Cơ hội “giải oan” trong những vụ “án đụng trần”
(Dân trí) - Luật tố tụng dân sự sửa đổi chính thức được Văn phòng Chủ tịch nước công bố hôm nay, 20/4, cho người dân cơ hội được “giải oan” trong tình huống “án đụng trần”. Nhiều quyền khác của người dân cũng được “nới” trong luật mới.
Theo đó, khi có căn cứ xác định quyết định của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao có vi phạm pháp luật nghiêm trọng hoặc phát hiện tình tiết mới làm thay đổi cơ bản nội dung quyết định của Hội đồng trước đó thì cơ quan này tự xét lại quyết định của mình. Các cơ quan có quyền yêu cầu, kiến nghị xét lại án “đụng trần” là Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, Viện trưởng VKSND Tối cao hoặc Chánh án TAND Tối cao.
Phiên họp của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao để xét các yêu cầu, kiến nghị này phải có sự tham gia của Viện trưởng VKSND tối cao, trong thời hạn 4 tháng kể từ ngày nhận được yêu cầu.
Khi ra phán quyết tự hủy quyết định có vi phạm trước đó của mình, Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao cũng xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại của TAND tối cao khi vô ý hay cố ý làm sai, gây thiệt hại cho đương sự. Quyết định “tự xử” phải được ít nhất ¾ tổng số thành viên của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao biểu quyết tán thành.
Việc quy định cơ chế xem xét lại quyết định của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao như trên xuất phát từ yêu cầu của thực tiễn công tác xét xử, khi gần đây đã phát hiện không ít trường hợp quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao có sai lầm nghiêm trọng nhưng theo pháp luật tố tụng, không còn cơ quan nào có thẩm quyền xem xét lại. Tuy nhiên, Luật Tổ chức TAND chỉ quy định Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao là cơ quan xét xử cao nhất chứ không quy định phán quyết của cơ quan này là quyết định cuối cùng. Cơ chế đặc biệt này nhằm khắc phục bất cập đó, để có thể bảo vệ tốt nhất quyền, lợi ích hợp pháp của người dân.
Cũng trong điều kiện thực tiễn của Việt Nam, khi trình độ dân trí còn hạn chế, người dân còn gặp nhiều khó khăn trong việc tự chứng minh để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình trước tòa, Luật tố tụng dân sự sửa đổi tăng thẩm quyền của VKS được tham gia phiên tòa dân sự. Theo đó, VKS sẽ kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong hoạt động tố tụng, tham gia các phiên họp sơ thẩm, các phiên tòa sơ thẩm, các phiên họp phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm. (khoản 3 Điều 1).
Luật tố tụng dân sự sửa đổi sẽ được áp dụng từ 1/1/2012.
Cùng với Luật tố tụng dân sự sửa đổi, hôm nay, Văn phòng Chủ tịch nước cũng công bố Luật Phòng chống mua bán người và Luật kiểm toán độc lập – những dự án luật đã được Quốc hội khóa XII thông qua trong kỳ họp thứ 9 vừa qua.
Luật Phòng chống mua bán người được xây dựng từ yêu cầu thực tế, những năm gần đây, mua bán người đã trở thành một vấn nạn, gây bức xúc trong toàn xã hội. Tình hình mua bán người nói chung và mua bán phụ nữ, trẻ em nói riêng diễn biến ngày càng phức tạp, đa dạng; tính chất, quy mô và thủ đoạn hoạt động ngày càng nghiêm trọng, tinh vi, xảo quyệt; nhiều trường hợp có tổ chức chặt chẽ và có tính xuyên quốc gia. Đáng chú ý đã xuất hiện một số đường dây đưa người sang Trung Quốc bán nội tạng cho các bệnh viện tư, dẫn đến nạn nhân bị tử vong.
Chính phủ được giao tiếp tục xây dựng quy định chi tiết thi hành 4 vấn đề: Căn cứ để xác định nạn nhân; Việc bảo vệ an toàn cho nạn nhân và người thân thích; Các chế độ hỗ trợ, trình tự, thủ tục thực hiện chế độ hỗ trợ đối với nạn nhân; Điều kiện, trình tự, thủ tục thành lập cơ sở hỗ trợ nạn nhân để Luật có đủ căn cứ thi hành vào năm 2012 tới.
P.Thảo