Chuyện kỳ lạ về cậu bé chỉ thích ăn gạo sống
Chuyện về bé Huỳnh Tấn Bảo (6 tuổi) ngụ ấp Tịnh Mỹ, xã Tịnh Thới, thành phố Cao Lãnh, Đồng Tháp hằng ngày chỉ thích ăn gạo sống thay cơm nhưng vẫn phát triển bình thường khiến cho không ít người ngỡ ngàng.
Bé Huỳnh Tấn Bảo là con trai út của vợ chồng anh Huỳnh Thanh Tân (36 tuổi) và chị Nguyễn Phượng Huỳnh (31 tuổi) ở ấp Tịnh Mỹ. Theo gia đình kể lại, Bảo bắt đầu có “hiện tượng lạ” ăn gạo sống thay cơm khi bé được khoảng 1 tuổi. Chị Huỳnh nhớ lại: “Lúc đầu, Bảo đến mở nắp lu gạo, tôi tưởng bé lấy gạo ra nghịch, nên la. Nhưng bé nói muốn ăn gạo, ai dè bé lấy gạo bỏ vào miệng nhai thiệt...”.
Tấn Bảo cùng mẹ và anh, chị
Lúc ăn gạo sống, Tấn Bảo không ăn thịt cá và các loại thực phẩm đã được nấu chín kèm theo. Bé chỉ uống sữa và uống nước để “hỗ trợ” tiêu hóa. Đối với người bình thường thì cơm là loại thức ăn phổ biến hằng ngày, riêng Tấn Bảo gạo sống là loại thực phẩm mà bé không thể bỏ được. Ngồi trò chuyện với chúng tôi, khi được anh trai đem ra cho bọc gạo, Tấn Bảo không chần chừ lấy tay hốt từng nhúm gạo cho vào miệng nhai ngon lành, trước sự ngạc nhiên của khách. Chị Huỳnh cười bảo: “Nó ăn thế quen rồi. Không sao hết, đi tiêu phân vẫn bình thường”.
Theo chị Nguyễn Phượng Huỳnh, Tấn Bảo không ăn ngày 3 bữa chính như mọi người mà chia ra ăn nhiều lần trong ngày khi bé cảm thấy đói. Mỗi lần ăn vài nhúm gạo, trong đó có bữa ăn trước lúc đi ngủ và khi ngủ dậy. Ngoài ăn gạo, Bảo chỉ thích ăn các loại bánh snack, bánh oshi, thích uống sữa và nước mía. Bé rất ít ăn trái cây.
“Gạo của Tấn Bảo ăn phải để riêng. Nếu để chung với gạo của gia đình là bé chê hôi không ăn. Tôi không biết bé ăn mỗi ngày bao nhiêu gạo nhưng cứ vài ngày phải mua 1kg gạo để riêng cho bé ăn. Riêng sữa tươi thì 1 tuần phải mua 1 thùng 48 gói”, chị Huỳnh cho biết.
Chị kể, vợ chồng chị đã có 2 con (1 gái, 1 trai trước đó), vì vậy chị đã đi đặt vòng tránh thai nhưng không ngờ lại có thai và sinh thêm bé Tấn Bảo. Khác với bình thường, bé Tấn Bảo nằm trong bụng mẹ đến hơn 11 tháng mới chịu chào đời. Chị Huỳnh nhớ: “Rằm tháng giêng năm 2007 tôi biết mình có bầu. Khoảng 5-6 tháng sau tôi đi siêu âm thì bác sĩ cho biết là con trai, đến ngày mùng 8/11 âm lịch năm đó mới sinh”.
Lúc 6 tháng tuổi, do ăn thức ăn nấu chín, Tấn Bảo đã phải nằm viện hơn 1 tháng vì bệnh nhiễm trùng đường ruột. “Lúc đó, tôi khuấy bột cho Bảo ăn dặm nhưng ăn vào được một lát là bé bị ói ra hết. Bị như vậy liên tục trong 2 ngày, gia đình đưa Bảo vô bệnh viện, được bác sĩ chẩn đoán là bị nhiễm trùng đường ruột phải nằm viện hơn 1 tháng. Về nhà không dám cho bé ăn nữa mà chỉ cho uống sữa”. Đến lúc được 14 tháng tuổi, gia đình cho ăn cơm, cá đã nấu chín, Tấn Bảo lại tiếp tục bị ói, nóng sốt phải đi nằm viện hơn 1 tuần. Tuy nhiên, từ khi bé ăn gạo cho đến nay rất ít bệnh vặt”.
Vừa qua, Tấn Bảo đã học xong lớp lá tại Trường Mầm non Tịnh Thới và chuẩn bị vào học lớp 1. Khi học tại trường Mầm non, phần dinh dưỡng “đặc biệt” của Bảo là nhúm gạo sống xin từ nhà ngoại (nhà ngoại Tấn Bảo gần trường mầm non). Vì không ăn được thức ăn như các bé khác nên nhà trường không thu tiền phần dinh dưỡng của bé. “Cô giáo dạy Tấn Bảo cho biết bé rất ngoan và thông minh. Tôi rất vui”, chị Huỳnh cho hay.
Theo chị Phượng Huỳnh, đối với vợ chồng chị thì các con chính là niềm vui và càng vui hơn khi 3 đứa con đều chăm ngoan, học giỏi nhưng gia đình chị vẫn còn nhiều nỗi lo. Gia đình không có đất sản xuất, căn nhà đang ở được cất nhờ trên đất của người quen. Anh Tân chồng chị không có nghề nghiệp ổn định, phải làm mướn, còn chị buôn bán nhỏ tại chợ Cao Lãnh, thu nhập của 2 vợ chồng chỉ hơn 100 ngàn đồng/ngày nhưng phải lo cho 3 đứa con nhỏ, trong đó có khoản chi phí khá lớn để mua sữa cho Tấn Bảo (trung bình 1 tuần gần 300 ngàn đồng tiền sữa).
Từ việc Tấn Bảo chỉ thích ăn gạo sống, nhiều người xung quanh xì xầm to nhỏ “có con ăn gạo sống sẽ nghèo mạt kiếp”, những ý kiến trên làm cho anh chị không khỏi ưu tư. Nhưng cũng có nhiều người bảo, bé Tấn Bảo ăn gạo sống, không ăn được thịt, cá là “điềm lành” báo hiệu sự sung túc, giàu có cho gia đình sau này.
Bác sĩ Ngô Thị Kiều Nga - Trưởng Khoa Dinh dưỡng Bệnh viện Đa khoa Đồng Tháp - cho biết: Trên thế giới cũng có người thèm ăn những thứ phi thực phẩm, có rất ít hoặc hoàn toàn không có giá trị dinh dưỡng như đất sét, đinh, cát, phấn, phân gà,... Một nhóm các chuyên gia quốc tế tiến hành nghiên cứu đã xác định được 13 món ăn phi thực phẩm bao gồm cả cát, đất, phân gà, gạo, rễ sắn sống, than củi, muối và tro mà các đối tượng này vẫn ăn như thế và sống sinh hoạt được. Như vậy không riêng trường hợp cháu Bảo chỉ thích ăn gạo sống thay cơm vẫn phát triển bình thường.
Gạo sống là thứ có nhiều tinh bột sống, cơ thể chúng ta không có men (enzym) để tiêu hóa tinh bột sống. Vì vậy, ăn gạo sống như bé Bảo có thể bị rối loạn tiêu hóa. Ăn gạo sống có thể chưa ảnh hưởng đến sức khỏe ngay nhưng gạo sống sẽ khiến khó tiêu, không hấp thụ được chất dinh dưỡng. Nhưng bù lại cháu Bảo uống được sữa rất nhiều có thể cung cấp thành phần dinh dưỡng cho cháu. Chứng bệnh “sợ cơm” này khiến dư luận hết sức xôn xao, thế nhưng cho đến nay, các bác sĩ chuyên khoa vẫn chưa tìm được nguyên nhân và lời giải thuyết phục cho chứng bệnh lỳ lạ này. |
Theo Phú Thuận
Báo Đồng Tháp