Thủ tướng yêu cầu thay lãnh đạo doanh nghiệp chậm cổ phần hóa

(Dân trí) - “15 Tổng Công ty Nhà nước năm nay phải cổ phần hóa hết, sau đó đưa lên niêm yết trên thị trường chứng khoán. Tổng Công ty Hàng hải, Tổng Công ty Công nghiệp tàu thủy, Tổng Công ty Hàng không... đồng chí nào không làm được thì thay đi”.

Đó là chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2013 và triển khai nhiệm vụ kế hoạch năm 2014 của Bộ Giao thông vận tải (GTVT) diễn ra hôm qua (9/1), tại Hà Nội.

Không làm được thì thay

Tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã biểu dương nỗ lực, kết quả đạt được của ngành GTVT trong năm 2013 và đánh giá năm qua Bộ GTVT làm khá tốt khâu đột phá kết cấu hạ tầng, nhiều công trình đưa vào sử dụng có hiệu quả, giảm ùn tắc và tai nạn giao thông (TNGT). Tuy nhiên, Thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT phải tập trung tăng cường công tác quản lý nhà nước, dồn sức đột phá vào các điểm nghẽn hạ tầng để phát triển nền kinh tế. Đồng thời phải cổ phần hoá toàn bộ doanh nghiệp trong năm 2014, nếu không làm được thì thay lãnh đạo doanh nghiệp đó.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng

Thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT năm 2014 phải quyết liệt trong việc tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước thuộc Bộ. Bộ GTVT có 15 tổng công ty, năm nay phải cổ phần hóa hết, trọng tâm của tái cơ cấu là cổ phần hoá sau đó đưa lên niêm yết trên thị trường chứng khoán công khai minh bạch. Phải thoái vốn đầu tư ngoài ngành, nâng cao quản trị.

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:

“Vinashin tái cơ cấu rồi phải cổ phần hoá, cả Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) và Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) nữa. Năm nay phải làm quyết liệt cái này, đồng chí nào không làm được thì thay đi. Bao nhiêu cái cổ phần hoá hoạt động tốt hơn, tiêu cực, tham nhũng giảm hơn, tại sao không làm? Nghị quyết trung ương đã có rồi. Đây cũng là nội dung chính của tái cơ cấu nền kinh tế. Bộ GTVT là Bộ có nhiều doanh nghiệp nhà nước phải làm quyết liệt.” - Thủ tướng nhấn mạnh.

Ngay sau chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng đã tiếp thu và cam kết năm 2014 sẽ hoàn thành cơ bản tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước, trọng tâm là cổ phần hoá. Sẽ có 11 doanh nghiệp lớn trong đó có Vietnam Airlines năm 2014 sẽ hoàn thành cổ phần hóa, niêm yết trên thị trường chứng khoán để bảo đảm mọi hoạt động của doanh nghiệp công khai, minh bạch.

Vietnam Airlines là một trong những Tổng Công ty lớn nhất của ngành GTVT
Vietnam Airlines là một trong những Tổng Công ty lớn nhất của ngành GTVT phải hoàn thành cổ phần hóa vào năm 2014

“Tất cả các đơn vị thuộc diện cổ phần hóa mà không làm thì Chủ tịch, Tổng Giám đốc sẽ đi nơi khác. Cổ phần hoá là con đường tất yếu của các doanh nghiệp trong ngành để nâng cao hiệu quả hoạt động và hiệu lực quản lý” - Bộ trưởng Thăng khẳng định.

Cũng theo ông Thăng, không chỉ riêng các doanh nghiệp lớn về hàng không, hàng hải mà trong buổi làm việc với Ban cán sự Đảng Bộ GTVT mới đây, Chủ tịch Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cũng thể hiện quyết tâm đổi mới cao, hứa nếu không đổi mới đường sắt trong 2014 sẽ từ chức.

Phải đột phá trong phát triển hạ tầng giao thông

Nhiệm vụ đầu tiên trong năm 2014 của ngành GTVT mà Thủ tướng giao là phải tăng cường công tác quản lý nhà nước tốt hơn nữa, khắc phục các hạn chế, yếu kém, hoàn thiện thể chế, tăng cường thanh tra kiểm tra để bảo đảm thể chế, luật pháp thực hiện được tốt. Bởi theo Thủ tướng, cơ chế chính sách làm không tốt thì hiệu lực hiệu quản lý nhà nước rất thấp.

Bộ trưởng Đinh La Thăng kiểm tra Dự án xây dựng đường cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên
Bộ trưởng Đinh La Thăng kiểm tra Dự án xây dựng đường cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên

Thủ tướng nhấn mạnh nhiệm vụ quan trọng bậc nhất của ngành giao thông phải thực hiện trong năm 2014 là đầu tư kết cấu hạ tầng - một lĩnh vực quan trọng trong đột phá chiến lược về kết cấu hạ tầng. Hạ tầng giao thông phát triển đồng bộ không chỉ tăng thêm năng lực vận tải mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển sản xuất kinh doanh, tạo việc làm, đảm bảo an ninh quốc phòng và ổn định, nâng cao đời sống nhân dân.

“Bộ GTVT tập trung thực hiện tốt hiệu quả làm chủ đầu tư, thay mặt nhà nước điều hành nguồn vốn. Xây dựng kết cấu hạ tầng cho giao thông, đường bộ, đường hàng không. Đây là khâu đột phá điểm nghẽn của nền kinh tế, chúng ta dồn sức làm cho tốt cái này. Năm nay ngành giao thông quản lý giải ngân 86.500 tỷ đồng là rất lớn. Đề nghị hết sức chú ý tiến độ chất lượng công trình.” - Thủ tướng yêu cầu.

Về đường bộ, Thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT chỉ đạo thực hiện tốt việc mở rộng Quốc lộ 1 theo nghị quyết của Trung ương và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên (quốc lộ 14 ). Các dự án này phải hoàn thành cuối năm 2015, đảm bảo tiến độ và chất lượng, đây là những dự án mà lần đầu tiên nghị quyết Trung ương nói rõ đây công trình phải làm hoàn thành. Nếu quản lý tốt thì tiến độ, chất lượng sẽ đạt. Thủ tướng cũng lưu ý Bộ GTVT tăng cường đầu tư, cải tạo các tuyến đường ở miền Tây Nam Bộ. Các dự án đã khởi công rồi phải giám sát chặc tiến độ chất lượng. Sau các tuyến đường cao tốc đã đưa vào khai thác, phải thu xếp vốn, huy động các nguồn lực để tiếp tục xây dựng đường cao tốc nhằm công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.

Về hàng không, Thủ tướng yêu cầu đẩy nhanh tiến độ nhà ga T2 Nội Bài, cùng tuyến đường nối Nhật Tân - Nội Bài.

Thủ tướng nói rõ: “Những công trình lớn, tất cả đều có vốn, bây giờ là tiến độ và chất lượng. Sân bay Tân Sơn Nhất đã lên đến 600 chuyến bay/ngày, tắc hết rồi. Sân bay Long Thành tính thế nào? Phải thẩm định dự án sớm, trình ra Chính phủ, Quốc hội. Phải công khai minh bạch đi, lập dự án rõ ràng. Sân bay Cần Thơ, Đà Lạt không thể thay Tân Sơn Nhất với Long Thành được”.

Cảng Hàng không Quốc tế Phú Quốc là một trong những công trình lớn

Cảng Hàng không Quốc tế Phú Quốc là một trong những công trình lớn của ngành GTVT được đưa vào khai thác năm 2013

Với đường sắt, ngành giao thông phải tính toán đầu tư nâng cấp đường sắt hay xây mới để có quyết tâm và tìm nguồn vốn thực hiện. Đồng thời phải tách quản lý hạ tầng với vận tải trong đường sắt, khuyến khích tư nhân lập tàu tham gia vận tải đường sắt.

Liên quan đến vấn đề hạ tầng giao thông, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng nói về tầm quan trọng trong việc đầu tư hạ tầng đường thuỷ ở Đồng bằng sông Cửu Long.

“Cả đồng bằng sông Cửu Long không có cửa ra. Nạo vét cửa Định An không được, nạo trước, bồi sau nên quyết tâm làm kênh Quan Chánh Bố nối ra biển. Cái này được khảo sát thời anh Võ Văn Kiệt đến giờ, thẩm định đến 9 lần rồi nhưng có ý kiến lại lùi, thẩm định đủ cơ sở thì chịu trách nhiệm làm. Trình bày nghe hết ý kiến rồi, có cơ sở khoa học rồi phải chịu trách nhiệm để làm vì không lúc nào cũng được 100% đồng thuận.

Quốc hội đồng ý bố trí giai đoạn 1 hơn 6.000 tỷ đồng thì quyết tâm làm, chọn đơn vị có năng lực làm đúng tiến độ, chất lượng. Kênh Quan Chánh Bố khi đưa vào sử dụng mỗi tấn hàng giảm được 10 USD, một năm bao nhiêu triệu tấn gạo sẽ qua đây? Hay kênh Chợ Gạo, sà lan nối đuôi nhau cả hai chiều, phần lớn hàng hoá ở đồng bằng sông Cửu Long đi qua kênh này. Đây là nút thắt cần đẩy nhanh”- Thủ tướng cho hay.
 

Năm 2013 được Bộ GTVT chọn là năm kỷ cương, chất lượng, tiến độ và an toàn giao thông. Trong năm, Bộ này đã khởi công 78 công trình, dự án; hoàn thành 46 công trình, dự án. Tình trạng công trình chậm tiến độ đã giảm rõ rệt, nhiều dự án vượt tiến độ như cảng Cái Mép - Thị Vải, gói thầu A1 đường cao tốc Hà Nội - Lào Cai, dự án mở rộng nhà ga T1 - Nội Bài... Công tác quản lý chất lượng được chỉ đạo quyết liệt, nhiều công trình hoàn thành bảo đảm chất lượng như sân bay Phú Quốc, đường vành đai 3 Hà Nội...

 

Mặc dù vậy, một số dự án chưa bảo đảm chất lượng còn có khiếm khuyết về chất lượng như xuất hiện hằn lún vệt bánh xe trên mặt đường tại các dự án mở rộng Quốc lộ 1 đoạn Hà Nam - Thanh Hóa, nâng cấp Quốc lộ 3 cũ Hà Nội - Thái Nguyên, sửa chữa mặt đường Quốc lộ 5, mặt cầu Bến Thủy 2...

Châu Như Quỳnh
 
VTV được giao vốn như doanh nghiệp Nhà nước