Có đánh giá tác động môi trường, nhà máy rác ở Hải Dương mới được xây dựng
(Dân trí) - Lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hải Dương cho biết, việc tỉnh này chấp thuận chủ trương đầu tư xây dựng nhà máy xử lý rác ở huyện Cẩm Giàng là tuân theo đúng Luật Đầu tư. Khi Bộ TN-MT phê duyệt đánh giá tác động môi trường thì dự án mới được cấp phép xây dựng.
Liên quan đến việc nhiều người dân ở xã Lương Điền (Cẩm Giàng - Hải Dương) phản đối dự án xây dựng nhà máy xử lý rác thải ở địa phương vì lo lắng sẽ ảnh hưởng xấu đến môi trường, phóng viên Dân trí đã có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Đình Kiêm - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hải Dương.
- Có ý kiến cho rằng, việc tỉnh Hải Dương chấp thuận chủ trương đầu tư xây dựng nhà máy xử lý rác thải ở xã Lương Điền, huyện Cẩm Giàng là chưa xem xét kỹ một số vấn đề như môi trường, nhà đầu tư chưa có báo cáo đánh giá tác động môi trường và không lấy ý kiến cộng đồng dân cư,... Vậy ông cho biết quan điểm của ông về ý kiến này như nào?
- Trước khi chấp thuận chủ trương đầu tư xây dựng nhà máy rác này, UBND tỉnh Hải Dương cũng tổ chức thẩm định và xem xét chủ trương đầu tư. Tỉnh cũng đã xem xét trên 2 khía cạnh: Luật Đầu tư và Luật Bảo vệ môi trường.
Luật Đầu tư có quy định gồm: hồ sơ, thủ tục phải thực hiện theo Điều 32 của Luật Đầu tư. Trình tự thủ tục thẩm định, quyết định chủ trương đầu tư thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh Hải Dương, thực hiện theo Nghị định 118/2015/NĐ-CP ban hành tháng 11/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư.
Theo Khoản 2, Điều 4 của Luật Đầu tư có quy định: Trường hợp các luật khác quy định trình tự thủ tục đầu tư, ngành nghề kinh doanh, cấm kinh doanh, ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện và trình tự thủ tục đầu tư khác với Luật đầu tư thì thực hiện theo Luật Đầu tư. Trừ Luật Bảo hiểm, Luật Chứng khoán và Luật dầu khí quy định về trình tự đầu tư của 3 luật này thì phải thực hiện theo luật đó. Cho nên, trong Điều 32 của Luật đầu tư quy định về mặt hồ sơ thì không quy định phải có báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) và Quyết định ĐTM được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Chính vì vậy, để tạo điều kiện cho nhà đầu tư thực hiện các bước tiếp theo thì tỉnh quyết định chủ trương đầu tư theo đúng quy định và trình tự thủ tục của Luật Đầu tư và Nghị định 118.
- Theo giải thích của ông thì được hiểu là dự án này chủ đầu tư không phải thực hiện báo cáo đánh giá tác động môi trường?
- Đây là dự án thuộc đối tượng phải đánh giá tác động môi trường, phải được Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) phê duyệt trước khi được cấp giấy phép xây dựng theo Luật Bảo vệ môi trường. Nghĩa là, khi nào dự án có ĐTM mới được tỉnh Hải Dương cấp phép xây dựng.
- Khoản 2 Điều 21 của Luật Bảo vệ môi trường quy định, chủ dự án phải tổ chức tham vấn cơ quan, tổ chức, cộng đồng chịu tác động trực tiếp bởi dự án khi làm báo báo đánh giá tác động môi trường. Nếu khâu này mà người dân không đồng thuận thì ĐTM có được phê duyệt, thưa ông?
- Về ĐTM trong đó có khâu là tham vấn ý kiến cộng đồng, nhà đầu tư và chính quyền địa phương là phải tổ chức lấy ý kiến cộng đồng dân cư ở đây, hình thức lấy ý kiến như nào do nhà đầu tư và địa phương tổ chức thực hiện. Trên cơ sở lấy ý kiến và của báo cáo, Bộ TN-MT sẽ xem xét, khi đó có cả Hội đồng đánh giá, xem xét tổng thể chung sẽ quyết định vấn đề này.
- Người dân xã Lương Điền lo lắng, trên địa bàn đã có nhiều nhà máy, khu công nghiệp, môi trường đã ở ngưỡng quá tải. Nay tỉnh Hải Dương lại cho xây dựng nhà máy xử lý rác ở địa phương này khiến họ sợ càng làm cho môi trường sống ở đó xấu đi, ông nghĩ sao về vấn đề này
- Vấn đề môi trường, thì quan điểm chung của tỉnh Hải Dương là phát triển kinh tế xã hội nhanh và bền vững thì luôn gắn với việc bảo vệ môi trường.
Tỉnh Hải Dương đã ban hành đề án xử lý và thu gom rác thải nông thôn; ban hành quy hoạch về xử lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030.
Thực tế xử lý rác thải nông thôn hiện nay còn nhiều bất cập, chủ yếu thu gom và đưa ra chôn lấp tại các bãi tập chung của địa phương. Quan điểm của tỉnh đây không phải là biện pháp xử lý triệt để môi trường, vừa tốn diện đất đai vừa để lại hậu quả xử lý môi trường sau này.
Chính vì vậy, xây dựng nhà máy xử lý rác thải tập trung theo quy hoạch xử lý chất thải rắn của tỉnh là một yêu cầu cần thiết. Đối với dự án nhà máy xử lý rác thải tại xã Lương Điền (Cẩm Giàng – Hải Dương), theo báo cáo của nhà đầu tư và được đại diện nhân dân của địa phương đi tham quan nhà máy tương tự ở nước ngoài thì đây là nhà máy có công nghệ tiên tiến hiện đại, vừa xử lý rác thải, vừa tận dụng phế thải thành các vật liệu xây dựng khác và sản xuất được cả điện năng.
Việc xây dựng nhà máy xử lý rác thải ở xã Lương Điền mục tiêu chính là bảo vệ môi trường cho khu vực huyện Cẩm Giàng và một số địa phương khác nữa. Chứ không phải xây nhà máy rác ở đây lại gây ô nhiễm cho môi trường khu vực.
Về khoảng cách giữa nhà máy rác với khu dân cư thì tỉnh đã giao cho Sở Xây dựng là cơ quan kiểm tra, đánh giá lại khoảng cách này. Hiện nay khoảng cách từ nhà máy đến khu dân cư gần nhất là đều từ 700-800m; theo quy định của Bộ Xây dựng là ≥ 500m.
Khu vực diện tích đất nông nghiệp ở xã Lương Điền nằm trong diện thu hồi của dự án nhà máy xử lý rác thải.
- Nhiều người dân ở xã Lương Điền phản ánh, họ không được họp để lấy ý kiến mà chính quyền địa phương đã tiến hành thu hồi đất, vậy việc này có sai luật?
- Theo quy định của Luật Đầu tư, trong quá trình thẩm định dự án thì không có quy trình lấy ý kiến cộng đồng nhân dân, quy trình này chỉ được thực hiện khi đánh giá tác động môi trường.
Ngoài ra, để triển khai thực hiện nhà máy rác này thì trong hồ sơ của nhà đầu tư đã có bản cam kết rất rõ phải triển khai thực hiện xây dựng nhà máy theo đúng công nghệ đã được đề cập trong hồ sơ dự án. Vấn đề tuyên truyền với nhân dân thì nhà đầu tư đã tổ chức một chuyến cho người dân đi tham quan một nhà máy rác ở nước ngoài tương tự như dự án này và cam đoan sẽ thực hiện đúng như vậy. Trong những lúc nhân dân đang ý kiến như vậy, nhà đầu tư cũng đã về thuyết trình giới thiệu về công nghệ xử lý nhà máy rác này để bà con yên tâm.
Theo Chủ tịch UBND huyện Cẩm Giàng Trịnh Ngọc Thành, dự án đầu tư thuộc nhóm hoạt động bảo vệ môi trường được ưu đãi, hỗ trợ; thuộc dự án nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng nên khi giải phóng mặt bằng của dự án đầu tư không phải thỏa thuận với người dân có đất bị thu hồi.
- Xin cảm ơn ông!
Nguyễn Dương (thực hiện)