1. Dòng sự kiện:
  2. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định
  3. Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV

Chuyện những người đo sóng, báo bão trên đảo Hòn Ngư

(Dân trí) - Vượt qua điều kiện tự nhiên khắc nghiệt và địa hình phức tạp, anh Nguyễn Ngọc Sơn, quan trắc viên trên đảo Hòn Ngư (Nghệ An), hàng ngày 4 lượt leo lên đỉnh núi để ghi chép các số liệu khí tượng.

Để ra được những bản tin dự báo thời tiết, cảnh báo thiên tai kịp thời, chính xác là sự góp sức của hàng nghìn quan trắc viên làm việc không ngừng nghỉ tại hơn 1.500 trạm khí tượng thủy văn trên cả nước. Đây là công việc đòi hỏi sự tỉ mỉ, chính xác và phải có niềm đam mê với nghề thì mới có thể hoàn thành tốt được nhiệm vụ. Công việc này lại càng trở nên khó khăn, vất vả hơn với những quan trắc viên trên những hòn đảo.

Trong chuyến công tác mới đây tại tỉnh Nghệ An, phóng viên Dân trí đã có dịp được trò chuyện với những người đo sóng, báo bão trên đảo Hòn Ngư.

Chuyện những người đo sóng, báo bão trên đảo Hòn Ngư

Hòn Ngư là một đảo cách bờ biển Cửa Lò khoảng 4 km, thuộc xã Nghi Hương, thị xã Cửa Lò tỉnh Nghệ An.

Trạm Khí tượng Hải văn Hòn Ngư nằm trên đảo, chia thành hai điểm - điểm quan trắc nước biển nằm ở dưới chân hòn nhỏ, còn vườn khí tượng được đặt ở trên đỉnh núi.

Chuyện những người đo sóng, báo bão trên đảo Hòn Ngư - 1

Vườn khí tượng được đặt trên đỉnh núi tại đảo Hòn Ngư.

Chuyện những người đo sóng, báo bão trên đảo Hòn Ngư - 2

Điểm quan trắc nước biển nằm ở dưới chân hòn nhỏ ở đảo Hòn Ngư.

Vượt qua điều kiện tự nhiên khắc nghiệt và địa hình phức tạp, anh Nguyễn Ngọc Sơn, quan trắc viên ở Trạm Khí tượng Hải văn trên đảo Hòn Ngư hàng ngày 4 lượt leo lên đỉnh núi để ghi chép các số liệu khí tượng.

Anh Nguyễn Ngọc Sơn, quan trắc viên Trạm Khí tượng hải văn Hòn Ngư - Đài Khí tượng thủy văn (KTTV) Khu vực Bắc Trung Bộ, chia sẻ: "Những ngày gió bão rất nguy hiểm tới tính mạng của quan trắc viên, nhưng chúng tôi luôn nghĩ làm sao số liệu được trôi chảy để phục vụ công tác dự báo".

Chuyện những người đo sóng, báo bão trên đảo Hòn Ngư - 3

Anh Nguyễn Ngọc Sơn, quan trắc viên Trạm Khí tượng hải văn Hòn Ngư.

Trạm Khí tượng Hải văn trên đảo Hòn Ngư chỉ có 3 người. Người ít, công việc lại nhiều nên hầu như họ kiêm nhiệm cả đo hải văn và khí tượng. Khi thì leo núi đo hướng gió, nhiệt độ mặt đất, nhiệt độ không khí, độ ẩm… lúc lại xuống biển quan trắc nước, đo độ mặn, đo sóng và gió.

Chuyện những người đo sóng, báo bão trên đảo Hòn Ngư - 4

Anh Sơn ghi chép số liệu nhiệt độ mặt đất tại "vườn khí tượng" trên đảo Hòn Ngư.

Ông Hoàng Huy, Trạm trưởng Trạm Khí tượng hải văn Hòn Ngư - Đài KTTV Khu vực Bắc Trung Bộ, cho biết: Với bộ môn hải văn thì ngày có 4 lần khai thác số liệu (1h sáng, 7h sáng, 13h trưa, 19h tối). Lúc lấy số liệu thì quan trắc viên phải quan trắc cả nhiệt độ, độ mặn, mực nước biển, gió, lúc có sóng thì đo độ cao sóng,…

Ngày thường đã trực 24/24h với các ốp đo theo quy định, nhưng ngày mưa bão thì các số liệu cập nhật thường xuyên, 30 phút phải chuyển về Đài Bắc Trung Bộ. Không chỉ khó khăn, quan trắc viên còn đối mặt với những giây phút nguy hiểm khi bão tố cận kề, với những con sóng trùm qua cả trạm.

"Bão đổ bộ là sóng úp vào, gió vào nữa nên không thể đi về nhà ở được, đến sáng hôm sau khi mà lặng gió, sóng giảm bớt thì mới về được", ông Hoàng Huy chia sẻ.

Mùa bão nguy hiểm, nhưng còn có mưa, nghĩa là có nước ngọt để dùng. Còn vào những ngày nắng nóng kéo dài, họ phải tiết kiệm từng gáo. Trên đảo cũng chưa có điện nên cuộc sống thiếu thốn vô cùng nhưng bằng tình yêu nghề, quan trắc viên trên đảo đã vượt qua tất cả để hoàn thành nhiệm vụ.

Ông Nguyễn Văn Lượng, Giám đốc Đài KTTV Khu vực Bắc Trung Bộ, mong muốn: "Chúng tôi cũng rất muốn là làm sao để cán bộ khí tượng thủy văn trước hết là yên tâm công tác, cuộc sống người ta đảm bảo. Mà có yên tâm công tác thì người ta mới phát huy năng lực của mình. Chúng tôi mong muốn có kinh phí để đầu tư vào các trạm mà còn đang khó khăn về cơ sở vật chất, điều kiện làm việc, kể cả phương tiện giao thông".

Chuyện những người đo sóng, báo bão trên đảo Hòn Ngư - 5

Ông Nguyễn Văn Lượng, Giám đốc Đài KTTV Khu vực Bắc Trung Bộ.

Những ngày sóng lớn, bão to như những phép thử sức khỏe và ý chí của các quan trắc viên nơi đây. Vất vả, khó khăn là vậy nhưng các anh em quan trắc viên ở trạm chưa bao giờ nghĩ tới chuyển nghề hay làm một công việc khác vì họ tin rằng, những số liệu ghi được từ hòn đảo này là cơ sở để cơ quan đưa ra những bản tin dự báo, cảnh báo kịp thời, giúp người dân phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm