1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Bình Phước:

Chưa chấp thuận cho cha mẹ bé Hảo được nhận lại con

(Dân trí) - Chính quyền xã Đức Hạnh đã từ chối nguyện vọng xin nhận lại bé Hảo về nuôi dưỡng của vợ chồng bà Mỳ. “Gia đình họ thuộc diện hộ nghèo, con đông, cuộc sống bất ổn, nếu mang bé Hảo về chăm sóc chúng tôi nghĩ cháu sẽ khó có tương lai tốt đẹp”.

Địa phương không muốn cha mẹ bé Hảo nhận lại con

Hơn 5 năm kể từ sau ngày bé Nguyễn Thị Hảo (SN 2004) bị mẹ bạo hành, những vấn đề liên quan lại nóng lên tại xã Đức Hạnh, huyện Bù Gia Mập (Phước Long trước đây). Tháng 1/2009, bà Nguyễn Thị Mỳ (SN 1975) bị toàn án nhân dân huyện Phước Long, tỉnh Bình Phước tuyên phạt 2 năm tù giam vì tội “cố ý gây thương tích” với con gái đồng thời hạn chế quyền nuôi dưỡng bé Hảo của vợ chồng bà Mỳ trong vòng 5 năm.

Sau khi thụ án, bà Mỳ trở về sống cùng gia đình, hiện vợ chồng bà lại có thêm một bé gái hơn 1 tuổi. Tháng 10/2013, cho rằng đã hết thời gian hạn chế quyền nuôi dưỡng con của mình, ông Nguyễn Văn Tước (SN 1974, bố của bé Hảo) đã chính thức gửi đơn lên Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Phước đề nghị được nhận lại bé Hảo để đưa về gia đình chăm sóc.

Sau khi thụ án trở về, bà Mỳ lại sinh thêm một bé gái

Sau khi thụ án trở về, bà Mỳ lại sinh thêm một bé gái

Ngày 15/11, đại diện Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh đã kết hợp với chính quyền địa phương đến khảo sát thực tế cuộc sống của gia đình bà Nguyễn Thị Mỳ tại ấp Bình Đức 1, xã Đức Hạnh. Đoàn đã lắng nghe ý kiến và nguyện vọng của gia đình đồng thời ghi nhận thực tế đời sống làm cơ sở để đưa ra quyết định cuối cùng về việc nên hay không trao quyền nuôi dưỡng bé Hảo cho vợ chồng bà Mỳ.

Sau khi khảo sát thực tế, đại diện Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh đã có buổi làm việc lấy ý kiến của chính quyền địa phương. Trao đổi với Dân trí, ông Nguyễn Văn Thắng, cán bộ Thương binh và Xã hội xã Đức Hạnh cho biết: “Gia đình ông Tước nhiều năm qua nằm trong diện hộ nghèo của địa phương, cuộc sống phụ thuộc chủ yếu vào làm thuê làm mướn đến nay vẫn chưa thoát nghèo. Sau khi mãn án phạt, bà Mỳ trở về địa phương sinh sống, vợ chồng họ tiếp tục có thêm một bé gái. Trong cảnh khó khăn về kinh tế lại đông con nên việc chăm sóc cho các con của họ cũng không được chu đáo, 3 trong số 4 đứa trẻ đã ở tuổi đi học không được đến trường”.

“Trước thực tế ấy, tất cả các ý kiến của địa phương chúng tôi đều không tán thành đề xuất nhận lại bé Hảo về chăm sóc của vợ chồng ông Tước bà Mỳ. Sau những gì đã phải chịu đựng, cháu Hảo cần được chăm sóc trong một môi trường tốt hơn. Trao bé Hảo về cho gia đình ở thời điểm này chẳng khác nào mang thêm gánh nặng cho vợ chồng bà Mỳ, cần phải phân tích kỹ những cái được và cái mất của cháu trước khi đưa ra quyết định cuối cùng”, ông Thắng nói.

“Đánh kẻ chạy đi, không ai đánh người chạy lại”

Không đồng tình với ý kiến của địa phương, ông Tước cho rằng: “Cuộc sống hiện tại của gia đình tôi đã khá hơn nhiều so với trước, từ ngày vợ tôi thụ án xong trở về chúng tôi sống rất đầm ấm. Điều kiện kinh tế đang dần khá lên bởi gần một mẫu điều mua được bằng mồ hôi công sức của vợ chồng đến nay bắt đầu cho thu hoạch. Chỉ vì sự thiếu hiểu biết và hành động nông nổi của vợ và các con nên gia đình tôi đã phải chịu cảnh li tán, tù tội”.

Vợ chồng ông Tước khao khát được nhận lại con

Vợ chồng ông Tước khao khát được nhận lại con

“Bé Hảo là giọt máu vợ chồng tôi mang nặng đẻ đau, bị truất đi quyền nuôi dưỡng chính khúc ruột của mình thử hỏi ai không đau đớn? Mỗi lần đến thăm con tại Trung tâm nuôi dưỡng người già tàn tật và trẻ em mồ côi ở huyện Lộc Ninh, con bé đều níu áo tôi đòi về nhà. Tôi chỉ còn cách nói dối để ra về một mình, trốn khỏi ánh mắt dõi theo của con bé. Nay vợ tôi đã bị pháp luật trừng phạt, thời gian hạn chế quyền nuôi dưỡng con đối với vợ chồng tôi đã hết. Đánh kẻ chạy đi không ai đánh người chạy lại, tôi tha thiết xin nhận lại giọt máu của mình để bù đắp những tháng ngày nhiều hờn tủi của con” - ông Tước nghẹn ngào.

Ông Tước cho biết thêm: “Tại địa phương đang có nhiều lời “xì xào” ác ý khi cho rằng vợ chồng tôi xin nhận lại bé Hảo là vì muốn chiếm đoạt khoản tiền nhà hảo tâm đã giúp cho bé. Tôi chỉ khao khát được nhận lại con mình để gia đình được đoàn tụ. Chúng tôi sẽ chăm sóc bé Hảo bằng chính sức lao động của mình, tiền bạc nhà hảo tâm giúp đỡ bao nhiều rất mong nhà nước sẽ tiếp tục quản lý cho bé”.

Bé Hảo tại Trung tâm nuôi dưỡng Lộc Ninh

Bé Hảo tại Trung tâm nuôi dưỡng Lộc Ninh

Buổi làm việc giữa Sở Lao động - Thương binh và Xã Hội tỉnh Bình Phước với gia đình bà Mỳ và địa phương là nội dung then chốt để Sở ra quyết định về việc nên hay không nên trao lại quyền nuôi dưỡng bé Hảo cho gia đình. Hiện bé Hảo đang được chăm sóc tại Trung tâm nuôi dưỡng người già tạn tật và trẻ em mồ côi huyện Lộc Ninh.

Trước vấn đề trên, ông Lê Xuân Nẫm, nguyên Giám đốc Trung tâm góp ý: “Được sống trong vòng tay yêu thương của gia đình đó là quyền và hạnh phúc vô bờ đối với con trẻ. Nguyện vọng nhận lại con của vợ chồng bà Mỳ là hợp pháp và chính đáng. Tuy nhiên, cần phải xem xét kỹ lưỡng mọi điều kiện về vật chất lẫn tinh thần của gia đình cháu trước khi đưa ra quyết định cuối cùng. Một bước đi sai lầm ở thời điểm này sẽ ảnh hưởng đến cả cuộc đời của bé Hảo”.

Vân Sơn