Hà Nội:
Chuyển trả dân 5,3 tỷ đồng tiền bán một nhánh của “cây sưa trăm tỷ”
(Dân trí) - UBND huyện Chương Mỹ (Hà Nội) đã tổ chức hội nghị liên quan đến việc khai thác, sử dụng “cây sưa trăm tỷ” nằm trong khuôn viên chùa Vĩnh Phúc (thôn Phụ Chính, xã Hòa Chính) và đi đến thống nhất sẽ chuyển trả nốt số tiền 5,3 tỷ đồng từ việc bán 1 nhánh cây trước đây cho người dân quản lý.
Trao đổi với PV Dân trí ngày 16/10, ông Nguyễn Văn Chính - Chủ tịch UBND xã Hòa Chính, huyện Chương Mỹ (Hà Nội) cho biết, ngày 10/10 vừa qua, một cuộc họp được tổ chức dưới sự chủ trì của ông Đinh Mạnh Hùng - Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ bàn về việc những vướng mắc còn tồn đọng chưa xử lý được liên quan đến việc đấu giá số gỗ sưa được 31,5 tỷ đồng năm 2015.
Hội nghị này có sự tham gia của Chủ tịch xã Hoà Chính, Trưởng thôn Phụ Chính, Hội trưởng Hội Người cao tuổi thôn Phụ Chính,… đã thống nhất sẽ chuyển trả nốt số tiền 5,3 tỷ đồng (số tiền giai đoạn 2 dự án trùng tu, tôn tạo chùa Vĩnh Phúc - thôn Phụ Chính) cho cộng đồng dân cư quản lý.
“Vướng mắc trước đây về số tiền 5,3 tỷ đồng thuộc quyền lợi của cộng đồng dân cư thôn Phụ Chính, xã đứng ra đầu tư, kiến thiết cơ sở hạ tầng phúc lợi cho thôn nhưng không nhận được sự đồng tình của nhân dân với lý do sẽ phát sinh các chi phí quản lý gián tiếp” - ông Chính trình bày.
Bên cạnh đó, Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) từng có văn bản xác nhận cây gỗ sưa này là cây trồng phân tán do người dân thôn Phụ Chính quản lý, chăm sóc, bảo vệ. Chính vì thế, việc khai thác sử dụng cây sưa do dân làng tự quyết định.
Lý giải về việc tiền bán gỗ từ “cây sưa trăm tỷ” lại chuyển vào ngân sách xã, ông Chính cho rằng, năm 2010 người dân thôn Phụ Chính đã khai thác 1 nhánh của “cây sưa trăm tỷ” bán cho một người dân ở tỉnh Bắc Ninh với giá 20 tỷ 550 triệu đồng. Số tiền này các cụ đại diện trong thôn đang giữ và được gửi trong ngân hàng. Hiện nay, cả gốc và lãi lên tới hơn 34 tỷ đồng.
Tuy nhiên, khi người mua vận chuyển gỗ sưa ra khỏi địa bàn xã Hòa Chính liền bị Công an huyện Chương Mỹ thu giữ. Dù số gỗ này đã được đóng dấu búa của Chi cục Kiểm lâm.
“Đến năm 2015, số gỗ này được huyện bán đấu giá, trừ các chi phí liên quan thu về số tiền trên 31 tỷ đồng. Sau đó, huyện chuyển toàn bộ số tiền này vào ngân sách để đầu tư cho các công trình phúc lợi của riêng thôn Phụ Chính. Tới năm 2017, số tiền hơn 31 tỷ kia được đầu tư vào xây dựng chùa thôn Phụ Chính, giai đoạn 1 duyệt chi 25,671 tỷ đồng. Hiện vẫn còn khoảng 5,3 tỷ trong ngân sách xã” - ông Chính cho hay.
Cũng theo ông Chính, dù trước đây Chi cục Kiểm lâm Hà Nội đã có nhiều văn bản gửi hướng dẫn nhưng chính trong cộng đồng dân cư thôn Phụ Chính chưa có “tiếng nói chung”.
“Bây giờ, chẳng còn gì không thống nhất cả. Trước kia, vướng mắc vấn đề là tiền, nếu bán tiếp cây sưa đó thì để vào đâu, đưa vào ngân sách hay để cộng đồng quản lý thì sau cuộc họp ngày 10/10 vừa rồi đã có sự rõ ràng” - ông Chính cho hay.
Như Dân trí đã phản ánh, nằm trong khuôn viên ngôi chùa ở thôn Phụ Chính có cây sưa đỏ tuổi đời trên 130 năm. Theo người dân, ở thời điểm gỗ sưa đắt đỏ, cây này được trả giá trên 100 tỷ đồng. Năm 2015, vụ bán đấu giá một phần cây sưa này từng gây xôn xao khi giá trị giao dịch lên tới hơn 31 tỷ đồng.
Trước hiện tượng cây bị mối mọt, người dân nhiều lần đề nghị được bán cây sưa. Tháng 10/2018, Hà Nội có văn bản yêu cầu các ban, ngành hướng dẫn người dân khai thác cây sưa theo đúng trình tự pháp luật.
Nguyễn Trường