1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Cô giáo vô ý làm mù mắt HS: Thanh tra Sở GD-ĐT vào cuộc

Vụ em Nguyễn Văn Thiều, học sinh lớp 4 Trường tiểu học Hiệp An (Kinh Môn, Hải Dương) bị cô Mạc Thị Hinh vô ý đánh mù mắt khiến dư luận rất bất bình. Tuy nhiên, đến nay cô Hinh mới chỉ bị nhà trường kỷ luật dưới hình thức… nhắc nhở, phê bình.

Các cơ quan chức năng bỏ cuộc?

 

Vụ việc cô giáo Mạc Thị Hinh vô ý làm học sinh Nguyễn Văn Thiều bị mù một bên mắt là sự cố không ai mong muốn, bản thân cô Hinh cũng rất đau xót khi đã vô ý gây ra một hệ lụy như thế. Tuy nhiên, không thể vì thế mà các ngành chức năng của tỉnh Hải Dương có thể ngoảnh mặt làm ngơ trong một thời gian rất dài.

 

Theo phản ánh của anh Nguyễn Văn Thuỳ (bố cháu Thiều), từ ngày cháu bị mù một bên mắt, duy nhất một lần Phòng GD-ĐT huyện Kinh Môn cử hai cán bộ đến để... khuyên hai bên ngồi lại thoả thuận tự giải quyết.

 

Anh Thùy kể: “Sau khi cháu đi viện về, ngày 25/12/2007 có hai anh đến gia đình tôi giới thiệu là cán bộ Phòng GD-ĐT huyện, cả buổi chiều họ xuống chỉ là để ngồi chơi, uống nước, rồi khuyên chúng tôi không nên khiếu kiện mà nên tự giải quyết. Tuy nhiên, qua một thời gian dài cô giáo Hinh không thể hiện thiện chí nên chúng tôi có làm đơn gửi Phòng GD-ĐT huyện, họ chỉ nhận đơn mà không cho chúng tôi trình bày bất cứ một câu nào. Gia đình thực sự bức xúc trước thái độ làm việc này nên mới gửi đơn kêu cứu các cơ quan chức năng khác.

 

Đến ngày 25/2/2008 (hơn 2 tháng sau), sau khi báo chí đăng tải sự việc, buổi chiều cùng ngày khi đến đón con, tôi mới được biết Thanh tra Sở GD-ĐT tỉnh Hải Dương có về, đang làm việc với nhà trường và với cháu. Trong buổi làm việc này, Sở có mua cho cháu một cân cam, một phong bì bên trong có tiền và nói là thăm hỏi sức khỏe của cháu.

 

Để vụ việc xảy ra một thời gian dài mà không có được sự quan tâm của các ngành của địa phương, tôi có cảm giác rằng có lẽ họ muốn bỏ cuộc vì họ ngại người nhà cô giáo Hinh làm quan rất “to” ở huyện Kinh Môn”.

 

“Giơ... không cao, đánh… rất khẽ”

 

Theo lời bà Phạm Thị Chuộng, Hiệu trưởng trường tiểu học Hiệp An, trong thời gian công tác tại trường, cô giáo Hinh luôn đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi của trường và của huyện, không có bất cứ một kỷ luật nào.

 

“Sự việc trên chỉ là sự cố không may của cả hai cô trò, cô Hinh cũng luôn tỏ ra hối hận và có thái độ cầu thị trong việc này. Trước mắt, chúng tôi đã cho cô Hinh nghỉ dạy để có điều kiện cùng gia đình cháu Thiều vào bệnh viện chăm sóc và chữa trị cho cháu.

 

Đến ngày 31/1/2008, sau khi cô Hinh giải quyết xong phần dân sự và có đơn của gia đình cháu Thiều gửi đến nhà trường, Ban giám hiệu đã cho cô được đi dạy trở lại. Hiện nhà trường chưa có hình thức kỷ luật nào đối với hành vi của cô Hinh mà chỉ là nhắc nhở, phê bình, không cho cô Hinh tiếp tục làm chủ nhiệm lớp của cháu Thiều nữa”, bà Chuộng cho biết.

 

Trả lời câu hỏi: Cây thước lệnh (ăng ten tivi- PV) có được nằm trong danh mục giáo cụ nhà trường cho phép sử dụng không?, bà Chuộng cho rằng: “Đây là dụng cụ dạy học tự phát, do cô giáo Hinh tự tìm tòi, “sáng tạo”, chứ nhà trường không cho phép sử dụng. Ngay sau vụ này, chúng tôi đã cho thu gom tất cả dụng cụ này, nghiêm cấm các giáo viên trong toàn trường không được sử dụng nữa”.

 

Theo Luật sư Trần Chí Thanh - Văn phòng Luật sư Tâm Đức: “Việc cô giáo Hinh đánh một học sinh khác, không may thước bị gẫy bắn vào mắt cháu Thiều, dẫn đến hậu quả cháu mù một bên mắt chỉ là một việc làm vô ý. Nhưng để đảm bảo điều kiện cần và đủ khi xử lý tội danh này phải có đơn yêu cầu của người bị hại thì CQĐT mới có thể khởi tố vụ án. Trong trường hợp này, do gia đình bị hại đã rút đơn để tự giải quyết nên CQĐT sẽ không khởi tố vụ án được.

 

Tuy nhiên, việc cô giáo Hinh vô ý gây mù một bên mắt của học sinh cũng là một bài học để cảnh tỉnh. Việc Trường tiểu học Hiệp An chỉ là nhắc nhở, phê bình trước toàn trường về hành vi trên của cô giáo Hinh là chưa thể hiện tính nghiêm khắc trong xử lý vụ việc này”.

 

Theo Quốc Tuấn
Gia đình & Xã hội