1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

TPHCM:

Cơ hội vàng từ những dòng kênh mới hồi sinh

(Dân trí) - TPHCM đã đầu tư hàng chục ngàn tỷ đồng để cải tạo 2 dòng kênh lớn ôm trọn khu nội thành là Nhiêu Lộc - Thị Nghè và Tàu Hủ - Bến Nghé. Nhưng theo các nhà đầu tư, thành phố sẽ thu được nhiều hơn thế khi phát triển du lịch tại đây.

Thả thuyền ngắm cảnh giữa lòng thành phố

Có người ví Nhiêu Lộc - Thị Nghè và Tàu Hủ - Bến Nghé như dòng sông Thames của Luân Đôn (Anh). Bởi nếu thả thuyền xuôi theo 2 dòng kênh này cũng có thể thưởng thức những phong cảnh đặc trưng nhất của TPHCM, đô thị phồn hoa bậc nhất Việt Nam. Hai dòng kênh này bao trọn cả khu vực đô thị cổ nhất của thành phố, được hình thành ngay từ khi đô thị này bắt đầu phát tích nên hầu như nó tập trung hầu hết cảnh quan kiến trúc đặc trưng của thành phố.

Cơ hội vàng từ những dòng kênh mới hồi sinh
Thả thuyền trên dòng kênh này, du khách có thể thỏa thích tham quan đặc trưng kiến trúc của thành phố (Ảnh minh họa)

Nếu đi trên kênh Tàu Hủ - Bến Nghé, du khách có thể thấy vẻ xô bồ, đông đúc của đại lộ Võ Văn Kiệt, xa xa là những tòa nhà cao chọc trời ở trung tâm quận 1. Phía đối diện lại là tuyến đường ven kênh thanh bình với hàng cổ thụ và nhiều công trình kiến trúc cổ kính phía quận 8.

Nếu đi trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, du khách có thể thỏa mãn thị giác với những tòa chung cư cũ mới đủ loại; xen kẽ là những dãy nhà phố nhỏ bé cao thấp lô nhô với đủ màu sắc, kiến trúc khác nhau thể hiện rõ nét đặc trưng đa dạng, đa sắc của kiến trúc nhà phố ở TPHCM.

Các nhà đầu tư du lịch như ông Trương Hoàng Phương, Phó Giám đốc Công ty Du lịch Dấu Ấn Việt đánh giá rất cao nhũng tuyến du lịch đường thủy nội địa này. Theo ông thì cảnh sắc đô thị và nhịp sống đời thường 2 bên bờ kênh sẽ là sức hút khó cưỡng đối với du khách nước ngoài.

Từ rất lâu, ngành du lịch đã tính đến việc khai thác 2 dòng kênh này, biến nó trở thành “sông Thames” của TPHCM. Thế nhưng, dự định này suốt nhiều năm qua vẫn khó thực hiện được do lòng kênh sau nhiều năm không tu bổ đã bị bồi cạn, nước kênh ô nhiễm bởi nước thải sinh hoạt của người dân xả thẳng ra kênh…

Đến nay, dòng kênh đã được cải tạo, lòng kênh được nạo vét, bờ kênh được chỉnh trang... Ngày 29/5, UBND TPHCM đã cho thả xuống 2 dòng kênh trên hơn 200.0000 con cá giống để phát triển nguồn lợi thủy sản tại đây. Hành động này báo hiệu một cơ hội lớn cho ngành du lịch thành phố: tuyến du lịch đường thủy nội đô đã có thể bắt đầu khởi động.

Cơ hội vàng từ những dòng kênh mới hồi sinh
200.000 con cá giống được thả xuống 2 dòng kênh nội thành, báo hiệu môi trường kênh đã phục hồi, có thể khởi động tuyến du lịch đường thủy nội đô

11.000 tỷ đồng phát triển du lịch đường sông

Ngoài 2 tuyến kênh nội thành trên, Sở Văn hóa - Thể thao & Du lịch TPHCM đánh giá thành phố còn có thể khai thác hàng loạt các tuyến du lịch đường sông khác đến các địa điểm du lịch sinh thái của thành phố như Cần Giờ, Củ Chi, Bình Quới; hay đến các tỉnh lân cận như Bình Dương, Đồng Nai…

Với lợi thế có nhiều tuyến đường sông trọng yếu giao kết với cả miền Đông lẫn miền Tây, giao thông đường thủy là 1 thế mạnh mà TPHCM đang muốn phục hồi. UBND TP cũng đã chỉ đạo các cơ quan chức năng ưu tiên tập trung thực hiện kế hoạch phát triển du lịch đường sông trong năm 2013.

Sở VH-TT&DL cũng đã phối hợp cùng các ban ngành khác xây dựng “Chiến lược phát triển du lịch đường sông TPHCM giai đoạn 2013-2015 và định hướng đến năm 2020” với tổng vốn đầu tư lên đến 11.000 tỷ đồng; trong đó có 10.000 tỷ đồng sẽ kêu gọi xã hội hóa, phần còn lại là từ ngân sách.

Mục tiêu của chiến lược này là đẩy tốc độ tăng trưởng khách du lịch đường sông trên địa bàn thành phố lên khoảng 20%/năm; doanh thu tăng 30%/năm... Đề án này xác định rõ đến năm 2020, du lịch đường sông sẽ là sản phẩm du lịch chủ lực của thành phố.

Mới đây, Sở Giao thông Vận tải cũng đã kiến nghị thành phố đầu tư xây dựng, cải tạo 18 cầu tàu, nhà chờ trên hệ thống đường sông trong giai đoạn 2013 – 2015 nhằm kết nối các tuyến du lịch đường thủy. Ngoài ra, Sở cũng lập danh sách 34 vị trí kêu gọi doanh nghiệp đầu tư theo phương thức xã hội hóa để đẩy nhanh tốc độ hoàn thiện hệ thống bến bãi, nhà chờ của hệ thống giao thông đường sông.

Trong cuộc họp với các sở ngành, quận huyện về việc phát triển du lịch đường sông ngày 21/5, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thị Hồng đã chỉ đạo các đơn vị nghiên cứu kỹ việc gắn kết các bến tàu, nhà chờ để đáp ứng nhu cầu tham quan du lịch, khám phá của du khách để phát triển ngành du lịch.

Tùng Nguyên