1. Dòng sự kiện:
  2. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định
  3. Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV

Bất thường trong đợt thi tiếng Hàn chờ xuất khẩu lao động

(Dân trí)- Số lượng thí sinh dự kỳ kiểm tra tiếng Hàn đã lên tới 66.863 người, trong khi chỉ tiêu phía Hàn Quốc dành cho Việt Nam chỉ có 15.000. Cơ quan chức năng đã lên kế hoạch triển khai nhiều biện pháp chống tiêu cực tại những địa phương có dấu hiệu đột biến.

Theo báo cáo từ Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, số lượng người đăng ký kỳ kiểm tra tiềng Hàn lần thi thứ 9 (diễn ra vào 17-18/12 sắp tới) dành cho lao động có nguyện vọng đi làm việc theo Chương trình Luật cấp phép lao động nước ngoài (EPS) có số lượng lao động đăng ký  dự thi đông nhất lên tới 66.863 người (chiếm khoảng hơn 50% so với tổng số lao động trước đây), trong đó có những tỉnh tăng đột biến như Nghệ An, lên đến hơn 13.000 người.

Tại Nghệ An, từ đầu tháng 11 tới nay, hàng ngàn lao động, chủ yếu là thanh niên, đã tụ tập về Trung tâm giới thiệu việc làm tỉnh để đăng ký dự thi tiếng Hàn, tìm kiếm cơ hội việc làm ở nước ngoài. Lượng người quá đông đã gây ra cảnh chen đẩy, xô lấn, gây mất an toàn giao thông.

 Bất thường trong đợt thi tiếng Hàn chờ xuất khẩu lao động - 1

Hàng nghìn người tập trung gây mất trật tự tại Trung tâm Giới thiệu
việc làm Nghệ An. (Ảnh: Báo Nghệ An)

Nhận định về sự kiện này, ông Phan Văn Minh, Giám đốc Trung tâm Lao động ngoài nước, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội rằng, một phần do những thông tin về mức thu nhập khá hấp dẫn khi đi lao động Hàn Quốc đã được truyền tải rộng rãi trong xã hội, khiến nhiều người lao động biết đến.Tuy nhiên, qua khảo sát, cơ quan chức năng cũng phát hiện tại một vài địa phương đã xuất hiện hiện tượng “cò mồi”, lợi dụng sự nhẹ dạ cả tin của người đi thi, nhận tiền và hứa sẽ giúp họ thi đỗ.

Ví dụ, ở Nghệ An có tới 13.100 người tham dự thi tuyển. Trong khi trên thực tế dù có dốc tổng lực, các cơ sở đào tạo tiếng Hàn ở địa phương này cũng không thể đủ sức đào tạo cho một số lượng lớn lao động đến vậy. Điều này chứng tỏ nhiều lao động chưa học tiếng nhưng vẫn dự thi, với hy vọng thi đỗ qua việc nộp phí cho một số đối tượng nhận trợ giúp.

Tại Bắc Giang, Thái Bình, Hà Nội, Hải Dương, Bắc Ninh cũng là những tỉnh, thành phố có số  lượng đăng ký dự thi rất đông đảo. Trong số  này có không ít người đã đăng ký dự thi nhiều lần. Dự đoán, đây có thể là giáo viên dạy tiếng Hàn hoặc là những người đã đi Hàn Quốc về, đăng ký vào thi để đi làm và nhắc bài cho một số lao động trong phòng thi.

Trước tình trạng này, mới đây lãnh đạo Bộ đã có cuộc họp với cơ quan công an địa phương, 11 trường ĐH, CĐ và yêu cầu thực hiện một số biện pháp chống gian lận như: ngăn chặn việc thi hộ bằng cách kiểm tra kỹ giấy tờ của thí sinh; yêu cầu giám thị ký cam kết để chấm dứt việc thi kèm, kịp thời phát hiện gian lận trong phòng thi; phối hợp với phía Hàn Quốc dùng các thiết bị kỹ thuật để kiểm tra nghiêm ngặt việc thí sinh đưa các thiết bị truyền tin, thiết bị điện tử vào phòng thi.

Ông Minh cũng cho biết thêm, để hạn chế tình trạng lộn xộn xảy ra tại địa điểm thi TP Vinh, Nghệ An, và TP Nam Định do lượng thí sinh đăng ký quá đông, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã đồng ý để 13.100 thí sinh của tỉnh Nghệ An và gần 2.000 thí sinh của tỉnh Thái Bình dự kỳ kiểm tra tại Hà Nội.

Lãnh đạo Cục Quản lý lao động ngoài nước cũng khẳng định, trong khi có tới hơn 66.000 lao động đăng ký dự thi, nhưng phía Hàn Quốc chỉ nhận 15.000 hồ sơ để tham gia dự tuyển. Do đó, sự cạnh tranh sẽ rất quyết liệt. Do đó, đối với những lao động chưa có sự chuẩn bị tốt thì nên cân nhắc, bởi ngoài phí dự thi, việc đi lại, ăn ở khi đi thi cũng rất tốn kém.

P. Thanh

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm