1. Dòng sự kiện:
  2. Thảm họa lũ quét Làng Nủ
  3. Mưa lũ lớn ở miền Bắc

Chuyện về 2 cha con phi công đều hi sinh khi đang bay huấn luyện

(Dân trí) - Câu chuyện về 2 cha con phi công đều hi sinh khi đang bay huấn luyện cho các học viên khiến nhiều người xót xa. Người con là một trong 3 phi công trên chiếc máy bay trực thăng vừa rơi ở tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Cha của anh cách đây 11 năm, cũng hi sinh trong một chuyến bay huấn luyện...


Xóm bộ đội (phường Lộc Thọ, TP Nha Trang) nơi gia đình phi công Dương Lê Minh sinh sống trước đây trở nên buồn bã khi hay tin anh hi sinh (Ảnh: Viết Hảo)

"Xóm bộ đội" (phường Lộc Thọ, TP Nha Trang) nơi gia đình phi công Dương Lê Minh sinh sống trước đây trở nên buồn bã khi hay tin anh hi sinh (Ảnh: Viết Hảo)

Chiều 19/10, không khí trong một con hẻm ở trên đường Trần Phú (phường Lộc Thọ, TP Nha Trang, Khánh Hòa), nơi được gọi là “xóm bộ đội” Trường Sĩ quan Không quân trở nên trầm lắng, buồn bã. Bàng hoàng, xót xa là tâm trạng chung của nhiều người khi thông tin về Đại úy Dương Lê Minh - phi công huấn luyện bay trên chiếc trực thăng EC-130T2 bị rơi ở núi Bao Quan (huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) được xác nhận đã tử nạn cùng 2 phi công học viên.

Theo người dân địa phương, gia đình phi công Dương Lê Minh trước đây sống ở khu 100 trên đường Trần Phú (phường Lộc Thọ, TP Nha Trang) và kinh doanh một khách sạn nhỏ. Cách đây khoảng nửa năm, mẹ anh Minh đã bán nhà chuyển đi nơi khác sinh sống. Phi công Minh là người anh trong gia đình có 2 anh em, em gái anh đã tốt nghiệp Trường Đại học Quốc tế tại TPHCM.

Kể về phi công Dương Lê Minh, bà H., một người hàng xóm thân thiết ở trong khu dân phố, xót xa: “Nó hiền lắm, tội lắm!”. Trong ký ức của bà H., tuổi ấu thơ của phi công Minh là đứa trẻ ít ra khỏi nhà, thích ăn mì tôm thay vì cơm. “Sau khi tốt nghiệp ra trường đi làm thì mỗi Tết nó về và hay qua hàng xóm chơi. Gặp nó, tôi cứ trêu hoài: “Thằng này mới ngày nào cứ ăn mì tôm suốt ngày mà giờ trông đẹp trai, cao to thế! Nó chỉ cười tủm tỉm”, bà H. kể.

Theo nguồn tin riêng của PV Dân trí, phi công Dương Lê Minh là học viên Khóa 32 của Trường Sĩ quan Không quân (TP Nha Trang, Khánh Hòa). Khi học đến năm thứ 3, phi công Minh chuyển sang học lái cánh quạt ở công ty bay dịch vụ tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.


Phi công Dương Lê Minh gặp nạn khi đang bay huấn luyện trên chiếc trực thăng EC130.

Phi công Dương Lê Minh gặp nạn khi đang bay huấn luyện trên chiếc trực thăng EC130.

Phi công Dương Lê Minh tốt nghiệp ra trường năm 2007. Trường sĩ quan không quân Nha Trang cho biết, năm 2007, phi công Minh được Quân chủng phòng không không quân phong quân hàm Trung úy sau khi tốt nghiệp loại giỏi. Đây là ghi nhận sự nỗ lực không ngừng của phi công Minh trong quá trình học tập, rèn luyện.

Ở Bà Rịa - Vũng Tàu, phi công Minh bay trực thăng dịch vụ như chở công nhân, máy móc, vật tư, phương tiện… từ đất liền ra giàn khoan và ngược lại. Vào sáng ngày 18/10, khi phi công Minh bay huấn luyện cho 2 phi công học viên thì bất ngờ mất liên lạc. Thông tin nhanh chóng “ập” về Nha Trang, nơi ngôi trường anh từng theo học.

“Nghe tin máy bay mất tích, mọi người bàng hoàng, cả xóm này xôn xao…”, một người dân kể. Ai nấy đều cầu mong sự bình an sẽ đến với những phi công trẻ. Khi thông tin về 3 phi công trên chiếc trực thăng đều tử nạn, nhiều người dân sống ở gần Trường Sĩ quan Không quân Nha Trang sững sờ, nuối tiếc.

“Tội nó quá, nó như con mình. Nó hi sinh khi còn quá trẻ. Đâu phải ngày một ngày hai mà thành một phi công, 6-7 năm trời học, luyện ròng rã”, một người hàng xóm nghẹn ngào.

Trong giây phút đau xót trước sự hi sinh của phi công Dương Lê Minh, nhiều người đã kể lại câu chuyện về cha anh, một phi công dày dạn kinh nghiệm, hi sinh vào đúng 11 năm trước. Vào ngày 29/4/2005, Thượng tá, phi công Dương Văn Thanh, nguyên Phó Trung đoàn trưởng Trung đoàn 910 bay huấn luyện cùng một học viên phi công trên máy bay L-39. Đây là chuyến cuối của Thượng tá Thanh trong đợt bay huấn luyện này trước khi nghỉ lễ 30/4.

Tuy nhiên, khi máy bay đang trên bầu trời Nha Trang thì bất ngờ gặp sự cố, mất độ cao. Thượng tá, phi công Dương Văn Thanh đã từ chối lệnh nhảy dù của Sở chỉ huy bay để lái máy bay tránh đảo Hòn Tre trên Vịnh Nha Trang, nơi đang có rất đông du khách vui chơi, giải trí.

“Anh lệnh cho học viên phi công nhảy dù ra trước rồi anh sẽ nhảy ra sau. Nhưng sau đó, máy bay mất độ cao nhanh, chuẩn bị rơi xuống đảo Hòn Tre nên anh cố lái máy bay tránh khỏi đảo”, một người bạn của Thượng tá, phi công Dương Văn Thanh kể lại với PV Dân trí.

Người thân òa óc khi thi thể các phi công đưa xuống núi ở Bà Rịa - Vũng Tàu, trưa 19/10 (Ảnh: Trung Kiên)
Người thân òa óc khi thi thể các phi công đưa xuống núi ở Bà Rịa - Vũng Tàu, trưa 19/10 (Ảnh: Trung Kiên)

Chiếc máy bay L-39 được tìm thấy dưới biển Vịnh Nha Trang; thi thể Thượng tá, phi công Dương Văn Thanh vẫn trong tư thế ngồi trong buồng lái như đang bay. 2 năm sau, liệt sĩ Dương Văn Thanh được phong Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân.

Bố là phi công “có hạng” lại bất ngờ hi sinh khi bay huấn luyện, ít nhiều đã tác động tới tâm lý Dương Lê Minh, lúc này anh đang là học viên phi công những năm đầu của Trường Sĩ quan Không quân Nha Trang. Tuy nhiên, không vì thế mà Dương Lê Minh từ bỏ đam mê của mình. Bản lĩnh, tấm gương từ người cha quá cố đã giúp anh tốt nghiệp loại giỏi. Những năm sau đó, phi công Dương Lê Minh còn được đi nước ngoài học chuyên sâu về máy bay trực thăng.

Mẹ phi công, Đại úy Dương Lê Minh, bà Lê Thị Minh Thủy (53 tuổi), vài giờ sau khi hay tin con trai gặp nạn đã vào tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Một cán bộ tại Bệnh xá Công an tỉnh Khánh Hòa, cho biết, bà Thủy là y tá, nghỉ hưu 4 tháng nay, đang chờ quyết định chính thức.

Vào lúc 7h40 ngày 18/10, một máy bay trực thăng của Trung tâm Huấn luyện (Bà Rịa - Vũng Tàu) Tổng Công ty trực thăng Việt Nam, số hiệu 8632 EC-130T2 thực hiện bay huấn luyện từ sân bay Vũng Tàu. Đến 8h03 máy bay bị mất liên lạc tại khu vực Tây Bắc núi Dinh, cách sân bay Vũng Tàu khoảng 25 km. Trên máy bay có 1 phi công và 2 học viên phi công.

Viết Hảo