1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Chuyện về nữ y tá trong bức ảnh “Tấm lòng người Việt Nam”

(Dân trí) - Cô gái trong bức ảnh “Tấm lòng Việt Nam” không hề hay biết rằng, hành động băng bó cho người lính dù Mỹ của cô đã được một nghệ sĩ nhiếp ảnh ghi lại. Mãi đến gần 20 năm sau, cô mới có dịp được ngắm nhìn lại khoảnh khắc ấy.

Nhân vật chính trong bức ảnh năm xưa giờ đã bước sang tuổi 70. Tên bà là Ngô Thị Sâm (trú tại phường Thạch Quý, TP Hà Tĩnh). Cô y tá trẻ măng ngày nào giờ đã là bà nội, bà ngoại của hơn 10 đứa cháu. Còn bức ảnh năm xưa được treo trang trọng trong phòng khách của gia đình. Đó cũng là một kỷ vật nhiều xúc động và bất ngờ trong những năm tham gia kháng chiến chống Mỹ của bà trên chính quê hương Hà Tĩnh.

Lần hồi theo những ký ức, bà kể cho chúng tôi nghe về buổi chiều của những năm tháng ấy.

Bức ảnh Tấm lòng người Việt Nam
Bức ảnh "Tấm lòng người Việt Nam"

Năm 1965, Ngô Thị Sâm tham gia thanh niên xung phong làm dân quân hỏa tuyến tại thị xã Hà Tĩnh. “Cùng đăng ký tuyển quân năm đó, có rất nhiều chị em cũng hăng hái tham gia. Khi đó, tôi mới 18 tuổi nhưng thuộc hàng thấp bé nhẹ cân nhất. Sau khi nhìn một lượt, đồng chí trung đội phó dừng lại ở tôi và nói “con nhà ai đi trâu đi bò thì đi ra ngoài, ở đây chỗ các anh các chị tuyển quân”, mãi sau có người làm chứng trung đội phó mới đồng ý cho tham gia”, bà Sâm nhớ lại.

Nhưng vào quân ngũ, 6 tháng đầu cấp trên cũng chỉ giao cho cô gái nhỏ bé này việc... chăn bò cho đơn vị để tăng gia sản xuất. Thấy bà nhanh nhẹn, đơn vị cho bà lên làm thủ kho, trong 2 năm nhận nhiệm vụ bà hoàn thành xuất sắc không để thiếu một mặt hàng nào của đơn vị.

Sau đó, do thiếu y tá làm nhiệm vụ chăm sóc thương binh, đơn vị tiếp tục cử bà đi học thêm về ngành y để về phục vụ. Đến tháng 4/1967, bà chuyển sang đội thanh niên quốc phòng, công tác tại đơn vị K8-K10 thuộc UBND huyện Thạch Hà chuyên phục vụ cho đồng bào Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế tập kết ra Bắc. Đây là quãng thời gian hoạt động sôi nổi nhất, nhưng cũng nguy hiểm nhất của người nữ y tá dũng cảm, thường xuyên đối mặt với cái chết, với bom đạn ác liệt của kẻ thù. Một trong những lần đó là lần giáp mặt với lính dù Mỹ.

Gần 20 năm sau bà Ngô Thị Sâm mới biết được có sự hiện diện của bức ảnh
Gần 20 năm sau bà Ngô Thị Sâm mới biết được có sự hiện diện của bức ảnh

Đúng ngày 19/5/1972, khi máy bay Mỹ đang oanh tặc tại bầu trời Hà Tĩnh, trận địa phòng không chúng ta sẵn sàng lập công chào mừng ngày sinh Bác Hồ. Trưa hôm đó, chiếc máy bay F4, còn gọi là “con ma”, bay vào đánh phá Hà Tĩnh và bị hỏa lực pháo cao xạ trung đoàn 280 bắn bốc cháy, chiếc dù bật ra khỏi máy bay rơi xuống cách đồng Thạch Trung.

“Khi vừa thấy chiếc dù bung khỏi máy bay, tôi và 4 đồng chí dân quân vội vàng lần theo đường bay của dù trên những ruộng khoai. Nhận định bộ đàm của tên lính vẫn còn phát tín hiệu nên nhiệm vụ cần kíp lúc này là phá hủy bộ đàm để địch không phát hiện vị trí để ứng cứu. Cùng lúc, trên bầu trời có 6 chiếc máy bay cùng quần thảo. Vừa bay, chúng vừa dội đạn xuống phía dưới. Nhưng mọi người không nao núng, tiếp tục trườn theo những luống khoai tiến gần lại phía tên lính dù. Khi đến gần tên địch, chúng tôi phát hiện 1 đám đất mới vừa được xới lên, nghi là chỗ giấu đàm thoại, tôi vội xới lên và dùng chân dẫm nát, lúc này máy bay mới tản dần”, bà kể lại giây phút đội diện với cái chết.

Khi giáp mặt với tên lính dù, hắn vẫn còn hét lớn, tinh thần vô cùng hoảng loạn. Bà Sâm và 4 dân quân nhanh chóng ập vào bắt tên phi công và dẫn hắn vào trú ẩn tại chiếc hầm chữ A. Tên phi công tên là Obri Nicon bị thương khá sâu ở trán và má. Bà Sâm lúc đó là y tá duy nhất. Bà cởi súng trên vai, làm nhiệm vụ băng bó vết thương cứu người... Đó cũng là khoảnh khắc ra đời của bức ảnh “Tấm lòng người Việt Nam” của nghệ sĩ nhiếp ảnh Từ Tiện. Khi đó nghệ sĩ đang theo đoàn sáng tác trú ẩn tại hầm.

“Lúc ấy tôi không nghĩ gì cả, chỉ thấy bị thương thì cứu thôi. Hắn có tội hắn sẽ bị trừng phạt, nhưng lúc ấy hắn cũng là người bệnh và tôi là một người thầy thuốc…”, bà Sâm trả lời khi được chúng tôi hỏi vì sao bà cứu kẻ thù của mình.

Sau lần ấy, bà cũng nhiều lần đối diện với nguy hiểm. Đã có lần bà suýt chết trong lần đưa công lệnh di dời kho gạo ở xã Thạch Điền (huyện Thạch Hà), đến cầu Nủi bị máy bay thả bom, đồng đội của bà hy sinh, bà bị thương nặng ở cột sống, đầu và mắt cá chân. Bà được bà con xã Thạch Điền đưa vào Bệnh viện Thị xã Hà Tĩnh (nay là bệnh viện Đa khoa TP Hà Tĩnh - lúc đó sơ tán tại xã Thạch Điền) cấp cứu kịp thời. Sau đó, bà được hưởng chế độ như thương binh hạng 4/4, được tặng thưởng Huân chương Kháng chiến hạng ba và nhiều giấy khen, bằng khen trong chiến đấu và công tác. Sau chiến tranh, bà chuyển ngành về công tác tại văn phòng UBND huyện Thạch Hà, đến năm 1989 vì sức khỏe bà xin nghỉ hưu theo chế độ.

Cô y tá năm xưa giờ đã thành bà ở tuổi ngoài 70
Cô y tá năm xưa giờ đã thành bà ở tuổi ngoài 70

Sự hiện diện của bức ảnh sau hơn 20 năm khiến bà rất đỗi bất ngờ. Khi bà đang bán gạo tại chợ Hà Tĩnh thì được một đồng chí cán bộ UBND huyện Thạch Hà dẫn theo một nghệ sĩ nhiếp ảnh. Tại quầy bán gạo của mình, cô y tá năm xưa mới có dịp ngắm nhìn lại khoảnh khắc ấy. Và cũng nhờ nghệ sĩ nhiếp ảnh Từ Tiện, bà Ngô Thị Sâm mới biết tên người lính Mỹ năm xưa bà băng bó tên là Obri Nicon. “Cầm bức ảnh trên tay, tôi vẫn cứ như mơ. Khi đó, quá xúc động không biết tôi khóc tự lúc nào. Nhiều người bán hàng gần đó cũng xúm lại xem. Ai cũng khen bức ảnh rất có sức lay động”, cô y tá năm xưa xúc động chia sẻ.

Hạnh phúc giản dị của nữ y tá Ngô Thị Sâm
Hạnh phúc giản dị của nữ y tá Ngô Thị Sâm

Và phải đến năm 1995, kỷ niệm 30 năm thành lập Hội Nghệ sỹ nhiếp ảnh Việt Nam, Hội tổ chức Triển lãm những bức ảnh chưa được công bố. Bức ảnh ”Tấm lòng Việt Nam” của nghệ sĩ nhiếp ảnh Từ Tiện được tặng Huy chương Vàng đồng hạng.

Chiến tranh đã đi qua, cô y tá năm xưa giờ đã là mẹ của 5 người con. Tìm nhà người con gái trong ảnh thì chẳng ai biết có một người con gái như thế mà chỉ biết đến một bà Ngô Thị Sâm từng bán gạo ngoài chợ.  Tất cả với bà chỉ là những kỷ niệm đẹp, thanh thản bởi những gì bà đã làm, đã cống hiến trên chính quê hương của mình. 

Phượng Vũ