1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Thanh Hóa:

Chuyện tình cảm động của người anh hùng lấy thân chèn bánh pháo

(Dân trí) - Không đến được với nhau nhưng suốt cả cuộc đời người phụ nữ ấy vẫn đau đáu một tình yêu dành cho ông, người anh hùng lấy thân mình chèn bánh pháo năm xưa. Giây phút lìa khỏi cõi dương gian, bà đã gọi tên ông - anh hùng Tô Vĩnh Diện.

Trong không khí của những ngày đầu tháng năm lịch sử, chúng tôi tìm về ngôi nhà cấp bốn đơn sơ ở thôn 5 (Nông Trường, huyện Triệu Sơn, Thanh Hóa), nơi cách đây 90 năm về trước, anh hùng Tô Vĩnh Diện cất tiếng khóc chào đời.

Cũng tại nơi này, chúng tôi tình cờ được nghe câu chuyện kể về mối tình buồn đầy cảm động của một người con gái làng với anh hùng Tô Vĩnh Diện. Nếu không nhắc đến có lẽ ít ai biết về một mối tình đầy cảm động của ông với kết thúc không trọn vẹn bởi quan niệm người xưa “cha mẹ đặt đâu con ngồi đó”.

Bà Phạm Thị Cúc, nhân chứng về cuộc tình đầy cảm động của người anh hùng Tô Vĩnh Diện
Bà Phạm Thị Cúc, nhân chứng về cuộc tình đầy cảm động của người anh hùng Tô Vĩnh Diện

Anh hùng Tô Vĩnh Diện sinh ra trong một gia đình đông anh em, ông là con trai thứ 3 trong số 8 anh chị em nên sống lam lũ từ bé. Lên 8 tuổi ông đã phải đi ở đợ, lớn lên thì phải đi làm tá điền cho một địa chủ làng bên để lấy ba đấu lúa mỗi tháng mang về nuôi em. Cái đói, cái nghèo cộng với lam lũ sớm nên khiến ông nhỏ thó, nhưng trắng trẻo và nhanh nhẹn. Khổ cực là vậy nhưng lúc nào ông cũng vui vẻ, hoạt bát.

Thuở ấy, ở làng có cô Tích dáng người hơi thấp nhưng trắng trẻo yêu thầm nhớ trộm ông. Ông cũng cảm mến bà bởi nết chịu thương chịu khó. Những lần ông theo đoàn biểu tình chạy bộ hàng chục km, hay đi xem đoàn văn công biểu diễn, hai người thường trao nhau ánh mắt yêu thương. Chuyện tình cảm của họ cứ thế theo năm tháng mà lớn dần lên, ngày một mãnh liệt và da diết.

Ảnh mô phỏng hành động dũng cảm chèn pháo của anh hùng Tô Vĩnh Diện (Ảnh tư liệu)
Tranh mô phỏng hành động dũng cảm lấy thân chèn pháo của anh hùng Tô Vĩnh Diện (Ảnh tư liệu)

Dù đôi trẻ rất yêu nhau nhưng gia đình bà Tích không đồng ý bởi gia cảnh cả hai bên đều quá nghèo khổ. Gia đình bà Tích có ý gả bà cho một con nhà khá giả để gạt nợ, vì thế họ ra sức ngăn cản hai ông bà. Nếu bắt gặp hai người đi với nhau, hoặc chỉ cần biết bà nhớ nhung ông Diện là bà bị đánh đòn. Nhưng càng bị ngăn cấm, hai người càng yêu nhau thắm thiết.

Cuối cùng bà Tích buộc phải nghe theo lời cha mẹ lấy một người mà cô không có tình cảm để gạt nợ. Thế nhưng cũng nhiều lần bà đã bỏ nhà chồng chạy về làng vì còn thương nhớ người yêu; và lần nào cũng bị bố mẹ đẻ đánh đuổi.

Buồn vì đau khổ bế tắc, bà Tích thường hay khóc tâm sự với hai người bạn hàng xóm của mình là bà Phạm Thị Cúc và bà Trần Thị Hà. Hiện nay, hai bà vẫn còn sống và là nhân chứng cho cuộc tình đầy cảm động của người anh hùng Tô Vĩnh Diện.

Lấy ảnh tặng người yêu làm ảnh thờ

Sau khi bà Tích lấy chồng, ông Diện vô cùng buồn bã, suy sụp đến 3, 4 năm trời. Năm 1950, tại Thanh Hóa nổ ra một vụ bạo loạn, ông bị những người nổi loạn bắt giữ và định xử tử. Ngay sau khi được giải cứu, ông tham gia bộ đội tại Tiểu đoàn 394, Trung đoàn 367, Đại đội 827. Ông được chỉ định trung đội phó Trung đội 2 trực tiếp sử dụng khẩu pháo cao xạ 37 mm.

Ngày ông lên đường, bà Tô Thị Ngoạn (em gái của anh hùng Tô Vĩnh Diện) vẫn còn nhớ như in cái giây phút ấy. Bà trầm buồn kể lại: “Anh tôi lên đường khi bụng còn đói, trước khi đi anh sang nói tôi nấu cơm cho anh ăn nhưng sau đó có lệnh thay đổi giờ đi nên anh phải đi sớm hơn, không kịp ăn gì, anh chỉ bốc vội quả cà muối rồi lên đường. Thương anh mà chảy nước mắt”.

Di ảnh thờ của anh hùng Tô Vĩnh Diện được phác thảo dựa trên bức ảnh tặng người yêu
Di ảnh thờ của anh hùng Tô Vĩnh Diện được phác thảo dựa trên bức ảnh tặng người yêu

“Ngày đó đang trong giai đoạn khốc liệt chiến tranh nên ít thư từ. Mãi đến đầu năm 1955 mới có người trong đơn vị về báo tin anh đã hy sinh trong chiến trường. Họ nói anh mất trong một lần tham gia kéo pháo và anh đã dùng thân mình chèn pháo. Nhận được tin báo cả làng kéo nhau đến nhà, ai cũng khóc thương anh tôi. Lúc lục đồ đạc của anh để tìm ảnh làm lễ truy điệu, nhưng không tìm được tấm hình nào, gia đình mới chợt nhớ ra trước đây anh có yêu một cô gái trong làng và từng “thề non hẹn ước” nên đã sang xin lại tấm hình”.

Năm 1956, anh Hùng Tô Vĩnh Diện đã được công nhận là anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân
Năm 1956, anh Hùng Tô Vĩnh Diện đã được công nhận là anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân

Tấm hình bà Tích giữ sau đó được dùng để phác họa một tấm khác làm ảnh thờ ông. Biết tin ông hy sinh, người phụ nữ ấy cũng khóc ngất vì tiếc thương. Không ai ngờ đằng đẵng hàng chục năm trôi qua, mặc dù đã lấy chồng, có con cháu nhưng tình yêu đầu bà Tích dành cho ông vẫn da diết khôn nguôi.

Điều đặc biệt là cách đây 4 năm, trước khi rời cõi trần thế, bà đã dành hơi thở cuối cùng để gọi tên ông, người mà bà đã yêu trọn cuộc đời kể cả khi ông đã mất đi hơn nửa thế kỷ.

Nguyễn Thùy