Cô giáo vô ý làm mù mắt học sinh
Trường tiểu học Hiệp An (huyện Kinh Môn - Hải Dương) thời gian qua xôn xao vụ việc một học sinh lớp 4 tên Nguyễn Văn Thiều bị cô giáo vô ý làm mù mắt bên trái.
Cháu Nguyễn Văn Thiều (SN 1998) kể lại: “Khoảng 15 giờ ngày 19/12/2007, trong giờ học môn toán, cô giáo Mạc Thị Hinh xuống kiểm tra bài tập của bạn Trần Thị Ngọc. Cô Hinh mắng bạn Ngọc vì bạn ấy không làm được bài. Cháu ngồi bàn trên quay xuống xem thì nhìn thấy cô giáo cầm thước lệnh (ăng ten tivi - PV) quật vào đầu bạn Ngọc, không may đầu cây thước bị gẫy và bật thẳng vào mắt trái của cháu.
Sau đó, cô giáo đưa cháu lên phòng cô hiệu trưởng lấy nước rửa mắt, nhưng các cô y tá nhà trường bảo cháu bị nặng quá nên cô giáo cùng bố mẹ cháu đưa lên bệnh viện Hà Nội chữa trị. Đến hôm nay, một bên mắt của cháu không nhìn thấy gì”.
Tại bệnh án ra viện của Bệnh viện mắt Trung ương, trường hợp của cháu Thiều được chẩn đoán: “Sang chấn rách giác mạc, đục thể thủy tinh, sẹo giác mạc, đã lấy thể thủy tinh, đặt thể thủy tinh nhân tạo”.
Anh Nguyễn Văn Thùy (bố cháu Thiều) bức xúc: “Từ khi sự việc không may xảy ra, thái độ của cô giáo Hinh rất thiếu thiện chí trong giải quyết vụ việc. Mặc dù cháu bị cô giáo vô ý làm mù một bên mắt, nhưng sự qua lại thăm hỏi không đếm nổi trên đầu ngón tay… Có lẽ, cô giáo nghĩ rằng đưa cho gia đình chúng tôi ít tiền là xong (cô giáo Hinh đã đưa cho gia đình cháu Thiều 40 triệu đồng - PV). Có phải chúng tôi bán một bên mắt của cháu lấy vài chục triệu của cô giáo đâu!”.
Chị Tô Thị Thanh (mẹ cháu Thiều) hai mắt đỏ hoe khi kể về nỗi đau đứa con trai mới bước qua tuổi thứ 9 phải gánh chịu. “Hằng đêm ôm cháu vào lòng, bà nội cháu lại khóc. Cháu còn quá nhỏ nên chưa hiểu được sự đời “giàu hai con mắt”. Bà nội vì thương cháu nên sức khỏe ngày càng yếu, nằm ốm liệt giường hàng tuần lễ”, chị Thanh kể.
Cũng theo chị Thanh thì sau khi mắt trái bị hỏng, con mắt còn lại của cháu Thiều cũng đang có những triệu chứng xấu: có dấu hiệu mờ, luôn tiết ra các chất nhờn, hay mỏi và đau mắt. “Tôi phải xin nghỉ hẳn việc, hàng ngày đến trường trông cháu, cứ học xong một tiết là tôi lại phải xin cho cháu được nghỉ và nhỏ thuốc vào mắt, hiện gia đình rất lo cho một bên mắt còn lại của cháu”, chị Thanh lo lắng.
“Đôi bên đều chịu thiệt”
Trao đổi với chúng tôi về vụ việc này, cô giáo Mạc Thị Hinh cho rằng: “Sự việc xảy ra là ngoài ý muốn. Tôi không hề chủ tâm làm hại em Thiều, tôi rất đau xót, nó chỉ là một tai nạn nghề nghiệp. Cô, trò, gia đình đều thiệt thòi, cá nhân tôi cũng bị mang tiếng trong toàn trường.
Tôi coi cháu như con và tích cực chạy chữa cho cháu khi ở viện, sau đó còn bồi dưỡng cho cháu, chứ có bỏ rơi cháu đâu. Hàng ngày cháu học ở lớp tôi đều quan tâm chạy sang thăm hỏi, động viên cháu gắng học tập. Thực sự Tết vừa qua tôi không đến thăm cháu được vì trời lạnh... và tôi bị ho”.
Làm việc với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Lâm - Trưởng Công an xã Hiệp An, huyện Kinh Môn - cho biết: “Ngay sau khi vụ việc xảy ra, chúng tôi đã đến lập biên bản sự việc. Theo các em học sinh cho biết là trong giờ giảng bài môn toán, cô Hinh có xuống kiểm tra bài tập em học sinh tên Ngọc. Do học sinh này chưa làm được bài, nên cô Hinh có cầm thước lệnh gõ gõ xuống bàn, không may cái thước bị gẫy.
Cùng lúc đó cháu Thiều ngồi bàn trên quay xuống thì bị mảnh gẫy của thước bắn vào mắt dẫn đến kết cục không may này. Chủ trương chúng tôi là tạo điều kiện cho hai bên tự hòa giải và ngày 31/1/2008 vừa qua, cô giáo Hinh đã bồi thường cho gia đình cháu Thiều 40 triệu đồng trước sự chứng kiến của UBND xã Hiệp An”.
Theo ông Trần Bình Lục - Chủ nhiệm Ủy ban DS-GĐ&TE huyện Kinh Môn: “Tôi đã báo cáo sự việc lên Huyện ủy, UBND huyện cũng như trao đổi với các anh bên công an nhưng vẫn chưa nhận được câu trả lời chính thức từ các ngành liên quan nên chưa biết cụ thể lắm. Tôi sẽ có ý kiến về vấn đề này. Cũng cần phải thấy rằng, ngay lần đầu đến thăm hỏi cháu cô giáo đã không có thiện chí nên đã gây bức xúc trong gia đình khiến họ phải khiếu kiện đi khắp nơi”.
Về phía gia đình cháu Thiều thì cho rằng hành vi dùng thước đánh học sinh của cô Hinh khiến thước gẫy, gây ra hậu quả lớn, dù không cố ý cũng không được phép trong phạm vi ngành giáo dục.
Theo Quốc Tuấn
Gia đình & Xã hội