ thuộc Chính phủ, thanh tra bộ ngành lại do bộ ngành quản lý...

Nếu nói thanh tra không có sự độc lập cũng không đúng, chỉ một số lĩnh vực thanh tra địa phương nếu chủ tịch tỉnh không đồng ý thì không được làm, sắp tới sẽ sửa qui định này. 

Vừa qua, trong ngành thanh tra cũng có không ít vụ tham nhũng lớn, vậy với vai trò là lực lượng nòng cốt, thời gian tới ngành thanh tra có biện pháp gì để chống tham nhũng trong nội bộ? 

Nếu nói ngành thanh tra có tham nhũng lớn là không đúng, chỉ có một số vụ cán bộ, công chức khi làm nhiệm vụ có vụ lợi, mang tính hối lộ và đã được xử lý bằng cả hành chính và hình sự.

Chúng tôi nhận thấy các cơ quan làm nòng cốt đấu tranh chống tham nhũng chưa hoàn toàn đủ mạnh, chưa thể gọi là lực lượng sắc bén, hiệu quả nên phải củng cố, bổ sung. Chúng tôi đã kiến nghị Thủ tướng nhiều giải pháp trong đó  xác định lại hệ thống tổ chức, bộ máy, sắp xếp đội ngũ cán bộ đúng vị trí, nhất là cán bộ chủ trì thanh tra phải tin cậy. Đặc biệt là qui chế quản lý, Thanh tra Chính phủ đã ban hành qui chế quản lý đoàn thanh tra, cấm mọi hành vi lợi dụng để trục lợi, nếu vi phạm sẽ xử nặng. 

Thời gian tới, thanh tra sẽ tập trung vào lĩnh vực nào thưa ông? 

Thanh tra là cơ quan quản lý nhà nước, thanh tra công vụ là chính nhưng thời gian qua tập trung nhiều vào thanh tra kinh tế xã hội nên không tập trung vào thanh tra công vụ. Năm 2007 sẽ tập trung thanh tra công vụ là chính, còn thanh tra kinh tế - xã hội sẽ chỉ chọn những vụ điển hình. 

Xử lý trách nhiệm, không hô hào chung chung nữa 

Theo ông, những vấn đề khúc mắc nhất của những vụ tham nhũng lớn thời gian qua là gì? 

Vấn đề tồn tại cơ bản nhất là nhận thức của những người có trách nhiệm. Một số ngành, địa phương kêu ca, lên án tham nhũng nhưng khi đến phiên mình thì không thấy tham nhũng đâu. Thực tế hiện còn 20 bộ và hơn 30 địa phương chưa có báo cáo hoặc báo cáo chưa rõ về tình hình phòng chống tham nhũng tại địa phương, ngành mình.

Trước mắt thủ tướng đã nghiêm khắc phê bình và giao trách nhiệm thành viên Ban chỉ đạo Trung ương xuống kiểm tra và có ý kiến cụ thể. Nếu tiếp tục không làm tốt, Thủ tướng sẽ yêu cầu xử lý trách nhiệm chứ không hô hào chung chung nữa. 

Báo cáo của Uỷ ban Pháp luật Quốc hội có nói đến dấu hiệu tham nhũng trong lĩnh vực đề bạt cán bộ. Việc xử lý vấn đề này thế nào? 

Tới đây sẽ công khai minh bạch cả về tiêu chuẩn, qui trình, trách nhiệm của những cơ quan có trách nhiệm giải quyết từ đó nâng cao vai trò giám sát của cơ quan chức năng. Nói cho cùng, Luật phòng chống tham nhũng lấy phòng là chính, và để phòng thì công khai minh bạch là hữu hiệu nhất. 

Cơ chế bổ nhiệm cán bộ là của tập thể, vậy nếu sai thì ai chịu trách nhiệm? 

Chúng ta đã có qui trình xem xét, khi làm không đúng qui trình thì lỗi ở khâu nào sẽ xử lý khâu đó. Về quản lý cán bộ cũng đã mạnh dạn phân cấp phân quyền, để gắn liền với trách nhiệm và làm rõ lại qui trình để đảm bảo tính chính xác, minh bạch. 

Bửu bối là công khai minh bạch 

Xuất hiện hình thức tham nhũng mới ví dụ như người dân thắc mắc việc mở đường qua nhà quan để tăng giá đất. Trong khi đó, Luật chỉ qui định một số loại tham nhũng, vậy làm thế nào để xử lý? 

Cái chính là chúng ta phải công khai, mình bạch để dân giám sát. Chúng ta có bửu bối duy nhất là công khai minh bạch. Như vậy sẽ chẳng có gì che mắt được thiên hạ 

Chúng ta có giải pháp và biện pháp gì để triệt tiêu loại hình tham nhũng tập thể, có tổ chức? 

Thanh tra có trách nhiệm phát hiện sai phạm, nhưng quan trọng hơn là sẽ kiến nghị về cơ chế, chính sách để triệt tiêu tận gốc vấn đề. Ví dụ như khi lập dự toán, người ta đồng loã để tăng dự toán, như vậy có thể coi là có tổ chức. Nhà nước sẽ ban hành tiêu chuẩn định mức để đối chiếu và qui định trách nhiệm người chủ trì để xử lý người liên quan. 

Về xử lý trách nhiệm người đứng đầu, trong báo cáo của các tỉnh thành thì có bao nhiêu người đứng đầu bị xử lý và xử lý như thế nào? 

Nếu nói về mặt nhà nước thì cũng ít thôi, có một số chủ tịch tỉnh bị xử lý nhưng ít và xử lý cũng chưa đúng mức. Trước đây chúng ta chưa qui định rõ để xác định trách nhiệm trực tiếp và gián tiếp. Nay chính phủ đã ban hành nghị định xử lý người đứng đầu, qui định rõ trách nhiệm trực tiếp thì bị hình thức gì, gián tiếp thì bị xử lý hình thức gì… 

Minh Khôi (ghi)

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm