Chuyến xe khách đường dài nhiều rủi ro lây lan Covid-19 ở Điện Biên
(Dân trí) - Các thành viên Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống Covid-19 và chuyên gia đều lo ngại về rủi ro từ chuyến xe khách đường dài có bệnh nhân Covid-19 của Điện Biên bắt thả khách dọc đường…
Đây là vấn đề được nêu ra, phân tích, tính toán biện pháp xử lý tại cuộc họp chiều ngày 5/2/2021 của Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch bệnh Covid-19.
Từ 11 tỉnh phát dịch, chỉ còn 6 tỉnh có ca bệnh mới
Báo cáo của Bộ Y tế cho biết, từ 25/1 đến nay đã ghi nhận 389 trường hợp mắc tại 11 tỉnh, thành phố gồm: Hải Dương (287 trường hợp), Quảng Ninh (46), Hà Nội (23), Gia Lai (18), Điện Biên (2), Bình Dương (5), Bắc Ninh (3), Hòa Bình (2), Hải Phòng (1), TPHCM (1), Bắc Giang (1). Từ 6h00 đến 11h00 sáng ngày 5/2, Việt Nam ghi nhận tổng số 14 trường hợp mắc mới tại 4 tỉnh, thành phố gồm Hải Dương (9), Điện Biên (2), Quảng Ninh (2) và Hà Nội (1 trường hợp).
Trong 2 ngày trở lại đây, còn 6/10 tỉnh thành ghi nhận ca bệnh mới (Điện Biên, Hải Dương, Hà Nội, Gia Lai, Bình Dương, Quảng Ninh). Phần lớn các ca bệnh mắc mới tại các tỉnh này là những người đã cách ly tập trung, ít có khả năng lây ra cộng đồng...
Sau khi nghe báo cáo của Bộ Y tế, Thường trực Ban Chỉ đạo thống nhất nhận định tình hình dịch bệnh trên cả nước được kiểm soát tốt từ các ổ dịch ở Hải Dương, Quảng Ninh đến tình hình ở TP Hà Nội, Gia Lai, Bình Dương, TPHCM…
Cuộc họp cũng đặt vấn đề liên quan đến việc kiểm soát đi lại của người dân trong hoàn cảnh có dịch; điều chỉnh thời gian cách ly tập trung; đánh giá tình hình ổ dịch xuất hiện tại tỉnh Điện Biên…
Phát biểu tại cuộc họp, Phó Chánh Văn phòng Trung ương Đảng Nguyễn Đắc Vinh nhận xét, vừa qua công tác phòng chống dịch đã được triển khai đồng bộ, hiệu quả. Thời gian tới, chúng ta cần tiếp tục cố gắng phát hiện sớm các ca lây nhiễm trong cộng đồng như thời gian qua để vừa tổ chức khoanh vùng dập dịch hiệu quả, vừa bảo đảm các hoạt động kinh tế, xã hội.
Qua thực tiễn chống dịch 10 ngày qua, ông Vinh cho rằng cần có sự bình tĩnh trong ứng phó với dịch bệnh. Do đó, khi ban hành các quy định phòng chống dịch cũng như triển khai công tác ứng phó dịch bệnh, các địa phương cần tránh ban hành những quy định hay những việc làm gây sốc cho xã hội.
Nêu quan điểm, lãnh đạo Bộ Y tế đề nghị các tỉnh Hải Dương, Quảng Ninh, Hà Nội, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Phòng, Hòa Bình, Điện Biên, Gia Lai, Bình Dương, TPHCM đang có ca bệnh cần tiếp tục huy động nguồn lực tối đa, phối hợp chặt chẽ với các đơn vị chuyên môn của Bộ Y tế triển khai các biện pháp truy vết tích cực, khoanh vùng, cách ly kịp thời, xét nghiệm diện rộng.
Chú trọng thực hiện phong tỏa nhiều lớp, truy vết tất cả các trường hợp tiếp xúc gần để thực hiện cách ly, xét nghiệm kịp thời.
Các tỉnh thành đã ghi nhận trường hợp mặc bệnh tại cộng đồng cần thay đổi chiến lược, nâng các biện pháp đáp ứng cao hơn một mức so với đợt dịch trước, trong đó thực hiện giãn cách xã hội hoặc hạn chế tập trung đông người phù hợp cho từng địa bàn có nguy cơ lây nhiễm cao.
Bộ Y tế khuyến cáo xác định các trường hợp F1 là trường hợp nhiễm bệnh, từ đó truy ra F2, coi F2 gần như F1 và vừa thực hiện truy vết đồng thời phải khoanh vùng ngay, khoanh vùng rộng và lấy mẫu toàn bộ người dân tại các khu vực lây nhiễm cộng đồng;
Thực hiện nghiêm việc cách ly; tiến hành khoanh vùng hẹp hoặc nới lỏng khi tất cả các trường hợp đều âm tính; khuyến cáo mạnh, yêu cầu người dân toàn thành phố bắt buộc phải đeo khẩu trang; hạn chế tập trung đông người ở khu vui chơi, giải trí; tạm dừng một số hoạt động không thiết yếu…
Không hạn chế đi lại với người không ở vùng phong tỏa
Về việc kiểm soát đi lại của người dân tại những địa phương có dịch, theo PGS.TS Trần Đắc Phu, vừa qua nhiều tỉnh làm chưa thật chuẩn, "sợ nên làm quá, siết chặt", khiến nhiều người không dám về quê.
PGS.TS Trần Đắc Phu đề nghị Bộ Y tế sớm ban hành văn bản hướng dẫn, trong đó quy định rõ về điểm dịch, vùng dịch để các địa phương có căn cứ triển khai thống nhất, tránh tình trạng mỗi tỉnh hiểu một cách.
Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên xác nhận, Bộ Y tế đang xây dựng và sẽ sớm ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể về vùng có dịch. Trên cơ sở đó, Chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định khu vực ổ dịch và phong tỏa.
Tất cả những người sinh sống trong khu vực phong tỏa là "nội bất xuất ngoại bất nhập", trừ những trường hợp đặc biệt (ví dụ, người bị bệnh nặng phải đưa đi cấp cứu....) mới được ra khỏi khu vực phong tỏa và được kiểm soát chặt chẽ.
Những người không sinh sống trong khu vực bị phong tỏa vẫn được đi lại bình thường, chỉ cần khai báo y tế và không phải bị cách ly (trừ trường hợp đã xác định là F1, F2).
Thứ trưởng Bộ Y tế nêu quan điểm, các địa phương không được "ngăn sông cấm chợ", không được "làm quá" yêu cầu, gây cản trở, khó khăn cho người dân.
Một vấn đề khác được đại diện Bộ Y tế đề cập là thời hạn cách ly 14 ngày hay 21 ngày. Lãnh đạo Bộ Y tế cho biết, các kết quả nghiên cứu cho thấy, tuy chủng virus mới có hệ số lây cao hơn, thời gian khởi phát nhanh hơn nhưng thời gian ủ bệnh của tất cả các biến thể của virus SARS-CoV-2 đều vào khoảng từ 14 ngày.
Vì vậy, Bộ Y tế đang xem xét những phân tích khoa học cuối cùng để có văn bản điều chỉnh thời hạn cách ly tập trung. Thực tế, các nước trên thế giới cũng đang thực hiện cách ly tập trung là 14 ngày.
Điện Biên truy vết, tìm kiếm hành khách xuống xe dọc đường
Nhận xét về ổ dịch mới phát sinh ở Điện Biên, lãnh đạo Bộ Y tế và các chuyên gia nhận định có nhiều điểm giống với Gia Lai.
Tuy nhiên, qua thực tiễn chuyến xe từ Điện Biên (xe khách đường dài) bắt thả khách dọc đường, các ý kiến đặc biệt lo ngại về việc chuyến xe chứa nhiều rủi ro. Hiện nay các lực lượng chức năng đang khẩn trương truy vết, tìm hành khách xuống xe dọc đường.
Bên cạnh đó, do thời gian gần tết, người dân đi lại nhiều nên cần kiểm soát chặt chẽ, bảo đảm thực hiện nghiêm các quy định về phòng chống dịch trong lĩnh vực giao thông vận tải nhất là vận chuyển hành khách công cộng (taxi, xe khách, máy bay…); yêu cầu xử lý thật nghiêm những xe khách chở quá số người quy định, không tuân thủ quy định phòng chống dịch; đề nghị bà con thực hiện nghiêm việc đeo khẩu trang, phòng chống dịch khi sử dụng phương tiện giao thông công cộng.