1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

“Cổ phần hóa không phải là đẩy người lao động ra đường!”

(Dân trí) - Bộ GTVT hiện có 10 Tổng Công ty trực thuộc đã hoàn thành cổ phần hóa (CPH) và chuyển thành công ty cổ phần trong 7 tháng vừa qua. Những vướng mắc về việc làm, tiền lương, nhân sự sau CPH đang khiến các doanh nghiệp đau đầu.

Những vấn đề trên là nội dung chính trong cuộc họp bàn với các doanh nghiệp đã hoàn thành CPH trong năm 2014 diễn ra chiều qua (18/8) tại Bộ Giao thông Vận tải (GTVT).

Sau CPH: Giảm ô tô, tiết kiệm điện nước

Không ngần ngại nói lên những khó khăn đang phải đối mặt, ông Phạm Quang Dũng - Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty xây dựng Thăng Long - cho biết, công tác CPH Tổng Công ty đã diễn ra suôn sẻ, các tổ chức hoạt động bình thường. Nhưng sau CPH có chuyện cán bộ và công nhân viên thì đông mà công việc thì ít!

“Chúng tôi đã vận động anh em cắt giảm chi phí văn phòng, điện nước, xe con phục vụ công tác từ 9 chiếc nay giảm xuống còn 4 chiếc… Dù rất cố gắng nhưng thu chỉ đủ bù chi, năm nay cổ đông cũng không có cổ tức. So với mặt bằng thị trường thì thu nhập của cán bộ, công nhân viên Tổng Côn ty Xây dựng Thăng Long thấp” - ông Dũng bày tỏ.

Hiện có 10 doanh nghiệp giao thông vận tải đã hoàn thành CPH

Hiện có 10 doanh nghiệp giao thông vận tải đã hoàn thành CPH

Theo ông Dũng, nếu không có thêm việc làm, không có nguồn thu và thu nhập của người lao động không tăng thì nguy cơ người giỏi sẽ ra đi, chỉ còn lại những người không làm được việc. Ông Dũng cho rằng, nhìn “bức tranh” tài chính mất cân đối như hiện nay, nếu không quản lý tốt sẽ rất khó khăn. Giải quyết vấn đề con người là rất day dứt nhưng giải quyết bài toán kinh tế thì không thể…

Ở khối doanh nghiệp vận tải, Tổng Công ty Vận tải Thủy là đơn vị đã CPH thành công. Ông Nguyễn Thủy Nguyên hiện giữ chức vụ Chủ tịch HĐTV Tổng Công ty này sau khi bỏ tiền vào đầu tư và nắm giữ cổ phần lớn nhất. Tại cuộc họp, vấn đề ông Nguyên đề cập là sự dôi dư lao động sau CPH.

“Chọn lọc con người hiệu quả hơn thì phải hoạt động hơn, nhưng số lao động dôi dư rất lớn. Dôi dư lao động đi liền với tiền bồi thường, mà mỗi người phải bồi thường từ mấy chục đến vài trăm triệu thì là quá lớn. Đề nghị Bộ GTVT cho cơ cấu lại sản xuất” - ông Nguyên cho hay.

Cũng liên quan đến vấn đề nhân sự sau CPH, ông Phạm Dũng - Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Xây dựng công trình giao thông 1 (Cienco 1) - cho rằng, công ty mẹ thì không có vấn đề gì, nhưng mọi việc phát sinh xảy ra ở công ty con và công ty liên kết.

“Sau khi thoái vốn, cổ đông công ty ngoài mua được và vào điều hành đã làm thay đổi toàn bộ. Do không thống nhất được tổ chức quản lý và điều hành công ty nên đã có trường hợp Bí thư viết đơn xin nghỉ hưu sớm, Giám đốc thì xin nghỉ việc...” - ông Phạm Dũng cho hay.

Vị Chủ tịch HĐQT của Cienco 1 kiến nghị Bộ GTVT chấp thuận đề xuất thoái vốn ở đơn vị nào mà cán bộ, công nhân viên muốn mua thì ưu tiên bán cho nhân viên của công ty để đảm bảo ổn định. Đây cũng là ý kiến chung của một số doanh nghiệp cảng biển và Cienco tại cuộc họp này.

“Hôm trước được tặng bằng khen, hôm sau chạy đôn chạy đáo”

Chủ trì cuộc họp này, Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng ghi nhận: Trong bối cảnh tái cơ cấu chung của nền kinh tế, thị trường khó khăn, kinh tế khó khăn thì việc thực hiện thành công CPH là một cố gắng rất lớn.

“Tôi chia sẻ với những khó khăn các doanh nghiệp gặp phải khi chuyển đổi từ doanh nghiệp Nhà nước sang CPH. Đây là những điều khó tránh khỏi và cần thời gian để thay đổi tâm lý, thay đổi quản trị, sắp xếp cơ cấu sản xuất. Tôi rất hiểu tâm lý của lãnh đạo hôm trước CPH xong được tặng bằng khen nhưng hôm sau phải ra đường chạy đôn chạy đáo. Quá trình tất yếu phải thực hiện. Vì thế, trách nhiệm của lãnh đạo Bộ GTVT và các cơ quan của Bộ là phải giúp đỡ các doanh nghiệp hoạt động hiệu quả, tạo mọi điều kiện công ăn việc làm cho doanh nghiệp và giúp doanh nghiệp phát triển sản xuất” - Bộ trưởng Đinh La Thăng cho biết.

Cũng theo Bộ trưởng Đinh La Thăng, suốt 30 năm là doanh nghiệp Nhà nước trong cả một cơ chế như thế, doanh nghiệp khó khăn mà vẫn quyết tâm CPH là đáng mừng. CPH phải gắn với tổng thể đề án tái cơ cấu, sắp xếp doanh nghiệp, phải thay đổi bản chất quản lý, quản trị doanh nghiệp, tư duy phải hoàn toàn khác.

Riêng về vấn đề người lao động, Bộ trưởng Đinh La Thăng yêu cầu các doanh nghiệp sau CPH dù thế nào cũng phải giải quyết chế độ cho người lao động ở mức độ cao nhất theo quy định của Nhà nước.

“CPH không phải là đẩy người lao động ra đường! Giữ lại lao động là khó nhưng cần có sự sắp xếp hợp lý để người lao động có việc làm, tăng sức sản xuất, tăng doanh thu và thu nhập để đời sống của người lao động tốt hơn!” - Bộ trưởng Đinh La Thăng nhấn mạnh.

Châu Như Quỳnh