Chuyện tình đẹp nhất trại phong

Ông mắc phải căn bệnh quái ác mà người đời gọi là "hủi". Cứ tưởng rằng sẽ phải sống độc thân cả đời, thậm chí không ít lần ông từng mang ý định tự tử. Nhưng tình yêu kỳ diệu đến từ một người lành lặn đã cứu vớt ông, cho ông một mái ấm.

Họ đã cùng nhau viết lên câu chuyện tình yêu đẹp như mơ ở mảnh đất tưởng chừng như chỉ có nỗi bất hạnh. Đó là câu chuyện của đôi vợ chồng Nguyễn Xuân Ngọc - Hà Thị Hòa mà tôi có dịp gặp gỡ ở Trại phong Phú Bình (xã Kim Tân, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên).

Đi qua những ngày đau...

Sinh đúng cái năm "chết đói" 1945, tuổi thơ của ông Nguyễn Xuân Ngọc (quê An Hải, Hải Phòng) trôi qua trong cảnh nghèo khó.

Nhưng cái nghèo khó ấy không hằn sâu trong tâm trí ông bằng cái ngày ông phát hiện ra mình mắc phải căn bệnh quái ác mà người đời xa lánh: bệnh hủi.

Ông Ngọc bùi ngùi kể lại cho tôi nghe chuỗi ngày đau thương ấy: “Ngày ấy người ta sợ con hủi hơn cả sợ ma. Nhà nào có người bị bệnh hủi là ai cũng tránh xa, thậm chí người ta còn không dám bén mảng đến gần cửa nhà hủi vì sợ lây. Cứ nhìn thấy tôi là người ta chỉ chỉ trỏ trỏ, có đứa trẻ còn lấy đá ném vào người xua đuổi".

Lúc mắc bệnh, ông mới 18 tuổi. Người đời hắt hủi, xa lánh, đến người thân trong gia đình cũng sợ lây, cuối năm 1963 ông Ngọc xin chuyển vào ở trại phong Quỳnh Lập (Quỳnh Lưu, Nghệ An), trại phong đầu tiên ở miền Bắc.

Nơi ông sống hoàn toàn tách biệt với bên ngoài, hoang sơ như bãi tha ma, cây cối, lau lách um tùm. Người ta sợ mảnh đất này vì nhắc đến trại Quỳnh Lập là nghĩ ngay đến những con người ma quái, chân tay không lành lặn, thối rữa và lê lết, rất kinh tởm.
 
Chuyện tình đẹp nhất trại phong - 1
Vợ chồng ông Ngọc - bà Hoà

Đau nỗi đau thể xác vì bị con bệnh "gặm nhấm", ông càng đau đớn hơn khi phải chôn vùi tuổi thanh xuân ở mảnh đất được ví như địa ngục. Những lúc đau đớn, tủi hờn ông đã từng nghĩ đến cái chết để được giải thoát.

Trong kí ức của ông, đó là những ngày kinh khủng nhất cuộc đời.

Đến cuối năm 1964, trại phong bị máy bay Mỹ bắn phá dữ dội, ông tìm đường về Hà Nội. Đi bộ mấy ngày đêm băng qua rừng rậm, suối sâu, ông cũng tìm được đường quốc lộ. Cứ tưởng sẽ yên vị trên chiếc xe bon bon về Hà Nội, ai ngờ xe đến Hà Nam thì người ta phát hiện ông là "con hủi". Bị đuổi xuống xe, ông lại lùi lũi đi bộ từ Hà Nam về Hà Nội.

"Về đến bệnh viện Bạch Mai mới thấy chân tay mình đã tứa máu, một số vết thương lại bắt đầu lở miệng. Lúc đó mới thấy đau. Còn lúc "chạy chết" đi bộ hàng trăm cây số mà vẫn cứ phăng phăng như không". Kể đến đây ông đột ngột dừng lại, đôi mắt trầm tư như hồi tưởng lại quãng đường gian nan ấy.

Giữa năm 1965, bệnh đã đỡ nhưng ông không về quê mà xin chuyển lên trại phong Phú Bình (xã Tân Kim, Phú Bình, Thái Nguyên) tiếp tục điều trị. Có ai ngờ rằng, Phú Bình sẽ là mảnh đất cho ông hạnh phúc và gắn bó với ông suốt cuộc đời.

…vượt qua mặc cảm

Trước khi gặp và kết hôn với bà Hòa, ông Ngọc đã sống ở trại phong Phú Bình được 33 năm. Ông đã khỏi bệnh từ lâu nhưng "về quê không còn đất sống" nên quyết định ở lại.

Với sự nhiệt tình của mình, ông được cán bộ trại cho làm phục vụ ở nhà văn hóa của khu điều trị. Công việc chính của ông là đánh trống, mở loa đài, ti vi cho các buổi sinh hoạt tập thể.

Cứ tưởng rằng ông sẽ phải sống cô đơn đến suốt cuộc đời, nhưng cuộc gặp gỡ "định mệnh" với bà Hòa trong một buổi văn nghệ của khu điều trị đã nhen nhóm trong ông một ngọn lửa hi vọng.

Bà Hòa kém ông 21 tuổi, ông “phải lòng bà” từ cái nhìn đầu tiên nhưng không dám nghĩ đến chuyện tỏ tình.

Bởi lẽ, bà là người lành lặn khỏe mạnh, còn ông lúc đó đã ngoài 50, lại mặc cảm vì từng mang căn bệnh quái ác. Nhưng ai ngờ, bà cũng bị trúng "tiếng sét ái tình" với "anh chàng" lăng xăng chỉnh loa đài trong một lần tình cờ cùng bạn vào khu điều trị xem văn nghệ.

Bà chủ động đến thăm trại phong nhiều hơn, tình cảm của ông bà lớn dần qua những lần gặp gỡ "nửa công khai, nửa vụng trộm" như thế.

"Lần đầu tiên nhận được sự quan tâm của một cô gái tôi thấy hạnh phúc lắm. Tôi cũng thương bà ấy rất nhiều, nhưng lại không dám nghĩ đến cái gì xa hơn. Tôi thì ốm đau bệnh tật, không công ăn việc làm, không nhà không cửa, sao dám làm khổ bà ấy được", ông Ngọc chậm rãi kể.

Hiểu được suy nghĩ của ông Ngọc, bà Hòa vẫn âm thầm chăm sóc, dành nhiều tình cảm cho ông hơn. Bà mạnh dạn thổ lộ tình cảm của mình, mong muốn gắn bó với ông suốt đời.

Lời nói của bà Hoà làm ông cảm động rơi nước mắt. Sau nhiều đêm trăn trở suy nghĩ, ông mạnh dạn ngỏ lời cưới bà trong một buổi tối mùa thu cuối năm 1998.

Năm 1999, bà Hòa theo ông Ngọc "nhập khẩu" vào trại phong. Đám cưới của ông bà tổ chức trong trại phong chỉ có bánh kẹo và vài mâm cơm đạm bạc do mọi người trong làng phong mỗi người góp ít gạo bắc lửa thổi cơm.

Họ sống trong một căn phòng tập thể của khu điều trị vừa chật hẹp vừa dột nát.

Đến bây giờ, ông vẫn còn nhớ rất rõ những ngày bà Hòa ở cữ, ông đau đớn vì không lo cho bà được chu toàn.

Ông kể: "Số tiền trợ cấp cả tháng của tôi đã dùng hết hôm đưa bà ấy đi đẻ. Chạy đôn chạy đáo vay mượn khắp nơi mà chả ai chịu cho vay, họ biết hoàn cảnh gia đình nên sợ không trả nổi. Người ta trong tháng được bồi bổ hết thứ này đến thứ khác, còn bà ấy phần lớn là ăn cơm với canh rau ngót. Thế mà bà ấy không hề trách tôi, còn bảo là đã quyết định lấy tôi thì bà ấy chấp nhận tất cả".

Tình yêu đã cứu vớt cuộc đời tôi!

Hiện gia đình ông đang sống tại ngôi nhà nhỏ nằm trên quả đồi phía sau dãy nhà tập thể của khu điều trị.

Vừa chỉ cho tôi bức ảnh gia đình chụp khi về Hải Phòng mừng thọ một người thân, ông Ngọc vừa tủm tỉm cười. Ánh mắt trìu mến của ông dừng lại ở một cô bé mặc áo đỏ có khuôn mặt bầu bĩnh.

Đó chính là con gái ông, cháu Nguyễn Thị Loan (SN 2001). Năm nay, Loan đã là học sinh lớp 4 của trường Tiểu học Tân Kim. Loan là niềm hạnh phúc lớn lao nhất của ông lúc này.

"Cháu lớn lên khỏe mạnh, lành lặn là có phúc lắm rồi. Thỉnh thoảng vợ chồng tôi cũng cho cháu về thăm quê nội ở Hải Phòng. Bây giờ người ta không còn kỳ thị bệnh phong như trước đây nữa", ông vừa nhìn tấm ảnh vừa nói.

Khuôn mặt ông rạng rỡ kể về con gái cho tôi nghe, lúc này Loan đang đi học, nhưng ngay sau đó ông lại cúi xuống thở dài.

Cuộc sống gia đình ông nhờ cậy hoàn toàn vào mấy sào đất đồi để tăng gia sản xuất, trồng cây ăn quả, thu nhập cũng chả đáng là bao. Mỗi tháng ông nhận được 450.000 đồng tiền trợ cấp, để lo cho con gái ăn học, vợ chồng ông phải chắt bóp từng đồng.

Ông Ngọc trầm giọng: "Hai vợ chồng thì sống thế nào cũng được, chỉ thương cháu Loan, sinh ra đã thua bạn thua bè. Tôi thì đã già yếu chả làm được là bao, chỉ mong trời cho thêm vài năm sức khỏe để nuôi cháu trưởng thành".

Với người bệnh tật như ông Ngọc, kết hôn được ở tuổi ngũ tuần đã là một 'kỳ tích', có một cô con gái khỏe mạnh là điều mà trước đây trong mơ ông cũng không dám tưởng tượng.

Hạnh phúc đến với ông muộn màng, nhưng có lẽ như thế đã là trọn vẹn. Ông nói đùa với tôi rằng, chính tình yêu của bà đã "tái sinh" con người bệnh tật, mặc cảm trong ông.

Trước khi tạm biệt ông Ngọc, tôi gặp được bà Hòa, bà vừa đi làm đồng về. Tôi chỉ kịp hỏi bà "Tại sao ngày ấy bà lại khăng khăng lấy ông Ngọc?", bà chỉ tủm tỉm cười.

Tôi hỏi thêm một câu "Bà có thấy hạnh phúc với cuộc sống hiện tại không?", không chờ tôi giục, bà trả lời ngay rằng "hạnh phúc với tôi lúc này chỉ cần có con và ông ấy là đủ".

Có những hạnh phúc bình dị và giản đơn như thế.

Làng phong Phú Bình bây giờ đã đổi khác nhiều, trong mảnh đất mà người ta lầm tưởng chỉ dành cho những "con hủi", người đời ít ai dám bén mảng tới thì giờ đây chính mảnh đất này đã vun vén hạnh phúc cho biết bao gia đình.

Họ đã vượt qua tất cả sự thành kiến, hắt hủi để đến với nhau. "Tình yêu làm đất lạ hóa quê hương", Phú Bình trở thành mảnh đất lành của ông Ngọc cũng như bao người khác đã trải qua căn bệnh phong quái ác.

TheoLa Hoàn

VietNamnet