Quảng Nam:
"Có cầu Dân trí, Tết này Phú Mưa vui lắm!"
(Dân trí) - Trở lại thôn Phú Mưa (xã Jơ Ngây, huyện Đông Giang, Quảng Nam) vào những ngày giáp Tết, chúng tôi vui mừng thấy cuộc sống người dân nơi đây thay đổi đáng kể sau hơn nửa năm cây cầu mang tên Dân trí được khánh thành.
Bé ALăng Thị Xuyến, con chị BNước Thị Phước và anh ALăng Láo, vừa tròn 4 tháng tuổi. Ngày khánh thành cây cầu Dân trí ở thôn Phú Mưa, tôi gặp chị BNước Thị Phước đi trên cây cầu mới với đứa con còn nằm trong bụng mẹ. Gặp lại lần này, con gái chị đã được 4 tháng tuổi, đứa bé bụ bẫm và kháu khỉnh đang bú mẹ ngay hiên nhà.
Chị BNước tâm sự: “Đứa con trai lớn của mình năm nay đã 5 tuổi rồi. Trước đây vì con sông cách trở mà mình phải sinh con ở nhà. Còn cháu Xuyến này thì mình sinh ở trạm y tế xã, cũng nhờ có cây cầu đó”.
Chị BNước cho biết, khi cây cầu được xây xong, chị em trong thôn được cán bộ phụ nữ huyện vào tận nơi tuyên truyền về kế hoạch hóa gia đình ngay tại thôn nên chị em ai cũng hiểu chỉ nên có từ 1-2 con thì gia đình với ấm no, hạnh phúc.
Ngày cận Tết, không khí trong thôn Phú Mưa đông vui hẳn. Xe máy chạy nhiều trong thôn. Chỉ chiếc xe máy tay ga còn chưa gắn biển số của chị Zơ Râm Thị Năm vừa chạy qua, Trưởng thôn ALăng Bi nói: "Nhà nó mới mua chiếc máy hơn 41 triệu đó. Làng này từ khi có cầu mới thì bà con mình sắm được thêm 7 chiếc xe nữa. Trước đây cũng có xe máy nhưng chỉ có vài chiếc thôi nhưng gởi bên kia sông, giờ thì xe máy vào tận nhà rồi, sướng lắm".
Gặp chị Zơ Râm Thị Năm vừa dựng xe trước nhà, hỏi chị tiền đâu mà mua xe máy đắt tiền vậy? Chị bảo: “Hai vợ chồng làm rừng làm rẫy thôi. Để dành mấy năm nay mới mua được đó. Nếu không có cầu vào thôn thì chắc cũng không mua xe đâu. Dân mình nhờ có cầu nên mua được nhiều xe máy lắm”.
Chị Râm tâm sự, hai vợ chồng có một trai một gái. Trước đây cả hai đứa con chị đều sinh ở nhà vì khi chuyển dạ gặp mùa nước sông lớn nên không thể qua sông được. Nay có cây cầu rồi thì cố gắng làm lụng để cho con học hành và sắm sửa trong nhà.
Vào thôn Phú Mưa, người dân gặp chúng tôi đều vui mừng như người thân lâu ngày gặp lại nhau. Họ bảo nếu không có cây cầu thì bộ mặt của thôn không được như bây giờ, nhà nào cũng sắm sửa đồ dùng trong nhà. Đi thăm các gia đình ở Phú Mưa, chúng tôi nhận thấy nhiều đồ dùng mới được người dân sắm sửa; nhà thì mua chiếc tivi, nhà thì sắm bộ bàn ghế mới, tủ mới…
Mời khách ly rượu, già làng ALăng Chúc bảo: “Từ khi có cây cầu, làng chúng tôi đón nhiều khách đến thăm lắm. Họ đến đây và chụp ảnh rất nhiều về cây cầu này đó”. Nói rồi ông quay qua hỏi Trưởng thôn ALăng Bi “thống kê” thử làng mình từ khi có cầu mới đã đón được bao nhiêu đoàn khách.
Nhẩm tính trên ngón tay, ALăng Bi nói: “Không nhớ kỹ lắm nhưng chắc được gần 20 đoàn đến thăm làng mình đó. Nhiều đoàn là các bạn thanh niên ở Đà Nẵng, các công ty đến thăm và giao lưu với các bạn thanh niên làng mình và còn tặng quà cho bà con mình nữa, vui lắm”.
Anh kể tiếp: Có hôm một đoàn khách nước ngoài đi ngang thấy cây cầu đẹp ai cũng khen. Qua anh thông dịch viên, các khách Tây hỏi ai làm cây cầu ở đây mà đẹp quá vậy? Tôi trả lời anh phiên dịch là cây cầu này một phần là do bạn đọc báo Dân trí góp tiền xây cho chúng tôi đó. Nghe thế mấy ông khách Tây ngạc nhiên lắm anh à”.
“Đó là khách nước ngoài, còn các đoàn khách trong nước ai qua đây nhìn cây cầu đẹp cũng muốn vào thôn chơi. Chúng tôi đều kể cây cầu này là do bạn đọc báo Dân trí tặng và chỉ lên tấm biển đặt trên cầu thì họ mới tin”, anh ALăng Được ngồi bên cạnh góp câu chuyện.
Có cây cầu, kinh tế của thôn cũng có bước phát triển mới, hàng hóa của bà con trong thôn vận chuyển ra ngoài được thuận lợi, không bị tư thương ép giá. Làm ra buồng chuối hay nuôi được con gà đều có giá hơn so với ngày trước, kinh tế của người dân cải thiện thấy rõ.
Gặp chúng tôi ngay đầu thôn Phú Mưa, vợ chồng anh Nguyễn Đức Tùng ở huyện Hòa Vang (Đà Nẵng) vào tận nơi hỏi mua chuối, gà và các nông sản khác của bà con để đem về xuôi bán kiếm lời. Anh Tùng cho biết, trước đây chưa có cây cầu thì người dân phải tự gùi hàng ra ngoài đường vất vả mới bán được. Có khi vợ chồng anh phải lội sông vào thôn mua hàng nhưng nay có cầu rồi, anh chạy xe máy vào tận nơi mua hàng cho bà con nên được giá hơn.
Trước đây chưa có cầu, nhiều thương lái đến thôn Phú Mưa mua chuối thì luôn ép giá bởi do không có phương tiện chuyển qua sông. Muốn bán được chuối, người dân phải gùi chuối sang bờ bên kia, nhiều lúc nước sông cao thì phải một tay vác chuối, một tay kéo dây để lội sông. Có khi chuối chuyển không kịp bị chín nên phải ăn chuối suốt cả tuần luôn. Lúc trước chuối từ 5-7 ngàn đồng một nải, giờ đã lên giá hơn 10 ngàn đồng một nải.
Nói về học hành của con em trong thôn, Trưởng thôn ALăng Bi tự hào cho biết, kể từ khi cây cầu được hoàn thành, con em trong thôn học tốt lên thấy rõ, nhiều em có học lực trung bình nay học lên thành khá giỏi. Quan trọng nhất là các em không phải lội qua sông đến trường, không phải nghỉ học mỗi khi nước sông lớn và đặc biệt trong thôn không có em nào bỏ học.
Tạm biệt người dân thôn Phú Mưa, già làng ALăng Chúc cứ níu chân chúng tôi lại chơi với người dân, ông nói: "Người dân Phú Mưa biết ơn các anh ở báo Dân trí lắm, cho tôi gởi lời cảm ơn đến lãnh đạo các anh nhé. Nhờ các anh mà dân làng chúng tôi mới có cây cầu đi đó. Tết này dân Phú Mưa chúng tôi vui lắm!".
Công Bính - Nguyễn Dũng