1. Dòng sự kiện:
  2. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết
  3. Sắp xếp bộ máy để tinh, gọn, mạnh

Chuyện tình người lính Trường Sa: Khóc suốt đêm vì chuyện đặt tên con!

(Dân trí) - Cưới nhau tròn 4 tháng, anh nhận nhiệm vụ đi Trường Sa và nhắn với chị rằng, nếu ở nhà em sinh con gái thì đặt tên là “Đan Phượng” (quê ngoại huyện Đan Phượng, Hà Tây) còn nếu em sinh con trai thì đặt tên là “Hải” (quê nội Tiền Hải, Thái Bình)…”.

Hoàng hôn dần buông xuống, những mái nhà mới ở Mỹ Ka nằm cách quân cảng Cam Ranh không xa, nơi phần lớn là chỗ cư ngụ của của gia đình chiến sỹ Hải quân vùng 4 cũng vừa lên đèn. Sau một ngày làm việc, những chiến sỹ hải quân trở về nhà trong vòng tay ấm áp của vợ con, bữa cơm cuối ngày chan chứa tình thương yêu và đầy ắp tiếng cười. Nhưng cũng chính tại Mỹ Ka này, không ít gia đình vì chồng, cha đang công tác ở ngoài đảo xa, bữa cơm tối vì thế trở nên trống vắng…

Theo lời giới thiệu của một số người quen, chúng tôi ghé thăm căn nhà của cán bộ Nguyễn Mạnh Cường - Thượng tá, Đảo trưởng Đảo Song Tử Tây, huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa. Thấy có khách đến thăm, hai người con trai “đậm chất hải quân” của anh Cường ríu rít chạy gọi mẹ. Hỏi thăm anh Cường có hay về thăm gia đình không? Chị Nguyễn Thị Nụ - vợ anh Cường, bảo: “Anh ấy đang công tác ở ngoài đảo, cả năm nay có về đâu!”.

Thượng tá Nguyễn Mạnh Cường, Đảo trưởng Đảo Song Tử Tây cùng vợ và 2 con.
Thượng tá Nguyễn Mạnh Cường, Đảo trưởng Đảo Song Tử Tây cùng vợ và 2 con.

Nói xong chị quay sang nhìn 2 con trai với ánh mắt tâm trạng: “Thằng nhỏ này lắm hôm bị mẹ quát chút xíu đã quay ra khóc: “Bố Cường ơi! Bố đâu rồi! Bố Cường nhà mình lâu về thế, nhớ bố Cường ghê luôn!...”.

Năm 1997, chị là y tá tại Đội điều trị 486 Vùng 4 Hải quân, ở nhà chú ruột là Phó Tư lệnh Vùng 4 Hải quân. Anh hay lui tới ghé nhà “thủ trưởng”, gặp chị rồi yêu lúc nào không hay. Quen nhau một thời gian ngắn, anh phải nhận nhiệm vụ đi Trường Sa công tác. Trước ngày đi đảo, anh nhắn với chị rằng: “Em ở nhà đợi anh! Anh đi đảo vào rồi anh mang si, mang chuối… lên bà ngoại anh trồng!”.

Năm ấy chị vừa tròn tuổi 20, trước lời nhắn gửi đầy “chủ ý” của anh, chị vẫn nghĩ rằng “chắc anh ấy chỉ trêu vậy thôi”, vì lâu nay mọi người vẫn hay gọi anh ấy là “Cường liều”. Song, kể từ sau khi anh đi đảo công tác, khi đêm về chị không thôi nhung nhớ, lo lắng cho người con trai ấy. Suốt 2 năm xa cách, họ đã liên lạc với nhau bằng thư từ, điện thoại… và cứ thế tình cảm càng lớn dần lên.

Tình yêu của họ, người ở đất liền, người nơi hải đảo dằng dặc trong nỗi nhớ thương…
Tình yêu của họ, người ở đất liền, người nơi hải đảo dằng dặc trong nỗi nhớ thương…

Năm 1999, anh kết thúc chuyến công tác ở Trường Sa để trở về đất liền thăm gia đình, người yêu và họ đã đi đến quyết định làm đám cưới chỉ hai tháng sau đó. Năm ấy, vợ chồng anh chị là đôi đầu tiên thực hiện chủ trương “nếp sống mới” của Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân là tổ chức tiệc ngọt để tiết kiệm, mời khoảng 300 trăm khách, chủ yếu là đồng nghiệp, cán bộ, chiến sỹ...

Cưới nhau chỉ tròn 4 tháng, trong lúc đang mặn nồng, anh lại nhận nhiệm vụ mới đi đảo và anh lại nhắn với chị rằng, nếu ở nhà em sinh con gái thì đặt tên là “Đan Phượng” (quê ngoại huyện Đan Phượng, Hà Tây cũ), còn nếu em sinh con trai thì đặt tên là “Hải” (tức quê nội Tiền Hải, Thái Bình).

Thời gian chị ở nhà và mang thai cháu trai đầu lòng, anh ở Trường Sa viết vội lá thư gửi về cho chị với nguyện vọng đặt tên lót cho con là “Phong Hải” (nếu sinh con trai) nhưng vì thông tin liên lạc còn cách trở, những chuyến tàu kết nối đất liền - hải đảo còn rất ít ỏi, thưa thớt… nên khi thư của anh về đến nhà thì con trai đã được hơn một tháng tuổi, và chị đã đặt tên con là “Hải” , lấy tên lót là “Quốc” và đã làm xong giấy khai sinh.

Chị Nụ cùng 2 con trai
Chị Nụ cùng 2 con trai

Ngày ấy, khi đọc thư chồng, chị dằn vặt và nằm khóc suốt đêm. Nguyện vọng của chồng, một người lính hải quân, muốn được đặt tên con là “Phong Hải” tưởng như rất đơn giản mà chị không làm được. “Trong bức thư, anh ấy nói “Hải” có nghĩa là biển, “Phong Hải” là “gió biển”. Anh ấy muốn em đặt tên con trai là “Phong Hải” vì anh ấy cả đời ở ngoài biển sương gió mặn mòi… nên đặt tên con như vậy để khi buồn vui anh ấy nhớ đến con. Nhưng khi cháu đã sinh được hơn 1 tháng thì thư anh ấy mới về…”, chị Nụ không ngăn được nước mắt kể.

Trong chuyến tàu ra Trường Sa sau đó, chị mới viết vội lá thư đẫm nước mắt gửi cho chồng để hồi âm. Đọc thư của chị, anh không hề trách chị, anh viết thư hồi âm đong đầy yêu thương, rằng em đừng suy nghĩ gì nhiều, em hãy cố giữ gìn sức khỏe để còn thay anh chăm sóc cho con khi anh vắng nhà.
 
Tình yêu của họ, một bên là đất liền, một bên là hải đảo sóng nước mênh mông, xa cách muôn trùng dằng dặc trong nỗi nhớ thương…

(Còn nữa…)

Viết Hảo

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm