1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Chuyện tình người lính Trường Sa: Mỗi ngày 5 phút vợi nhớ thương!

(Dân trí) - Mỗi lần anh điện về chỉ 5-10 phút, nhưng cũng chỉ cần chừng đó thôi để khỏa lấp nỗi nhớ thương dằng dặc giữa bờ và đảo. Chị nói chuyện với anh rồi kể cho các con nghe về đảo xa, về vùng biển thiêng thiêng của Tổ quốc - nơi anh đang công tác...

Trời vừa nhập nhoạng tối, từ trước ngõ, chị Phạm Thị Thoa (phường Cam Nghĩa, TP Cam Ranh, Khánh Hòa) đang dắt díu, bồng bế, dỗ dành đủ cách để mớm cơm cho hai con nhỏ. Một người hàng xóm nói như giải thích: “Đây mới là hoàn cảnh thực sự này! Một mẹ, một nách hai con đấy! Nhà thì đi thuê, chồng ở đảo triền miên. Ông nội, ông ngoại phải lặn lội từ miền Bắc vào để vào chăm cháu…”.

Vợ lính đảo Trường Sa được an ủi với niềm tự hào về chồng
Chị Phạm Thị Thoa - vợ của bác sĩ quân y Bùi Công Hưng đang công tác tại đảo Thuyền Chài, huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa.

Chồng chị Thoa là bác sĩ quân y Bùi Công Hưng hiện đang công tác tại đảo Thuyền Chài, huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa. Chuyện tình của anh chị bắt đầu năm 2009, chị khi đó là giáo viên Anh văn của một trường tiểu học ở quê nhà Quỳnh Phụ, Thái Bình còn anh đang học tập tại Học viện Quân Y Hà Nội.

Hai người ở cùng huyện nhưng khác xã, trong khi trường học nơi chị giảng dạy cách nhà anh không xa. Họ quen nhau từ sự “mai mối”của một người cháu cũng là đồng nghiệp của chị. Anh học ở Hà Nội nhưng cuối tuần hoặc ngày lễ lại bắt xe về Thái Bình thăm nhà và thăm người yêu. Tình yêu giữa một bác sĩ quân y với một cô giáo trẻ cứ thế lớn dần và họ làm đám cưới một năm sau đó. Tháng 9/2011, anh kết thúc khóa học, vào Cam Ranh nhận công tác tại Đội điều trị 486 Vùng 4 Hải quân. Lấy chồng thì theo chồng, chỉ hai tháng sau, chị cũng chuyển vào Cam Ranh xin đi dạy ở một trường tiểu học tại huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa.

Chị vào “miền đất hứa” với bụng bầu 5 tháng cháu thứ hai, lại dạy hợp đồng với mức lương ít ỏi, nhà cửa phải đi thuê, trong cảnh vắng chồng, sinh hoạt của ba mẹ con thiếu trước hụt sau. Nói về công việc của chồng, chị tâm sự: “Anh ấy đi đảo công tác từ tháng 12 năm ngoái, phải đi đủ 1 "tăng" (khoảng 1 năm hoặc 18 tháng) mới được về phép. Hồi chưa lấy em có lẽ anh ấy đã đi nhiều "tăng" rồi và đây là "tăng" đi đảo sau khi lấy vợ”.

Như bao nhiêu phụ nữ khác có chồng công tác nơi biển đảo của Tổ quốc, nhất là từ khi Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, bao đêm chị nằm lo lắng, trằn trọc không ngủ. Vắng chồng, chị luôn tự nhủ rằng không bao giờ được phép ốm, không được phép gục ngã trước bất kỳ chuyện gì, để toàn tâm lo cho con nhỏ. Mới năm ngoái, khi các con bị ốm, chị hớt hải gọi điện cho anh để hỏi cách chăm sóc (vì anh là bác sĩ) rồi lại chạy đôn chạy đáo đưa con đi bệnh viện. Nghe tin cháu ốm, ông ngoại từ miền Bắc hối hả bắt xe vào thăm rồi chép hết những số điện thoại taxi ra cột nhà để tiện liên lạc nếu chẳng may các cháu phải đi viện.

Vắng chồng, chị luôn tự nhủ rằng không bao giờ được phép ốm để lo cho con nhỏ.
Vắng chồng, chị luôn tự nhủ rằng không bao giờ được phép... ốm!

Những khi trống trải, chị lại tìm niềm an ủi và xen lẫn tự hào, khâm phục về anh mỗi khi đến lớp. “Ở trường em có góc biển đảo về Hoàng Sa, Trường Sa trong mỗi phòng học nên mỗi lần đang dạy mà bất chợt nhìn qua đó thì em cảm thấy rất tự hào vì có chồng là lính biển. Công việc của anh ấy trên đầu sóng ngọn gió, hiểm huy rình rập nên ngày nào mà không có điện thoại về thì em rất lo lắng”, chị tâm sự.

Chị kể, những lần anh điện về chỉ kéo dài 5 đến 10 phút, nhưng cũng chỉ cần chừng đó thôi để khỏa lấp nỗi nhớ thương dằng dặc giữa bờ và đảo. Chị nói chuyện với anh rồi kể cho các con nghe về đảo xa, về vùng biển thiêng thiêng của Tổ quốc - nơi anh đang công tác là một hòn đảo chìm, xung quanh mênh mông sóng nước và rất ít cây cối. Các con chị, những phút ngắn ngủi nói chuyện với cha làm căn nhà rộn ràng hẳn lên. Cuộc điện thoại kết thúc cũng là lúc căn nhà trở về với cảnh im lìm, trống trải.

Thương con gái và hai cháu hay đau ốm lại còn nhỏ, từ hôm Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan đến nay, ông nội cùng ông ngoại hai cháu lặn lội từ Thái Bình vào chăm nom.

Khi đến nhà chị, chúng tôi chứng kiến cảnh hai người ông luống tuổi ngày ăn cùng mâm, đêm ngủ cùng giường, tâm sự với nhau như bạn tri kỷ. Đó là ông Phạm Văn Thùy (56 tuổi, ông ngoại) và ông Bùi Công Đức (58 tuổi, ông nội) của hai cháu Hải Anh và Khánh Bình.

Trong ngôi nhà cấp 4 mái lợp tôn được thuê mỗi tháng 700 nghìn đồng ấy, ông Thùy (bố đẻ chị Thoa), tâm sự, đây là lần thứ ba ông vào Cam Ranh thăm cháu. Vào thăm con, thăm cháu rồi thấy cảnh nhà cửa thuê mướn tồi tàn, mưa gió thì dột, nắng thì nóng hầm hập trong khi cháu lại còn nhỏ, bao lần ông Thùy đã không cầm được nước mắt.

“Thấy con vất vả quá nên tôi không yên tâm, mấy năm nay, năm nào tôi cũng vào thăm các cháu. Chỉ mong cháu mạnh khỏe và lớn nhanh… chứ tôi thấy nhà cửa nóng như nung, các cháu không lớn được. Các bác, các chú ngoài đó cũng gửi lời động viên cháu cố gắng yên tâm công tác, phục vụ đất nước, phục vụ Tổ quốc một cách tốt nhất”, ông Thùy tâm sự.

Viết Hảo