TPHCM:

Nô nức tắm, câu cá trên dòng kênh mới "hồi sinh"

(Dân trí) - Cách đây vài năm, Nhiêu Lộc - Thị Nghè vẫn nổi tiếng là dòng kênh "chết" đầy bùn thải hôi thối của TPHCM. Nay trên dòng kênh này, sự sống đã quay trở lại, kéo theo đó là tình trạng trẻ tắm, người dân đánh bắt cá trên kênh.

Tắm kênh - rình rập nguy hiểm

Mấy hôm nay, cứ tầm trưa là nhiều trẻ nhỏ trên địa bàn phường Đakao, Tân Định (quận 1, TPHCM) lại tụ tập ra kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè (phía đường Hoàng Sa) để tắm.

Kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè đã bắt đầu có trẻ tắm
Kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè đã bắt đầu có trẻ tắm

Địa điểm trẻ em thường xuyên tập trung để tắm là khu vực bờ kênh trước cổng trường tiểu học Trần Khánh Dư (Tân Định, quận 1) vì nơi đây có thang leo xuống kênh. Những đứa trẻ thường đứng trên lan can bảo vệ rồi nhảy tòm xuống kênh, sau khi bơi 1 vòng lại leo thang lên bờ để nhảy xuống.

Bác Trần Thị Hội, nhà ở mặt đường Hoàng Sa (gần chân cầu Trần Khánh Dư) cho biết: “Những hình ảnh này làm tôi nhớ lại ngày xưa. Cách đây bốn, năm chục năm, bạn bè tôi cũng hay tắm kênh như vậy. Nhưng sau này trẻ con không dám tắm nữa vì nước bẩn quá. Lâu lắm rồi mới thấy lại cảnh này…”.

Đã mấy chục năm rồi bác Hội mới thấy lại cảnh trẻ tắm kênh ở đây
Đã mấy chục năm rồi bác Hội mới thấy lại cảnh trẻ tắm kênh ở đây

Bác Hội lo ngại nhiều trẻ lại thích trò nhảy cầu khá nguy hiểm
Bác Hội lo ngại nhiều trẻ lại thích trò nhảy cầu khá nguy hiểm

Tuy nhiên, bác Hội lo lắng trẻ nhỏ tắm sông giữa trưa rất nguy hiểm, đặc biệt là những đứa trẻ thích trò nhảy cầu. Ngoài ra, vị trí mà trẻ thường tắm lại rất gần các miệng thu nước của hệ thống thoát nước. Nếu sau này các miệng cống này hoạt động, rất dễ gây tai nạn cho trẻ. Do đó, bác Hội đề nghị cơ quan quản lý nên có biển cảnh báo tại các vị trí này.
 
Người thả cá, kẻ giăng câu

Đoạn kênh gần sát chân cầu Trần Khánh Dư cũng đang biến thành… bãi đánh bắt cá của nhiều người dân. Trong chiều 25/4, phóng viên Dân trí ghi nhận có 2 người phụ nữ dùng tấm lưới dài chừng 50m rải dọc bờ kênh phía đường Hoàng Sa để đánh cá. Khi phóng viên đến hỏi, người phụ nữ trung niên ngại ngùng cho biết chỉ bắt được vài con cá mỗi ngày. Tuy nhiên người dân khẳng định lượng cá họ đánh bắt khá nhiều, có lúc thấy bắt được cả túi lớn.

Người phụ nữ này đang rải tấm lưới dài đến 50m xuống kênh để đánh cá
Người phụ nữ này đang rải tấm lưới dài đến 50m xuống kênh để đánh cá

Kể từ khi dòng kênh "chết" trong xanh trở lại, nhiều người đã tiến hành thả cá ở đây hòng gây dựng lại nguồn thủy sinh trên kênh. Cũng từ đây, xuất hiện nhiều "cần thủ". Trên một diễn đàn dành cho những người đam mê câu cá, một thành viên có nick name thanhbinh007 chia sẻ: “Hiện nay bờ kè cầu Kiệu đã được xử lý nước lại sạch hơn, người ta đã thả cá để thử nghiệm chất lượng của nguồn nước được xử lý. Chiều mát nơi đây đã trở thành điểm câu của nhiều cần thủ, rất thú vị nhá, lâu lâu hên thấy có người câu được chú cá lóc nữa. Riêng em ngày hôm qua ra ngồi 1 tiếng rưỡi chơi với bạn bè đã được 6 con trê rồi. Nhưng do cá không lớn nên đã thả...”.
 
Người phụ nữ này đang rải tấm lưới dài đến 50m xuống kênh để đánh cá
 
Chiều đến, đoạn kênh Nhiêu Lộc gần cầu Kiệu, cầu Trần Khánh Dư, cầu Hoàng Hoa Thám… hội tụ rất đông người đến câu cá
 
Rất khó phân biệt người câu cá để giải trí hay đang đánh bắt cá
Rất khó phân biệt người câu cá để giải trí hay đang đánh bắt cá
 
Anh Dương Thuận sống gần bờ kè đoạn chân cầu Trần Khánh Dư sáng nào tập thể dục cũng thấy có nhiều người đứng câu cá: “Họ câu từ sáng tới chiều luôn. Tôi thấy có người còn nướng cá câu được để nhậu”.
 
Một số người có ý thức sau khi câu được đã thả cá trở lại dòng kênh, nhưng cũng có người dùng lưỡi câu chùm, 1 cần câu 4-5 lưỡi khiến cá vừa được thả xuống lại đứng trước nguy cơ... tận diệt.
 
Bên cạnh đó, thói quen xả rác xuống dòng kênh của người dân vẫn chưa được sửa đổi. Sau mỗi buổi câu, những ly nước, túi nilon… vương vãi trên bờ kè hoặc lềnh bềnh trên mặt kênh.
 
Rất khó phân biệt người câu cá để giải trí hay đang đánh bắt cá
Nhiều người chiếm dụng chỗ để bày dụng cụ và để xe máy khiến cảnh quan bờ kè gần cầu Bông kém thông thoáng 
 
Những cần thủ có ý thức thường tổ chức các buổi thả cá về thiên nhiên (ảnh: Hội quán Bạn Câu)
Những cần thủ có ý thức thường tổ chức các buổi thả cá về thiên nhiên (ảnh: Hội quán Bạn Câu)
 
Thực tế, việc câu cá lên rồi thả xuống cũng làm tổn hại đến con cá. Vì vậy, để bảo tồn cá sống dưới kênh, tốt nhất là không nên câu.
Bà Lợi sống tại chung cư cạnh cầu Hoàng Hoa Thám bức xúc: “Cá sống được chứng tỏ nước kênh đã sạch hơn trước rồi, sao không để cho cá tự do bơi lội, để có thể vừa thả bộ tập thể dục vừa ngắm cá. Đã đến lúc không thể kêu gọi ý thức suông mà nên ban hành lệnh cấm câu cá”.
 
Ông Trần Đình Vĩnh - Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng và bảo vệ nguồn lợi thủy sản TPHCM - cho biết: “Chúng tôi đang đề xuất việc cấm câu cá để mua bán, đánh bắt cá bằng lưới, chài, câu chùm. Người dân cũng không nên thả, phóng sinh các loài thủy sản ngoại lai xâm hại đến môi trường như rùa tai đỏ, cá lau kính xuống kênh”.  
 
Những cần thủ có ý thức thường tổ chức các buổi thả cá về thiên nhiên (ảnh: Hội quán Bạn Câu)

Trên kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè xuất hiện nhiều loại cá do người yêu thiên nhiên thả xuống (ảnh: Quốc Anh)

Chi cục cũng lo ngại, việc đánh bắt cá quá mức của người dân trên dòng kênh này sẽ khiến cá không thể phát triển, sinh sôi nảy nở. Do đó, ngoài việc đề nghị thả cá giống xuống kênh, Chi cục còn đề xuất thành phố cấm người dân sử dụng các dụng cụ đánh bắt hàng loạt như lưới, bình điện chích cá… để đánh bắt cá trên dòng kênh này. Tuy nhiên, đề nghị này chưa được thành phố phản hồi.

Thạc sĩ Phạm Sanh (nguyên cán bộ Sở Giao thông Vận tải) cho rằng: “Thành phố nên sớm có quyết định để bảo vệ cho loài cá phát triển trên dòng kênh này. Chúng ta đã bỏ hàng chục ngàn tỷ đồng để cải tạo dòng kênh này rồi mà không quản lý tốt thì cũng không thể phục hồi như xưa”.

Tùng Nguyên - Hồng Nhung