1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Ciputra: 160 hộ dân khốn khổ vì chung cư “treo”

(Dân trí) - Quá hạn 8 tháng mà chưa được nhận nhà, 160 hộ dân đăng ký mua căn hộ ở tòa nhà E1 - Khu đô thị Nam Thăng Long (Ciputra) đang rất bức xúc về chỗ ở, về khoản tiền lớn phải “nằm một chỗ”. Đáp lại, chủ đầu tư tòa nhà 21 tầng chỉ biết kêu gọi khách hàng thông cảm, tiếp tục… chờ.

“Treo” vô thời hạn

 

160 căn hộ cao cấp của tòa nhà E1 - Ciputra (Phú Thượng, Tây Hồ, Hà Nội) bắt đầu được bán từ tháng 10/2004, khi công trình vẫn còn trên bản vẽ. Theo hợp đồng, bên bán sẽ giao nhà trong vòng 24 tháng, người mua phải thanh toán dần khoản tiền thành nhiều đợt cố định. Nhưng nay đã hết tháng 5/2007 (quá hạn 8 tháng) mà chưa khách hàng nào được nhận căn hộ.

 

Ông Trần Trọng Hùng “đặt chỗ” một căn hộ tầng 12, diện tích 153m2, giá gần 1,6 tỷ đồng, trình bày: Việc chậm giao nhà đã gây rắc rối cho gia đình ông. Ông bà đã nghỉ hưu, hiện tại vẫn có chỗ ở nhưng quá chật chội. Gia đình đặt mua căn hộ ở tòa nhà E1 Ciputra với ý định để con trai ra ở riêng sau khi lập gia đình. Nay “vỡ kế hoạch” không biết đến bao giờ mới giải quyết xong.

 

Chị N.P.T đăng ký mua căn hộ giá 84.000 USD (chưa kể thuế). Đến nay gia đình chị đã trả gần như toàn bộ số tiền hơn 1,5 tỷ (chỉ còn 2% theo quy định sẽ thanh toán sau khi nhận nhà) nhưng việc có nhà vẫn thấy xa vời.

 

Gia đình chị đã nhiều lần gọi điện, gửi văn bản và làm việc trực tiếp với ban quản lý nhà, yêu cầu một câu trả lời chính xác. Sau 4 tháng nỗ lực “gây áp lực”, ngày 1/2/2007, chị mới nhận được 1 văn bản trả lời của Ciputra với nội dung: nguyên nhân chậm chễ ngoài tầm kiểm soát của Ciputra, phải chờ!

 

“Vấn đề là chờ đến bao giờ” - chị T cười méo xệch cho biết 8 tháng nay gia đình chị vẫn phải đi thuê nhà với giá 600 - 1.000 USD/tháng. Hơn nữa do kế hoạch “treo” của Ciputra là vô thời hạn nên gia đình chị rất bị động.

 

Chị Nguyễn Thanh Hằng mua căn hộ tầng 20, diện tích 123m2 với giá 70.000 USD. Tuy không bức xúc về chỗ ở nhưng chị rất sốt ruột với khoản tiền lớn “chết dí” một chỗ mà đáng lẽ ra chị có thể dùng để đầu tư sinh lời.

 

Tiếp tục chờ

 

Cho đến nay, hầu hết khách hàng của Ciputra chỉ lờ mờ biết việc tòa nhà đột nhiên bị đình lại cuối năm 2006 là do khúc mắc phát sinh trong khâu giải phóng mặt bằng. Nhiều khách hàng gửi khúc mắc tới chủ đầu tư - Công ty TNHH phát triển KĐT Nam Thăng Long - nhưng chỉ nhận được câu trả lời kiểu “đây là việc bất khả kháng, công ty cũng không biết làm thể nào, mong khách hàng thông cảm”.

 

Dĩ nhiên, câu trả lời này không làm thỏa mãn khách hàng. Ông Trần Trọng Hùng kiên quyết: Bằng mọi cách Ciputra phải giải quyết ngay việc này. Khách hàng đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ trong hợp đồng nên công ty phải chịu trách nhiệm về sự chậm chễ này: “Ciputra không thể đổ lỗi quanh và yêu cầu chúng tôi thông cảm được. Họ muốn chúng tôi thông cảm nhưng ai sẽ thông cảm cho khó khăn của chúng tôi?”, ông Hùng gay gắt.

 

Chị N.P.T thì chỉ yêu cầu đơn giản: Ciputra phải “chốt” lại thời gian trì hoãn để gia đình chị chủ động trong việc thuê nhà. Rõ ràng trong viêc này trách nhiệm thuộc về Ciputra.

 

Tuy nhiên, trong công văn số 199/2007/CV-LD ngày 25/5, trả lời những thắc mắc trên, giám đốc Công ty TNHH phát triển KĐT Nam Thăng Long David Arndorff cho biết, tòa nhà E1 nằm trên diện tích đất thuộc xã Xuân Đỉnh, Từ Liêm, đã được đền bù GPMB. Các hộ dân bị thu hồi đất đã nhận tiền theo phương án và giao đất trong năm 2004. Nhưng khi công trình đang thi công thì người dân có khiếu nại về mức đền bù, yêu cầu được bồi thường thêm, nay vẫn chưa giải quyết được.

 

Phía Ciputra một lần nữa khẳng định đây là sự cố không mong muốn, nằm ngoài tầm kiểm soát của công ty nên công ty chưa thể đưa ra một thời hạn cụ thể.

 

Như vậy, rõ ràng về lý là khách hàng đúng nhưng cách duy nhất hiện nay họ có thể làm vẫn là chờ đợi.

 

Phương Thảo - Cấn Cường