1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Chuyện về 14 ngôi mộ lính phi công Triều Tiên ở Bắc Giang

(Dân trí) - 14 ngôi mộ liệt sĩ từng được quy tập trang trọng tại Khu tưởng niệm toạ lạc trên đồi Hoàng (xã Tân Dĩnh, Lạng Giang, Bắc Giang). Đây chính là Khu tưởng niệm những người lính phi công Triều Tiên đã anh dũng hy sinh bảo vệ bầu trời miền Bắc Việt Nam.

Những phi công Triều Tiên bảo vệ vùng trời Việt Nam

"Năm 1965, trong một trận không chiến khi đánh chặn cuộc oanh tạc của máy bay Mỹ ở vùng sân bay Kép (Bắc Giang), người lính Triều Tiên 19 tuổi đã anh dũng hy sinh. Hơn 2 năm sau, thêm 13 phi công Triều Tiên cũng anh dũng hy sinh bảo vệ vùng trời miền Bắc Việt Nam", Thiếu tướng Phan Khắc Hy, nguyên Chính ủy Bộ Tư lệnh Phòng Không Không quân nhớ lại.

Chuyện về 14 ngôi mộ lính phi công Triều Tiên ở Bắc Giang - 1

Theo Tướng Hy, máy bay tiêm kích MiG 17 được các phi công Triều Tiên sử dụng khi chiến đấu ở Việt Nam.

 

Tướng Hy kể rằng, những năm đầu thập niên 1960 của thế kỉ trước, để giúp Việt Nam chiến đấu bảo vệ vùng trời miền Bắc, Liên Xô đã viện trợ cho không quân Việt Nam nhiều loại máy bay hiện đại thời đó. Không quân Việt Nam nhanh chóng tiếp nhận, làm chủ các chiến đấu cơ này và bắn hạ nhiều máy bay của không lực Hoa Kỳ trên bầu trời miền Bắc.

Những thông tin về phi công Việt Nam bắn hạ nhiều máy bay Mỹ lan khắp thế giới. Ngưỡng mộ thành tích oanh liệt của không quân Việt Nam, Triều Tiên đã quyết định cử gần 100 phi công trẻ và sĩ quan sang Việt Nam học hỏi kỹ thuật sử dụng máy bay. Những đợt cử quân sang Việt Nam của Triều Tiên được chia làm hai đợt.

Tướng Hy kể: “Kết thúc khoá học, những phi công Triều Tiên đề nghị phía Việt Nam cho cho thực hành ra trận chiến đấu như không quân Việt Nam. Các phi công Triều Tiên tham gia chiến đấu chủ yếu trên vùng trời ven Hà Nội như Vĩnh Phúc, Hải Dương và Hưng Yên”. 

Tháng 9/1965, khi đánh chặn cuộc oanh tạc của máy bay Mỹ ở vùng sân bay Kép (Bắc Giang), một người lính Triều Tiên 19 tuổi đã anh dũng hy sinh. Trong những trận không chiến ác liệt năm 1967 - 1968, thêm 13 phi công Triều Tiên, trong đó có hai sĩ quan chỉ huy, hy sinh.

Theo Tướng Phan Khắc Hy, những phi công Triều Tiên đã có màn "trả bài" xuất sắc khi bắn hạ 26 máy bay Mỹ trong tổng số 222 máy bay Mỹ bị bắn hạ tại đợt sơ kết đợt đầu chiến đấu năm 1966 – 1969.

Chuyện về 14 ngôi mộ lính phi công Triều Tiên ở Bắc Giang - 2

Ông Dương Văn Dậu, người trông coi Khu tưởng niệm những phi công Triều Tiên anh dũng hy sinh tại Việt Nam đã gần 20 năm nay.

 

Tướng Hy kể, lúc đó do điều kiện chiến tranh, quân đội Triều Tiên đã đề nghị chôn cất các sĩ quan, chiến sĩ hy sinh tại Việt Nam. Đại sứ quán Triều Tiên tại Việt Nam sau khi tìm hiểu đã chọn mảnh đất ở xã Tân Dĩnh, huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang làm nơi an táng các liệt sĩ. 

14 ngôi mộ nhìn về cố hương

Những ngày đầu năm 2019, chúng tôi đến xã Tân Dĩnh, huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang. Khu tưởng niệm những phi công Triều Tiên rộng chừng 300 m2 được toạ lạc trang trọng trên đỉnh đồi rừng Hoàng. Điều đặc biệt, khu tưởng niệm này có cổng và những ngôi mộ người lính Triều Tiên đều quay hướng Đông (hướng về phía đất nước Triều Tiên).

Chuyện về 14 ngôi mộ lính phi công Triều Tiên ở Bắc Giang - 3

Ngày Tết cổ truyền, ông Dậu đến Khu tưởng niệm dâng hoa và thắp nén hương mời những người lính phi công về ăn Tết và đoàn tụ với gia đình.

 

Ông Dương Văn Dậu, năm nay ngoài 70 tuổi là một người dân trong xã đã tình nguyện trông nom khu tưởng niệm này gần 20 năm qua.

Ông Dậu kể, khu tưởng niệm này từng là nơi chôn cất 14 phi công Triều Tiên hy sinh tại Việt Nam hơn 50 năm trước. Đến năm 2002, Triều Tiên tổ chức cất bốc các hài cốt các liệt sĩ về nước. Sau đó tỉnh Bắc Giang đầu tư, tôn tạo nơi đây thành khu tưởng niệm các liệt sĩ quân đội Triều Tiên, các ngôi mộ chỉ còn là mộ gió tượng trưng.

Gần 20 năm trông coi phần mộ các quân nhân Triều Tiên trước đây và khu tưởng niệm ngày nay, ông Dương Văn Dậu cho biết, giai đoạn trước năm 2002 mỗi dịp lễ, Tết, Đại sứ quán Triều Tiên thường về đây hương khói. Sau đó các đoàn thể đến thăm viếng thưa hơn, còn ông Dậu vẫn đều đặn tháng đôi lần lui tới nơi này quét dọn.

Khi ông đã cao tuổi, sức khoẻ không được tốt, vợ ông lại thay ông ra dọn dẹp khu tưởng niệm.

Chuyện về 14 ngôi mộ lính phi công Triều Tiên ở Bắc Giang - 4

Hàng tháng đều đặn ông Dậu lại đến Khu tưởng niệm làm công tác dọn dẹp và đặt những bông cúc vàng tưởng nhớ đến những phi công đất nước bạn.

 

Đứng trước tấm bia đá khắc nội dung "Nơi đã từng yên nghỉ của 14 cán bộ, chiến sĩ quân đội nhân dân Triều Tiên", ông Dậu thắp nén tâm nhang và chắp tay đứng cúi đầu. Phía sau tấm bia là hai hàng với 14 mô hình ngôi mộ, trên mỗi ngôi mộ có khắc một số thông tin tên tuổi, năm sinh, năm mất của các quân nhân Triều Tiên.

Theo thông tin ghi trên bia mộ, trong số 14 người lính Triều Tiên từng được an táng tại khu tưởng niệm có 12 người là chiến sĩ, 2 sĩ quan. Người lớn tuổi nhất khi đó gần 40, chiến sĩ trẻ nhất mới 19 tuổi.

Ngoài việc hàng tháng chăm nom, quét dọn khu tưởng niệm, cũng giống như phong tục Tết cổ truyền Việt Nam, ông Dậu lại ra khu tưởng niệm đặt những bông cúc vàng và sửa sang những ngôi mộ cho tươm tất để những chiến sĩ phi công này cũng được về đón Tết, đoàn tụ cùng gia đình.

Tuấn Hợp

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm