1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Có nên trao quyền nuôi dưỡng bé gái bị cắt gân cho mẹ ruột?

(Dân trí) - Nếu phán quyết cuối cùng của Tòa án nhân dân huyện Bù Gia Mập không tiếp tục hạn chế quyền nuôi dưỡng của vợ chồng bà Mỳ đối với bé Hảo, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Phước sẽ làm thủ tục chuyển cháu về với gia đình.

Giằng co giữa gia đình và chính quyền địa phương

Nội dung trên được ông Lê Trường Sơn, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương Binh và Xã hội tỉnh Bình Phước, cho biết khi trao đổi với PV Dân trí ngày 25/9.
 
Trước đó, ông Nguyễn Văn Tước và bà Nguyễn Thị Mỳ (vụ án mẹ ruột cắt gân chân, gân tay con gái 4 tuổi, năm 2008) đã làm đơn gửi đến chính quyền địa phương và Sở Lao động - Thương Binh và Xã hội đề nghị xem xét trao trả lại quyền nuôi dưỡng của gia đình đối với bé Hảo.

Bé Hảo đang được chăm sóc tại Trung tâm nuôi dưỡng Lộc Ninh

Bé Hảo đang được chăm sóc tại Trung tâm nuôi dưỡng Lộc Ninh

Tháng 1/2009, với hành vi bạo hành con gái ruột, bà Nguyễn Thị Mỳ (SN 1975) bị tòa án nhân tỉnh Bình Phước tuyên phạt 2 năm tù giam, đồng thời hạn chế quyền nuôi dưỡng của vợ chồng bà đối với bé Nguyễn Thị Hảo trong vòng 5 năm. Tòa án Nhân dân tỉnh Bình Phước cũng quyết định chuyển bé Hảo về chăm sóc tại Trung tâm nuôi dưỡng người gia tàn tật và trẻ em mồ côi của tỉnh đóng tại huyện Lộc Ninh.

Sau khi bà Mỳ thụ án trở về, từ cuối năm 2013 vợ chồng bà đã nhiều lần gửi đơn đề nghị cơ quan chức năng tỉnh Bình Phước trao lại quyền nuôi dưỡng bé Hảo cho gia đình vì thời gian hạn chế quyền nuôi dưỡng của họ đối với bé Hảo theo phán quyết của tòa đã hết.
 
Trước vấn đề trên, ông Trường Sơn cho biết, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã kết hợp với chình quyền xã Đức Hạnh, huyện Bù Gia Mập tiến hành khảo sát thực tế cuộc sống của gia đình ông Tước. “Chúng tôi nhận thấy gia đình họ đang gặp không ít khó khăn về kinh tế, hiện vợ chồng ông Tước đã có thêm một bé gái (2 tuổi) cả 7 miệng ăn chỉ trông chờ vào công việc làm thuê làm mướn của ông Tước”.

Hảo quấn quýt bên bà Mỹ Hạnh, Giám đốc Trung tâm nuôi dưỡng

Hảo quấn quýt bên bà Mỹ Hạnh, Giám đốc Trung tâm nuôi dưỡng

“Thêm vào đó, cuối năm 2013 hai chị gái của bé Hảo bị bạn của cha mình cưỡng hiếp. Vụ việc đã đưa ra Tòa án nhân dân tỉnh Bình Phước xét xử với mức án 20 năm tù giam cho bị cáo. Cùng với những khó khăn về kinh tế thì trong số 5 người con của ông Tước và bà Mỳ hiện có 3 cháu gặp vấn đề về tâm thần, vận động. Nếu trao bé Hảo lại cho gia đình chăm sóc, chúng tôi đang quan ngại về những rủi ro có thể sẽ tiếp tục xảy đến với cháu”.

Căn cứ trên thực tế đó, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Phước đã tham mưu cho Hội Phụ nữ xã Đức Hạnh gửi đơn kháng nghị lên Tòa án Nhân dân huyện Bù Gia Mập đề nghị tiếp tục hạn chế quyền nuôi dưỡng bé Hảo của vợ chồng ông Tước. “Tuần qua, tòa đã làm việc với gia đình ông Tước và đại diện Hội phụ nữ xã Đức Hạnh. Tuy nhiên, phía tòa án cho rằng thời gian hạn chế quyền nuôi dưỡng của vợ chồng ông Tước đã hết hiệu lực, do đó không có cơ sở pháp lý để tiếp tục hạn chế quyền nuôi dưỡng của gia đình đối với bé Hảo. Chúng tôi đang đề nghị tòa án xem xét lại, dự kiến tuần tới phán quyết cuối cùng sẽ được đưa ra”, ông Trường Sơn cho hay.

Bé Hảo đang phải điều trị tâm thần

Sau gần 6 nằm được chăm sóc tại Trung tâm nuôi dưỡng người gia tàn tật và trẻ em mồ côi huyện Lộc Ninh, bé Hảo đang gặp những rắc rối lớn về tâm thần, vận động, ngôn ngữ. Bà Võ Thị Mỹ Hạnh, Giám đốc trung tâm cho biết: “Hảo đã học lớp 1 tới 4 năm liên tiếp nhưng cháu chỉ có thể nhớ được vài chữ cái. Khi đến trường Hảo không kiểm soát được hành vi của bản thân, cô giáo nói không nghe lời, đánh bạn, xé sách vở, trèo lên cửa sổ đi vệ sinh...”.

Kết quả giám định tâm thần của cháu Hảo

Kết quả giám định tâm thần của cháu Hảo

Ngày 12/7/2013 trung tâm nuôi dưỡng đã đưa cháu đến Trung tâm giám định pháp y tâm thần, TPHCM bác sĩ kết luận Hảo bị “chậm phát triển tâm thần mức độ trung bình kèm rối loạn tâm thần và suy giảm đáng kể về hành vi; rối loạn phát triển ngôn ngữ và lời nói; cần được theo dõi, quản lý và điều trị tại cơ sở chuyên khoa tâm thần”. Từ đó đến nay, mỗi tháng trung tâm nuôi dưỡng đều phải đưa bé Hảo đi khám và nhận thuốc điều trị tâm thần 1 lần.

Cả nhà trường và trung tâm đều không tìm được giải pháp để điều chỉnh những hành vi bất thường của cháu. Từ đầu năm học 2014 – 2015 trên cơ sở thống nhất ý kiến của các bên liên quan, bé Hảo đã phải nghỉ học. Theo nhận định của bà Mỹ Hạnh, tình trạng bất ổn về tâm thần của Hảo có thể là do bẩm sinh nhưng cũng có thể là do hậu quả từ việc cháu bị mẹ bạo hành. Trung tâm đã phải rất khó khăn với quyết định cho bé Hảo thôi học. Sau hơn 1 năm điều trị các loại thuốc hướng tâm thần nhưng tình trạng của Hảo cải thiện không đáng kể.

Mẹ và 5 anh chị em của Hảo trước căn nhà họ đang sinh sống

Mẹ và 5 anh chị em của Hảo trước căn nhà họ đang sinh sống

Bà Mỹ Hạnh cho biết thêm, sau khi gửi đơn đề nghị trao lại quyền nuôi dưỡng bé Hảo, vợ chồng bà Mỳ đã nhiều lần đến trung tâm nuôi dưỡng thăm con. Qua quan sát thấy rằng Hảo có phần vui hơn khi gặp cha mẹ. Khi ông Tước và bà Mỳ ra về, trên nét mặt của cháu có thể thấy rõ cảm giác buồn. Chúng tôi đã nhiều lần nghe cháu hỏi “khi nào con được về với ba mẹ?”.

Bà Hạnh nhận định, với những lỗi lầm gây ra cho con mình, bà Mỳ đã phải nhận hình phạt từ pháp luật. Có thể những ngày tháng thụ án đã khiến người mẹ dằn vặt, cắn rứt lương tâm để giờ đây chị muốn bù đắp tình yêu thương cho con mình. Nếu tiếp tục hạn chế quyền nuôi dưỡng bé Hảo của ông Tước và bà Mỳ thì cũng có phần không ổn bởi chính xã hội đang chia rẽ tình máu mủ của gia đình họ. Nhưng nếu trao lại quyền nuôi dưỡng bé Hảo cho vợ chồng ông Tước cũng cần phải tính đến những khó khăn trong cuộc sống và tương lai của bé Hảo cùng gia đình để có giải pháp hỗ trợ, giúp cháu Hảo thực sự trở thành người có ích khi tái hòa nhập cộng đồng.

Vân Sơn