1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

“Cò” lộng hành, 13.000 người Nghệ An phải ra Hà Nội thi tiếng Hàn

(Dân trí) - Thời gian qua liên tiếp xuất hiện tình trạng “cò mồi” hứa hẹn “chạy” giúp người lao động thi đỗ trong kỳ kiểm tra tiếng Hàn chờ xuất khẩu lao động. Sự lộng hành của “cò” khiến hơn 13 nghìn người Nghệ An phải di chuyển địa điểm thi lên Hà Nội.

Thời gian gần đây, cơ quan chức năng nhận được phản ánh của người lao động về việc bà Vũ Thị Bích Ngọc, nguyên cán bộ Trung tâm Giới thiệu việc làm  (GTVL) Nam Định có biểu hiện tiêu cực khi nhận tiền của người lao động rồi hứa hẹn “giúp” họ sớm được đi xuất khẩu lao động (XKLĐ) ở Hàn Quốc nhưng không có kết quả. Từ đây có nghi vấn về đường dây lừa đảo đang hoạt động tại địa phương này. Trước sự việc trên, lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH Nam Định khẳng định: Đã có những điều tra ban đầu cho thấy đây không phải là một đường dây mà là việc làm của một cá nhân.

Cụ thể, sự việc bắt đầu khi một anh Trần Phú Cường, ở phường Hạ Long, thành phố Nam Định, tố cáo bà Vũ Thị Bích Ngọc nhận 6.000 USD của gia đình anh (chia làm 3 đợt, trong thời gian từ tháng 9/2010 đến tháng 6/2011) với lời hứa “giúp làm thủ tục đi lao động Hàn Quốc nhanh nhất”. Tuy nhiên, sau đó khi nhiều lao động khác thi tiếng Hàn cùng anh Cường đã lần lượt xuất cảnh mà anh này vẫn chưa được gọi. Biết đã bị lừa, anh Cường gọi điện đòi tiền bà Ngọc.

Một trường hợp khác là Trần Mạnh Hồng, ở Xóm Kim, xã Mỹ Thắng, huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định. Anh Hồng tự học tiếng Hàn ở một trung tâm tại thành phố Nam Định và đã vượt qua kỳ thi tiếng Hàn ngày 7/10/2010, làm hồ sơ đầy đủ theo thông báo của Trung tâm GTVL. Ban đầu anh Hồng “tố” bà Ngọc đã cầm của bố mẹ anh 7.000 USD để “chạy” XKLĐ Hàn Quốc. Tuy nhiên, sau đó, anh Hồng lại làm tường trình và khẳng định gia đình anh không có tiền để nộp.

Báo cáo nhanh mới nhất của Sở LĐ-TB&XH Nam Định cho biết: việc bà Ngọc cầm 6.000 USD của gia đình Cường là có thật. Tuy nhiên hiện hai bên không đồng nhất về nội dung cầm tiền (bà Ngọc nói là vay tiền vì việc gia đình và đã trả đủ. Cả 3 lần cầm tiền đều có giấy vay nợ và đã trả hết số tiền trên cho gia đình Cường vào ngày 18/9/2011; Anh Cường lại nói bà Ngọc cầm tiền để “chạy” XKLĐ Hàn Quốc). Thanh tra Sở sẽ tổ chức để gia đình Cường, bà Ngọc và những người liên quan đối chất để có cơ sở kết luận vụ việc.

Về việc bà Ngọc chỉ là một cán bộ khai thác thông tin lao động thị trường trong nước nhưng lại “tư vấn” XKLĐ Hàn Quốc do nắm được nhiều thông tin liên quan đến thị trường này, trên thực tế, những thông tin này đều có đầy đủ trên mạng, đó không phải là những thông tin bí mật. Bất cứ ai nếu có nhu cầu tìm hiểu cũng có thể biết được. Trên thực tế, các Trung tâm GTVL chỉ tiếp nhận hồ sơ của lao động, còn việc lựa chọn ai là do phía Hàn Quốc, một cá nhân nào đó không thể can thiệp được.

Cũng liên quan đến đợt thi tuyển tiếng Hàn chờ xuất khẩu lao động, theo báo cáo của Trung tâm lao động ngoài nước, Bộ LĐ-TB&XH. Trước tình trạng "cò mồi' đang lộng hành, thao túng tại Nghệ An, cơ quan chức năng đã quyết định yêu cầu hơn 13.000 lao động tại Nghệ An phải ra Hà Nội thi tiếng Hàn, thay vì thi tại quê nhà, vào ngày 17/12 tới.

“Cò” lộng hành, 13.000 người Nghệ An phải ra Hà Nội thi tiếng Hàn - 1

Hàng trăm người dân Nghệ An chen lấn đăng ký thi tuyển tiếng Hàn. (Ảnh: Nguyễn Duy)

Theo ông Phan Văn Minh, Giám đốc Trung tâm lao động ngoài nước - đơn vị tổ chức kỳ kiểm tra tiếng Hàn, nguyên nhân khiến số lớn lao động Nghệ An phải ra Hà Nội thi bởi hiện nay tại Nghệ An, nạn "cò mồi" đang lộng hành và hoạt động rất tích cực. Họ đứng ra tổ chức dạy tiếng Hàn và thu tiền bất chính của NLĐ với lời hứa sẽ đảm bảo cho các lao động thi đỗ kỳ kiểm tra tiếng Hàn tới đây. Trên thực tế, tại địa phương này có hàng nghìn lao động chưa tham gia học tiếng Hàn nhưng vẫn đăng ký dự thi. Đây chính là lý do khiến số lao động của Nghệ An tăng vọt lên 13.100 người.

Trước đó, theo đăng ký từ đầu năm, cả nước có khoảng 50.000 đến 53.000 người đăng ký kiểm tra tiếng Hàn năm 2011, nhưng sau khi chốt danh sách, đến thời điểm này, đã tăng vọt lên 67.000 người (trong khi hạn ngạch phía Hàn Quốc giao cho Việt Nam trong năm 2012 chỉ có 15.000 LĐ). Trong đó, Nghệ An là tỉnh có số lượng lao động đăng ký tăng nhiều nhất.  

P .Thanh