1. Dòng sự kiện:
  2. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết
  3. Sắp xếp bộ máy để tinh, gọn, mạnh

Cô gái “nô lệ quán phở” đã chạm tay hạnh phúc

Bốn năm đã trôi qua từ dạo dư luận xôn xao chuyện một cô bé bị vợ chồng quán phở ở Hà Nội hành hạ trong suốt 13 năm trời, Nguyễn Thị Bình giờ trông cứng rắn, chững chạc hơn nhiều.

Trở về với cuộc sống bình thường, Bình tiếp tục trải qua không ít buồn đau, mãi đến giờ đây em mới tin mình đang chạm tay vào hạnh phúc.

 

Những năm tháng đầu tiên khi được sống cuộc sống của chính mình, Bình đã gặp không ít khó khăn. Trải qua nhiều nghề ở Hà Nội, Bình hiện dừng chân giúp việc cho một gia đình ở phố Minh Khai. “Công việc không quá vất vả, phù hợp với sức của em”, Bình chia sẻ.
 
Cô gái “nô lệ quán phở” đã chạm tay hạnh phúc - 1

Hàng tuần, Bình được nghỉ một buổi chiều để gặp bạn bè chia sẻ vui, buồn trong cuộc sống.

 

Lại tứ cố vô thân

 

Lúc vừa bước ra khỏi ngôi nhà đã chôn chân suốt 13 năm với những cơn ác mộng khó quên, cô bé chưa biết đi đâu về đâu. Lúc đó, niềm hạnh phúc nhất của Bình là thoát ra khỏi chốn địa ngục. Những tấm lòng hảo tâm, những mạnh thường quân giang tay đón cô bé tội nghiệp. Bình để mọi người tự sắp đặt cuộc sống của mình bởi lúc đó em chưa biết cuộc sống bên ngoài sẽ thế nào. Bỗng chốc Bình trở nên nổi tiếng và được đón nhận niềm yêu thương mà em chưa bao giờ được cảm nhận.

 

Sau ngày được giải cứu, ai cũng đinh ninh Bình có một cuộc sống bình an với những người thân. Nhưng số phận lại muốn thử thách Bình một lần nữa. Bình được một chủ cơ sở bánh đậu xanh có tiếng ở Hải Dương nhận đỡ đầu. Ở đó, mọi người rất tốt nhưng Bình thèm được sống giữa những người thân nên được một thời gian ngắn Bình trở về quê hương Vĩnh Phúc. Bằng số tiền Bình nhận từ các nhà hảo tâm, em mong muốn học nghề rồi mở một cửa hàng ngay tại quê nhà. Nhưng người bác ruột đã đón Bình về quê và giúp đỡ em rất nhiều lại đột ngột qua đời khi đang tiến hành các thủ tục xin đất ở xã để Bình có nơi trú ngụ. “Chờ mãi chẳng có đất để ở, 95 triệu đồng cầm theo em đưa em trai cùng mẹ khác cha xây bếp, mua sắm đồ đạc trong nhà những tưởng chị em sớm tối có nhau. Không ngờ em trai đã đuổi em ra khỏi nhà…”, Bình ngậm ngùi.

 

Bố đẻ đã có gia đình riêng. Bố dượng nuôi Bình từ nhỏ đến năm em bảy tuổi thì qua đời. Mẹ đẻ sau khi bỏ Bình lại quán phở địa ngục đó không hề có tin tức gì, nghe nói bà đã có gia đình mới bên Trung Quốc. Bình cũng mừng cho mẹ vì cuộc đời mẹ đã trải qua quá nhiều đau khổ. Không còn mối thân tình nào, Bình lại quay về Hà Nội kiếm việc làm. Từ bán xôi, bán chè tới bán cơm bình dân Bình đều trải qua. “Những công việc này đã giúp em biết đứng bếp nấu nhiều món ăn. Ở đâu, em cũng được chủ yêu quý, tin tưởng giao cho làm bếp trưởng và quản lý cửa hàng”, Bình cười nói.

 

“Mọi chuyện đã là quá khứ nhưng mỗi lần nghĩ lại em không khỏi rùng mình. Nhưng em đã và đang thay đổi chứ không phải Bình của những năm trước. Em phải sống tốt và cũng có mơ ước như bao người bình thường”.

Mơ về một tổ ấm và quán ăn nhỏ

 

Bình không ngại khó, và một lần nữa em lại muốn thay đổi để thử xem mình hợp với công việc nào. Nói về công việc hiện nay, Bình cho biết: “Hàng ngày em dọn dẹp nhà cửa, cơm nước, lúc rảnh trông em bé bảy tháng tuổi. Gia đình chủ nhà là những người trẻ tuổi, tốt bụng. Em đang tuổi thanh niên nên hàng tuần gia đình chủ cho nghỉ một buổi để đi gặp gỡ bạn bè”, Bình kể.

 

Hẹn Bình trong quán càphê, em ăn mặc trẻ trung, khuôn mặt tròn trịa thoa chút phấn, tô thêm son trông thật xinh xắn. Nhắc lại chuyện cũ, Bình vẫn chạnh lòng, hai dòng nước mắt chỉ chực rơi xuống. “Mọi chuyện đã là quá khứ nhưng mỗi lần nghĩ lại em không khỏi rùng mình. Nhưng em đã và đang thay đổi chứ không phải Bình của những năm trước. Em phải sống tốt và cũng có mơ ước như bao người bình thường”, Bình tâm sự.

 

Thu nhập 2 triệu đồng/tháng đủ cho Bình trang trải sinh hoạt cần thiết. Nhưng trong một lần đi chợ, em bị xe máy tông thẳng vào người, lái xe bỏ chạy, em phải vào viện điều trị rạn xương. Bao tiền tích cóp được đổ hết vào lần đi viện đó. Đến giờ, Bình vẫn phải nợ mấy triệu đồng và đang làm để trả nợ: “Nếu không có vụ tai nạn thì em đã đủ tiền mở một quán chè hoặc đồ ăn nhỏ. Công việc bán hàng hợp với em vì em không biết chữ”, Bình nói. Rồi em báo tin vui: “Em đã có bạn trai. Anh ấy là người Lạng Sơn đang làm việc tại Hà Nội”. Mối tình đầu của Bình đã được hơn một năm và cô đang mong chờ ngày vui lớn. “Cả hai bọn em đã tính chuyện hôn nhân nhưng không biết bao giờ có thể thực hiện được. Kế hoạch là mùa xuân này nhưng chắc phải hoãn lại thôi”, Bình tâm sự.

 

Lý Trung Tuyến, bạn trai của Bình, có hoàn cảnh gia đình không khá hơn Bình. Dù đã tốt nghiệp đại học Thái Nguyên nhưng gia đình khó khăn nên Tuyến phải đi xuất khẩu lao động một thời gian. Hiện Tuyến đang tìm kiếm một việc làm tại Hà Nội để có thu nhập ổn định lo cho cuộc sống bản thân và trả món nợ chữa bệnh cho mẹ. Tuyến chia sẻ: “Em chỉ mong mang đến cho Bình niềm vui mỗi ngày để Bình quên đi quá khứ. Mỗi lần Bình buồn em đều ở bên chia sẻ. Chúng em khá hợp nhau”.

 

 

Năm bảy tuổi, Nguyễn Thị Bình được mẹ đưa xuống Hà Nội giúp việc tại quán phở của vợ chồng Chu Minh Đức – Trịnh Hạnh Phương ở phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, với hy vọng con gái có chỗ nương thân. Nào ngờ, vợ chồng ông bà chủ đã hành hạ Bình như nô lệ trong suốt 13 năm, bắt cô làm việc quần quật từ sáng sớm tới khuya, bất kể ốm đau. Bình không được tiếp xúc với người ngoài, không được ra khỏi nhà một mình. Cuối năm 2007, nhờ một người hàng xóm mà mọi chuyện được phanh phui. Vợ chồng chủ quán đã phải chịu mức án thích đáng.

 

 

Theo Lệ Hà

Sài Gòn Tiếp Thị