Thanh Hóa:
Chuyện về cây gạo 200 năm tuổi được vinh danh Cây Di sản
(Dân trí) - Người dân làng Hổ Đàm (Thiệu Lý, Thiệu Hóa, Thanh Hóa) chẳng ai biết cây gạo đầu làng có từ bao giờ, chỉ phỏng đoán rằng cây đã trên 200 năm tuổi. Cây đã trở thành niềm tự hào của cả làng khi được công nhận là Cây Di sản văn hóa Việt Nam.
Chứng tích lịch sử
Các cụ bô lão trong làng vẫn truyền miệng nhau: “Sinh ra đã thấy nó sừng sững đứng ở đầu làng rồi”. Các cụ cho rằng cây gạo có khoảng trên 200 năm tuổi, bởi khi xưa cụ Trịnh Xuân Dao là người già nhất làng, cụ mất là vào năm 1966, lúc đó cụ thọ 102 tuổi. Thế nhưng khi được hỏi về cây gạo, cụ cũng bảo lớn lên cụ đã thấy trước đình làng cây gạo to cao hiên ngang vươn cành tỏa bóng cả một góc đường.
Người làng Hổ Đàm cho rằng cây gạo mọc ở đầu làng là tượng trưng của đầu con hổ, biểu hiện cho sức mạnh quật cường trong chiến đấu và trong lao động của người dân nơi đây. Bởi thế trải qua bao sóng gió, bao lần giặc ngoại xâm hoành hành, người dân Hổ Đàm vẫn anh dũng bất khuất.
Được biết, trước đây, nơi cây gạo mọc lên là một cái đình làng, về sau vào khoảng những năm 1967, 1968 do thiên tai và chiến tranh tàn phá, đình làng không còn nữa nhưng cây gạo vẫn còn đó, vẫn vươn cành, ra hoa mỗi độ tháng 3 về, thấy rõ sức sống mãnh liệt vô cùng.
Thân cây gạo to đến mấy người ôm, thời gian đã tạo nên những u bướu xù xì, lồi lõm như mắt quỷ từ phần rễ cho đến giữa thân cây, cành lá ngang tàng vươn lên và phủ xanh cả một vùng trời như một thiên sứ. Cây gạo xù xì chịu bao mưa gió, bao đạn bom mà vẫn sống hiên ngang giữa trời, nó hiên ngang sống như chính những con người làng Hổ Đàm luôn cố gắng vươn lên trong cuộc sống.
Các cụ già trong làng kể lại, thời chiến, cây gạo là nơi gắn cái chòi phát thanh trên đó, hễ có hội họp, đình đám là các thôn trưởng bắc loa lên cái chòi đó để kêu gọi bà con. Cụ Trịnh Xuân Trinh, người từng tham gia các trận đánh Pháp, Mỹ bên gốc cây gạo nhớ lại: "Ngày xưa làng này không có nhiều cây cổ thụ, chỉ duy có cây gạo này lại mọc ngay ở đầu làng trong một cái Đình nên rất thuận lợi cho việc hội họp bàn việc đánh giặc. Mỗi lần chuẩn bị có trận đánh lớn chúng tôi lại leo lên cây để quan sát tình hình phía địch để còn biết mà hành động. Những lần máy bay địch thả bom, dội pháo sáng là dân làng lại núp dưới gốc cây này…”.
Trải qua bao nhiêu thời gian, cây gạo chứng kiến bấy nhiêu những bình yên của xóm làng, những đêm trăng rằm gió mát là nơi hẹn hò của những đôi trai gái trong làng, cũng là nơi người dân tìm đến sau những mệt nhọc đồng áng, rồi cả những chết chóc tang thương, những trận bom càn quét, những lần đốt phá của giặc ngoại xâm. Không những thế, đình làng thời chiến còn là địa điểm tập kết của thương binh, đặc biệt vào những năm 1953, 1954.
Cụ Nguyễn Đình Yên (85 tuổi) ngước nhìn lên cây gạo mà rưng rưng nhớ lại quá khứ một thời đạn bom: “Ngày đó, nhiều đôi trai gái trong làng cưới nhau ngay ở dưới gốc cây gạo này, nhiều cặp vợ chồng bộ đội cũng được se duyên ngay tại đây. Cây gạo này chứng kiến không biết bao nhiêu buồn vui, bao nhiêu nước mắt của dân làng. Con cháu, hết lớp người này ra đi đến lớp người khác vậy mà trải qua những thăng trầm lịch sử, trải qua hai cuộc kháng chiến ác liệt chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, nó vẫn cứ sừng sững còn đó cho đến bây giờ đấy”.
Vinh danh Cây Di sản Việt Nam
Qua nghiên cứu và khảo sát cho thấy cây gạo có chiều cao khoảng 40 đến 45m, chu vi thân cây tại độ cao cách mặt đất 1,3m là 7m, tính ra đường kính 2,1m và có độ tuổi trên 200 năm.
Ông Trịnh Xuân Nam, Chủ tịch UBND xã Thiệu Lý, cho biết: “Ngày 8/2/2012, khi có thông tin chính thức cây gạo được Hội đồng Di sản Việt Nam (VACNE) công nhận là Di sản văn hóa Việt Nam, cán bộ, nhân dân địa phương vô cùng phấn khởi. Đây là cây cổ thụ không những có giá trị về mặt sinh thái, cảnh quan mà còn có giá trị về văn hóa, lịch sử, khoa học và về nguồn gen quý hiếm. Hiện nay, chính quyền địa phương đang khẩn trương chuẩn bị các điều kiện cần thiết để tổ chức lễ vinh danh, đón bằng công nhận và gắn biển cây Di sản văn hóa Việt Nam cho cây gạo trên 200 năm tuổi này vào trung tuần tháng 4/2012”.
Cây gạo giờ đây như một báu vật của dân làng Hổ Đàm. Họ tâm niệm rằng cây gạo sẽ mang đến những ấm no, bình yên cho dân. “Ngay sau khi hay tin cây gạo được Hội Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường Việt Nam đưa vào danh sách Cây Di sản Việt Nam, nhân dân địa phương đã rất hăng hái tham gia bảo vệ, gìn giữ xem như một tài sản quý giá nhất của dân làng”, ông Lê Bá Hùng, Phó Chủ tịch xã chia sẻ.
Nguyễn Thùy - Duy Tuyên