1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Thanh Hóa:

Chuyện về 7 cây di sản 600 năm tuổi

(Dân trí) - Một điều lạ lùng và hiếm thấy là quần thể 7 “cụ” cây ở đền thờ Trần Khát Chân (núi Đốn Sơn, Vĩnh Lộc, Thanh Hóa) dù trải qua hàng trăm năm với bao khắc nghiệt của thiên nhiên, bom đạn chiến tranh vẫn tươi tốt đến tận bây giờ.

Quần thể 7 “cụ” cây này gồm cây trôi, cây trám đen, cây vải, cây trâm vối, cây muỗm, cây báng và cây thanh thất vừa qua đã được Hội đồng Cây di sản Việt Nam công nhận là Cây di sản.

Trong đó cây Trôi được đánh giá là loài cây có số tuổi cao nhất, khoảng trên 600 năm tuổi, cây có chiều cao 37m, đường kính 1,5m; tiếp đó là cây trám đen với chiều cao 25m, đường kính 1,4m. Số cây còn lại đều cao 18 đến 20m, đường kính khoảng 1,2m. Những cây này có độ tuổi gần 600 năm.

Danh tướng Trần Khát Chân, người đã có công mở mang bờ cõi về phía Nam và được phong cấp tướng lần thứ 2 lúc ngài mới 24 tuổi. Năm 1399, Người mất thì vào thời Hồng Đức (1470-1497) đền thờ Trần Khát Chân được nhân dân xây dựng nên. Tuy nhiên, tương truyền rằng, quần thể 7 cây cổ thụ tọa lạc tại đền thờ này được trồng từ khi vị vua qua đời, nhân dân trồng những cây này bên cạnh khu mộ của vua để đánh dấu và để lấy bóng mát. Vì thế, các cụ cao niên trong làng căn cứ vào đó đã khẳng định số cây cổ thụ trên đền thờ có số tuổi nhiều hơn số tuổi của đền.

Một điều lạ lùng là hàng trăm năm trôi qua, chịu bao khắc nghiệt của thiên nhiên, bom đạn chiến tranh, những cây cổ thụ này vẫn tươi tốt, vẫn vươn cành, rễ cây vẫn bám chắc. Cho đến nay, các cây trám đen, cây trâm vối, cây vải vẫn cho ra quả mỗi mùa. Đó như là một minh chứng về sức sống mãnh liệt đến vô cùng.

Cây trôi, cây trâm vối có thân rộng đến 4,5 người ôm không xuể, rễ của cây trôi vươn ra khỏi lòng đất dài đến vài mét và to bằng thân của một loại cây đã được trồng hàng vài chục năm. Cây trôi dù có số tuổi trên 600 năm nhưng thân cây vẫn không bị sâu.

Bởi vậy, bao đời nay, người dân làng Đốn Sơn luôn tâm niệm những cây cổ thụ tọa lạc ở đền thờ Trần Khát Chân là sức mạnh là điềm may của dân làng. Dù trải qua bao khắc nghiệt vẫn không đầu hàng số phận, vẫn hùng dũng và kiên cường trong cả chiến đấu và trong thời bình.

Những năm tháng chiến tranh chống giặc ngoại xâm, nhân dân làng Đốn Sơn cùng dân quân du kích đều núp ở dưới những gốc cây này để ẩn trú tránh bom đạn và triển khai công tác báo động, phương án tác chiến.

Sử sách ghi lại trong những năm tiền cách mạng tháng 8 (1942-1945) là địa điểm liên lạc, trạm giao liên của các chiến sỹ Cách mạng, nhận và truyền đi lệnh khởi nghĩa của Đảng ta từ chiến khu Ngọc Trạo đến các địa điểm tây nam tỉnh Thanh Hóa. Trong kháng chiến chống Mỹ, nơi đây là địa điểm giấu quân của đơn vị pháo phòng không địa phương bảo vệ trục đường giao thông vận tải tiếp tế cho tuyến lửa QL45. Cũng nơi đây, những binh đoàn nối nhau ra tiền tuyến, từ Bắc vào Nam qua đường mòn Hồ Chí Minh và dừng ở đây nghỉ lại.

Cụ Kế (90 tuổi), người có số tuổi cao nhất nhì trong làng kể: “Khi tôi lớn lên đã thấy những cây này sừng sững đứng đó rồi, tán cây và thân cây nó cũng to và rộng y như bây giờ. Thời bố mẹ tôi kể lại cũng bảo sinh ra là đã thấy các cây này rồi. Điều lạ lùng là chiến tranh, bom đạn ác liệt như vậy nhưng không bao giờ rơi đúng vào khu vực những cây này vì thế mỗi khi có bom đạn là nhân dân chúng tôi lại chạy đến đó và rất yên tâm khi ẩn nấp dưới các gốc cây này, coi đó như là một sự che chở dành cho dân làng vậy. Rồi sau này không còn bom đạn nữa thì bão gió bao lần vẫn không hề thấy một cành cây nào rơi đụng mái đền”.

Và cũng một điều lạ lùng mà chính người dân làng Đốn Sơn không ai lý giải được vì sao lại có đến một quần thể 7 cây có độ tuổi cao và trường tồn đến như vậy tọa lạc trên đền Trần Khát Chân.

Ông Hoàng Văn Chung, cán bộ văn hóa xã Vĩnh Thành cho biết: “7 cây cổ thụ tại đền thờ Trần Khát Chân là báu vật của nhân dân làng Đốn Sơn nói riêng và nhân dân xã Vĩnh Thành nói chung. Các cây có niên đại trên dưới 600 năm, rất có giá trị về lịch sử văn hoá, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên môi trường.Với ý nghĩa đó, 7 cây cổ thụ ở khu di tích đền Trần Khát Chân đã được VACNE cấp Bằng công nhận là Cây di sản Việt Nam vào 2/6 vừa qua. Đó là niềm vui và niềm tự hào của toàn thể Đảng bộ và nhân dân trong xã”.
 
Những hình ảnh về 7 cây di sản tại đền thờ Trần Khát Chân:

Thân cây trôi cao 37m, rộng bằng nhiều người ôm không xuể
Thân cây trôi cao 37m, rộng bằng nhiều người ôm không xuể

Cây trôi (bên phải) cùng cây trám đen đứng sừng sững bên cạnh nhau
Cây trôi (bên phải) cùng cây trám đen đứng sừng sững bên cạnh nhau
 
Trải qua hàng trăm năm, thân, cành và tán của cây trâm vối vẫn giữ được sức sống mãnh liệt
Trải qua hàng trăm năm, thân, cành và tán của cây trâm vối vẫn giữ được sức sống mãnh liệt

 
Tán của cây báng cũng um tùm
Tán của cây báng cũng um tùm
 
Cây thanh thất tọa lạc phía ngoài cổng đền.
Cây thanh thất tọa lạc phía ngoài cổng đền.
 

Nguyễn Thùy

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm