1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Chuyện tình người lính Trường Sa: Tấm ảnh cưới bạc màu chờ anh về...

(Dân trí) - Hôm nay 22/6, tròn 15 năm ngày cưới của anh chị, chị mong một lần được ra Trường Sa thăm, động viên chồng nhưng mong muốn ấy chưa thể thực hiện. Nhìn tấm ảnh cưới đã bạc màu, chị bảo muốn chụp lại ảnh cưới nhưng chắc phải đợi đến dịp kỷ niệm 20 năm...

Mẹ cũng thích món quà bố gửi từ Trường Sa về cho con.
Mẹ cũng thích món quà bố gửi từ Trường Sa về cho con.

Con trai đầu lòng vừa tròn 5 tháng tuổi thì anh Nguyễn Mạnh Cường - Thượng tá, Đảo trưởng Đảo Song Tử Tây (huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa) - hoàn thành chuyến công tác và trở về thăm nhà. Sau lần thăm nhà này, anh tiếp tục đi đảo triền miên vào những năm sau đó. Lần mới đây nhất là anh đi Trường Sa từ tháng 7/2013 đến nay đã gần một năm vẫn chưa về phép.

Vắng chồng quanh năm, gia đình người thân lại ở xa, như bao phụ nữ có chồng là lính hải quân, khi “vượt cạn” chị Nụ cũng chỉ biết nhờ vào sự giúp đỡ của đồng nghiệp, chị em trong khu tập thể. Ngày chị trở dạ sinh cháu Quốc Hải, các chị xúm lại, người gấp quần áo, người chuẩn bị tã lót, người chạy đi xin xe ô tô của đơn vị để đưa chị ra Bệnh viện Đa khoa Khu vực Cam Ranh.

Nhớ lại những tháng ngày ấy, chị Nụ xúc động: “Trong khu tập thể chị em ở đấy ai cũng có chồng là lính đảo nên sống với nhau rất tình cảm. Khi em trở dạ, các chị ấy chạy ngược chạy xuôi, lo lắng, giúp đỡ rất nhiều”.

Năm 2005, cha của Thượng tá Cường ở quê bị bệnh nặng phải nhập viện, một người chú ở miền Bắc điện vào nhắn chị về thăm nội ngay vì có thể không qua khỏi. Chị kể, năm ấy, điện thoại chưa phổ biến, phải rất khó khăn chị mới có thể liên lạc được với nhà chồng qua điện thoại của Ban cơ yếu Lữ đoàn 146 Vùng 4 Hải quân. Nghe tin cha chồng bị bệnh nặng, chồng ở đảo chưa về, chị hoang mang, lo lắng rồi cùng con trai mua vé tàu về Bắc thăm nội. “Khi em cùng con trai ra đến Thái Bình và vào bệnh viện tỉnh chăm ông nội được ít ngày thì ông đỡ hơn và khỏe mạnh trở lại”, chị kể.

Ngồi bên cạnh mẹ, Minh Sơn tỏ ra rất khoái chí với món quà xe tăng của bố.
Ngồi bên cạnh mẹ, Minh Sơn tỏ ra rất khoái chí với món quà xe tăng của bố.

Năm 2007, anh Cường, chị Nụ có thêm niềm vui mới khi sinh thêm cháu trai Minh Sơn. Các con lớn lên rồi đi học, bao nhiêu thứ chị phải lo toan khi chồng tiếp tục vắng nhà. Chị kể, làm vợ lính đảo thường vắng chồng, con vắng cha trong những ngày thường đã cảm thấy buồn, trống trải, nhưng với những ngày tết thì lại càng buồn hơn. Nhớ nhất là cái tết năm ngoái, khi đêm giao thừa chị phải nhận nhiệm vụ trực ở đơn vị, 23 giờ đêm, anh điện về mà chị cứ khóc hoài khi nghĩ về các con cô đơn ở nhà, không bố mẹ bên cạnh.

Mới đây nhất, vào đầu tháng 5, khi Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, như bao nhiêu phụ nữ có chồng làm nhiệm vụ ở Trường Sa, Hoàng Sa, hàng đêm chị lo lắng, cồn cào ruột gan không thể nào chợp mắt.

Vì thế, những cuộc điện thoại liên lạc cũng đều đặn hơn, mỗi ngày ít nhất là một lần anh chị nói chuyện với nhau qua điện thoại để động viên, hỏi han tình hình sức khỏe và việc học tập của các con. “Anh ấy hay điện về từ lúc 10h đến 10h30 hàng đêm, đó là lúc anh rảnh rỗi nhất. Có hôm, chập tối anh ấy điện về đang lúc mấy mẹ con ăn cơm chỉ để nói chuyện với các con”, chị kể.

Hôm nay 22/6, đúng tròn 15 năm ngày cưới của anh chị, chị mong muốn một lần được ra Trường Sa để thăm, động viên chồng, nhưng mong muốn ấy vẫn chưa thể thực hiện được. Chị kể, bình thường mọi năm, cuối tháng 5 hoặc đầu tháng 6 là có chuyến tàu đưa đoàn thân nhân của cán bộ, chiến sỹ ra thăm đảo. Nhân chuyến đi này, chị đã đăng ký và sẵn sàng tâm lý để ra đảo, nhưng sau khi xảy ra sự kiện Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981, chuyến đi đã bị hoãn lại.

Vậy là, ao ước bao nhiêu lâu mà chị ấp ủ đã phải kéo dài thêm, và chạnh lòng hơn là dịp kỷ niệm 15 năm sau ngày cưới của anh chị diễn ra trong lặng lẽ. “Chắc đến ngày đó cũng chỉ điện thọai để hỏi thăm, động viên nhau chứ biết làm sao”, chị chùng giọng.

Nhìn tấm ảnh cưới đã bạc màu, mờ đi ít nhiều, chị bảo: “Em đang chờ dịp này để chụp lại tấm ảnh cưới, nhưng chắc phải đợi đến dịp kỷ niệm 20 năm sau ngày cưới mới có thể làm được”.

Vườn lan anh rất yêu thích chị vẫn chăm bón hàng ngày.
Vườn lan anh rất yêu thích chị vẫn chăm bón hàng ngày.

Đất liền - hải đảo vốn xa xôi, cách trở nên thông tin liên lạc rất khó khăn, những món quà của bố từ Trường Sa vì thế rất hiếm, được các con của chị xem như “báu vật”, nâng niu, trân giữ, ngắm nghía hàng ngày. Hôm chúng tôi đến nhà, chị Nụ kể về món quà anh nhờ người thân mua tặng để biểu dương hai con trai Quốc Hải, Minh Sơn đạt danh hiệu học sinh giỏi.

Ngồi bên cạnh mẹ, Minh Sơn tỏ ra rất khoái chí với món quà xe tăng của bố, cầm xe tăng hớn hở chạy quanh phòng khoe với khách. Hình ảnh đó khiến tôi chợt nhớ bài thơ “Quà của bố!” đầy xúc động của tác giả Phạm Đình Ân: Bố em là bộ đội/ Ở tận vùng đảo xa/ Chưa lần nào về phép/ Mà luôn luôn luôn có quà/ Bố gửi nghìn cái nhớ/ Gửi cả nghìn cái thương/ Bố gửi nghìn lời chúc/ Gửi cả nghìn cái hôn/ Bố cho quà nhiều thế/ Vì biết em rất ngoan/ Vì em luôn giúp bố/ Tay súng thêm vững vàng.

Viết Hảo