Chuyện lượm lặt về những hành trình gian nan về quê tránh dịch
(Dân trí) - Hành trình hồi hương dài hàng nghìn cây số là những giấc ngủ vội bên đường, những bữa ăn tạm ổ bánh mì lót dạ, những gương mặt bơ phờ mệt mỏi của người lao động tha hương…
Rạng sáng ngày 5/10, những dòng người đi xe máy từ miền Nam về quê tránh dịch tiếp tục hành trình qua địa phận Đà Nẵng. Khi đến đỉnh đèo Hải Vân, họ được các hội, nhóm tình nguyện của Đà Nẵng hỗ trợ, tiếp sức cho chuyến hành trình tiếp theo.
Tại đây, các hội, nhóm tình nguyện của Đà Nẵng đã chuẩn bị bánh mì, sữa, nước để người dân lót dạ. Riêng các em nhỏ thì có cháo. Người dân có nhu cầu đến đâu thì lấy dùng đến đó, không hạn chế.
Những chiếc xe hư hỏng có đội tình nguyện sửa chữa cẩn thận, đổ xăng đầy bình. Những ai mệt quá không thể đi được, sau khi nghỉ ngơi có đội xe chở cả người lẫn xe máy đến địa phận tỉnh Thừa Thiên Huế.
Các nhóm, hội tình nguyện của Đà Nẵng cũng không quên hỗ trợ bà con áo mưa mặc đỡ lạnh và khi gặp trời mưa.
Sau khi dừng chân nghỉ ngơi, ăn lót dạ, có người tiếp tục hành trình luôn nhưng nhiều người phải chợp mắt một lúc mới có thể đi tiếp.
Vừa cho 2 con gái ăn cháo xong, vợ chồng chị Đinh Thị Loan (sinh năm 1993, quê Hà Tĩnh) lại tiếp tục cuộc hành trình về quê nhà.
Gia đình chị Loan và nhóm bạn cùng quê xuất phát từ TPHCM sáng 3/10, ra đến đỉnh đèo Hải Vân là rạng sáng 5/10. Đi 2 ngày 2 đêm nhưng gia đình chị Loan mới ngủ được khoảng 2 tiếng đồng hồ.
"Chúng tôi chạy khoảng vài ba tiếng đồng hồ là dừng chân nghỉ một tý rồi đi tiếp. Có ngủ lại lề đường một buổi tối được 2 tiếng đồng hồ", chị Loan cho hay.
Ở TPHCM, chị Loan làm công nhân công ty giày da, còn chồng chị làm công nhân của công ty đồ gỗ. 3 tháng nay công ty cho nghỉ việc nên cả 2 vợ chồng đều thất nghiệp. Trụ không nổi, vợ chồng chị quyết định chạy xe máy về quê.
"Chúng tôi về cũng chưa biết khi nào sẽ quay lại TPHCM. Giờ chỉ mong cả gia đình sớm được về nhà an toàn là mừng rồi", chị Loan chia sẻ.
Sau khi nghỉ chân khoảng 20 phút, nhóm chị Trương Thị Nga (sinh năm 1979, quê Thái Bình) cũng tiếp tục lên đường.
Bồng trên tay cháu ngoại mới 10 tháng tuổi, chị Nga cho biết, gia đình chị từ Tây Ninh về. Nhóm của chị Nga gần 20 người, trong đó gia đình chị có 6 người gồm 2 vợ chồng chị, 2 vợ chồng con gái đầu và cháu ngoại, con gái út.
Vợ chồng chị Nga vào Tây Ninh sinh sống được 2 năm nay và thuê quán bán cháo. Cách đây mấy tháng, vợ chồng con gái đầu cũng theo bố mẹ vào Tây Ninh mở quán bán cháo.
"Hai vợ chồng con gái mới thuê quán bán cháo được một tháng thì dịch bệnh bùng phát, phải giãn cách xã hội, quán nghỉ từ đó đến nay. Bao nhiêu vốn liếng đầu tư vào quán giờ cũng coi như mất", chị Nga cho hay.
Theo chị Nga, nhóm của chị xuất phát từ Tây Ninh sáng 2/10. Hành trình về quê của gia đình chị Nga quá gian truân vì đường quá xa, xe hư hỏng thường xuyên và có hôm mưa liên tục.
Vì có trẻ nhỏ nên gia đình chị Nga phải mang theo cả bếp cồn để nấu nước pha sữa cho bé.
"Đi đường mẹ cháu không được ăn đầy đủ nên không có sữa, cháu chủ yếu phải uống sữa ngoài. Trên đường đi, bà và mẹ cứ thay phiên nhau bế cháu cứ một người bế thường xuyên thì rất mỏi tay", chị Nga chia sẻ.
Nói đến chặng đường phía trước còn rất dài và rất xa, chị Nga thở dài rồi trèo lên xe của chồng để tiếp tục hành trình.
Anh Trần Đình Khoa, thành viên CLB xe bán tải Đà Nẵng (một trong các nhóm, hội tình nguyện của Đà Nẵng hỗ trợ người dân về quê bằng xe máy) cho biết, mấy ngày qua, có rất nhiều đoàn từ miền Nam về quê tránh dịch đi qua địa phận Đà Nẵng. Riêng ngày 4/10, có khoảng 4.000 người. Người dân về quê trong đợt ngày phần nhiều là ở các tỉnh Tây Bắc, Nghệ An, Hà Tĩnh…
"Chứng kiến hành trình về quê của hàng nghìn người quá gian nan, không biết làm sao để chia sẻ, anh em chúng tôi góp chút sức hỗ trợ vận chuyển cho những trường hợp xe bị hư hỏng, người mệt không thể đi tiếp", anh Khoa nói.