1. Dòng sự kiện:
  2. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết
  3. Sắp xếp bộ máy để tinh, gọn, mạnh

Chuyện kể của người đứng đầu đội xe ôm “săn bắt cướp“

Chỉ là một con người bình thường, ngày ngày hành nghề lái “xe ôm”, thế nhưng ông Huỳnh Tấn Nguyên (55 tuổi), ở thị trấn Bến Lức, huyện Bến Lức, tỉnh Long An đã làm được một việc tưởng như phi thường khi tổ chức ra đội săn bắt cướp là khắc tinh của tội phạm đường phố.

Từng tham gia, khám phá hàng trăm vụ án, ông Huỳnh Tuấn Nguyên góp công lớn trong việc đem lại cuộc sống bình yên cho người dân và được mọi người trìu mến đặt cho biệt danh “chiến sỹ săn bắt cướp”.

 

Cái gật đầu thay đổi số mệnh

 

Nếu đã gặp ông Huỳnh Tấn Nguyên giữa đời thường, không ai có thể tin người đàn ông hóm hỉnh, dáng người nhỏ gầy, nước da ngăm đen đang hành nghề “xe ôm” ấy lại là một tấm gương có kỷ lục săn bắt cướp nổi tiếng một vùng.

 

Sau ấn tượng ban đầu ấy, ông Huỳnh Tấn Nguyên cẩn thận lấy quyển sổ ghi chép nhỏ mà ông đã tỉ mẩn ghi lại từng vụ việc bản thân từng tham gia truy bắt tội phạm. Số vụ án mỗi năm có hàng trăm nhưng ông Nguyên đều nhớ vanh vách đặc điểm đối tượng, phương thức gây án và kể cả hành trình bắt phạm của mình.

 

Kể lại chữ duyên với “nghề” săn bắt cướp, ông Nguyên hồi tưởng lại quãng thời gian tuổi trẻ từng là lính biên phòng. Trong những năm tại ngũ, ông đã có duyên khi liên tục bắt được tội phạm cướp giật ở vùng biên. Sau khi xuất ngũ trở về địa phương, ông Nguyên lập gia đình rồi hành nghề “xe ôm” đêm ở ngã ba Long Kim, thị trấn Bến Lức.

 

Những đêm đón khách, ông Nguyên liên tục chứng kiến nhiều con người bất hạnh gặp phải những đối tượng cướp giật. Có những lần khách vừa xuống xe, từ đâu trong bóng tối 2 tên cướp rồ ga phóng vút đến giật túi xách; không những vậy, chúng còn ngang nhiên nói cười khoe chiến tích rồi mới phóng vụt đi bỏ lại tiếng kêu vô vọng của khách lữ hành.

 

Rồi có câu chuyện gia đình nọ đưa con đi cấp cứu, gia sản đều để trong chiếc túi xách, họ chưa kịp bước lên xe thì đã bị tên cướp giật mất trên tay... Mỗi lần như vậy, lực lượng chức năng đến thì đã quá muộn, còn các đối tượng cướp giật thì đã cao chạy xa bay, cũng chẳng ai kịp nhận dạng chúng nên mọi dấu tích điều tra đều đi vào ngõ cụt.
 
Chuyện kể của người đứng đầu đội xe ôm “săn bắt cướp“

Chứng kiến những cảnh tượng ấy, ông Nguyên không khỏi xót xa. Trong năm 2008, đem tâm sự và những trăn trở của mình tới gặp một vị cán bộ công an ở thị trấn, thấy ông Nguyên là người có tâm và thành ý tốt, đồng chí công an đã đưa ra câu hỏi: “Các anh có dám bắt cướp không?”.

 

Nghe đồng chí công an hỏi mà như lời gợi ý, ông Nguyên cảm giác trăn trở bấy lâu đã được giải tỏa nên không ngần ngừ mà gật đầu ngay: “Dám chứ! Nếu có chính quyền và nhân dân ủng hộ chúng tôi sẽ làm được!”.

 

Một quyết tâm được đưa ra bởi một cái gật đầu dứt khoát như vậy, sau đó ông Nguyên đã đem câu chuyện ấy kể với một số bạn nghề cùng chung nỗi bức xúc và nguyện vọng bấy lâu. Thế là vỏn vẹn có 3 người, 1 trung niên, 2 trẻ tuổi đã âm thầm thành lập một đội săn bắt cướp.

 

Trấn áp tội phạm lập những chiến công

 

Những ngày đầu hoạt động, nhóm “xe ôm” săn bắt cướp của ông Huỳnh Tấn Nguyên chỉ tuần tra theo dõi và phát hiện những tên trộm cắp vặt trên các tuyến đường. Do chưa có kinh nghiệm và kỹ năng săn bắt cướp, ông và “đồng nghiệp” chỉ âm thầm theo dõi bọn cướp để truy tìm, thu hồi hoặc báo cho người bị hại tới tìm lại tài sản.

 

Cứ như vậy, trong năm đầu tiên thành lập, đội xe ôm của ông Nguyên đã cung cấp thông tin và trực tiếp phát hiện thu hồi được 48 vụ trộm cắp tài sản. Những chiến công đầu tay ấy được chính quyền địa phương ghi nhận, nhân dân hết sức ủng hộ và hoan nghênh.

 

Đặc biệt những việc làm của họ được các chiến sĩ công an ghi nhận, động viên. Tuy nhiên không muốn chỉ dừng lại ở việc theo dõi, ông còn muốn làm lớn hơn nên đã tâm sự với anh em trong đội.

 

Mọi người lo lắng bởi, phần vì chưa có kinh nghiệm và kỹ năng săn bắt cướp, phần sợ sẽ bị trả thù thì ảnh hưởng đến cả gia đình. Thế nhưng, khi nói chuyện với 2 người bạn còn lại, ông Nguyên bất ngờ vì họ đồng loạt nhất trí: “Không sợ, đã chấp nhận làm thì không sợ điều gì nữa”. Hỏi lý do vì sao không sợ: “Trước có luật pháp, sau có có nhân dân thì không sợ bất cứ tên tội phạm nào”.

 

Nhất trí đồng lòng, nhóm bắt đầu lao vào trận tuyến phòng, chống tội phạm một cách quyết liệt hơn. Để có thêm “vũ khí”, 3 “chiến sỹ săn bắt cướp” nghiệp dư còn thường xuyên nhận được sự trao đổi hỗ trợ kỹ năng và nghiệp vụ từ các cán bộ công an.

 

Vậy là, từ chỗ chỉ đi thu thập thông tin để mật báo cho cơ quan công an nhằm thu hồi tài sản cho người bị hại, các thành viên trong đội “xe ôm” của ông Nguyên đã trở thành những người săn bắt cướp thực thụ. Vụ án điển hình mà cũng là chiến công vang dội đầu tiên của đội xe ôm trong năm đó là lần họ bắt được 2 tên trộm ngân hàng ở tỉnh Tiền Giang.

 

Ông Nguyên vẫn nhớ như in lúc đó là năm 2009, khoảng 4h sáng hôm ấy, trong lúc đợi khách ở bến, ông thấy có 2 thanh niên đi xe gắn máy với tốc độ rất nhanh có biểu hiện nghi vấn nên tổ chức cho anh em chặn đường.

 

Quả nhiên, 2 gã này đã dừng xe lại và còn lăm le trên tay một vật giống súng. Nhận thấy nguy hiểm, ông Nguyên ra hiệu cho đồng đội nhanh chóng áp sát khống chế chúng để đề phòng trường hợp xấu. Đối mặt với 2 gã thanh niên có thân hình to con này, ông cùng đồng đội chỉ đủ sức quật ngã 1 tên tại trận, tên còn lại bỏ trốn vào khu vực đông dân cư.

 

Ông Nguyên lập tức báo cáo sự việc tới công an khu vực rồi phối hợp truy bắt. Đến 5h sáng, tên đồng phạm đã phải tra tay vào còng khi đang lẩn trốn trên nóc một ngôi nhà cao tầng. Qua đấu tranh tại chỗ, chúng khai nhận vừa đột nhập vào một chi nhánh ngân hàng ở tỉnh Tiền Giang trộm tiền và trên đường tháo chạy thì bị phát hiện. Năm đó, đội của ông Nguyên tham gia khám phá gần 100 vụ án.

 

Lần khác, đang đi tuần vào khoảng 2h sáng thì ông Nguyên nhận được điện báo có vụ án mạng vừa xảy ra. Tiếp cận hiện trường, ông được biết 1 nữ tiếp viên của quán giải khát vừa bị sát hại, hiếp dâm, cướp tài sản.

 

Thu thập thông tin từ hiện trường, ông Nguyên nhận định có thể hung thủ sẽ tìm phương tiện cơ giới như xe khách để chạy thoát. Kinh nghiệm làm nghề xe ôm giúp ông Nguyên thuộc lòng từng chuyến xe, giờ đỗ và xuất bến tại khu vực.

 

Thời điểm đồng hồ điểm 2h55, chỉ còn 5 phút nữa sẽ có một chuyến xe đi thành phố ghé qua bến xe. Tổ chức cho đồng đội tiếp cận bến xe, ông Nguyên phát hiện 2 đối tượng khả nghi đang lúi húi chia tài sản, khép kín vòng vây, ông Nguyên áp sát chúng và tri hô.

 

Bị đánh úp bất ngờ, 2 đối tượng đã phải giơ tay chịu trói. Vậy là chỉ 30 phút sau khi án mạng xảy ra, ông Nguyên cùng đồng đội đã bắt giữ và bàn giao 2 tên tội phạm đặc biệt nguy hiểm cho công an điều tra làm rõ…

 

Đầu tháng 4/2013, trên địa bàn liên tục có thông tin về một nhóm côn đồ chuyên dùng mã tấu chặn tiểu thương đi chợ nhằm cướp tài sản gây hoang mang dư luận. Ông Nguyên đã phối hợp với công an phục kích bắt giữ băng cướp này.

 

Bọn côn đồ hung hãn với tiểu thương là vậy, thế nhưng chỉ vừa nghe tiếng tri hô hiệu lệnh: “Đội phòng chống tội phạm huyện Bến Lức” thì chúng đã bủn rủn chân tay, buông mã tấu quy hàng. Tiếng của đội xe ôm săn bắt cướp còn vang đến mức chỉ nghe đến hai từ “Bến Lức”, nhiều kẻ gian đã phải coi đó như là cửa ải rất khó vượt trên đường tháo chạy.

 

Cống hiến đến sức mòn, chân mỏi

 

Ông Nguyên tâm sự, đối mặt với hiểm nguy thì ông và các đồng nghiệp không bao giờ nản chí, vậy nhưng nhiều khi cũng có người chùn bước vì cuộc sống còn quá khó khăn. Nhưng bằng lý lẽ và tâm nguyện của mình, ông Nguyên thuyết phục: “Tội phạm không tha cho ai cả, rồi có thể sẽ đến lượt gia đình mình là nạn nhân. Bắt tội phạm giúp xã hội bình yên cũng là mang lại bình yên cho gia đình mình”.

 

Cùng với đó là sự động viên kịp thời của chính quyền, đoàn thể địa phương hỗ trợ ông Nguyên tiền mua sắm vật tư để hành nghề rửa xe gắn máy bổ sung thêm thu nhập. Đồng đội khác của ông thì được tài trợ xây dựng nhà tình nghĩa. Rồi có người làm thêm nghề thợ hồ để kiếm sống nhưng lại ra điều kiện ngược với chủ thầu xây dựng: “Hễ có “biến”, phải cho tôi lên đường ngay!”.

 

Nghe anh này nói vậy, người chủ thầu xây dựng không cảm thấy khó chịu mà còn rất vui vẻ ủng hộ, động viên: “Việc các anh làm cũng là bảo vệ bình yên cho nhân dân nên tôi ủng hộ ngay!”. Nhờ vậy, đội xe ôm săn bắt cướp càng có thêm động lực “chiến đấu”, những chiến công nối tiếp cứ lần lượt được các anh ghi danh, năm sau nhiều hơn năm trước. Danh tiếng của đội “xe ôm” bắt cướp ngày càng vang dội và được nhân dân hết lòng tin yêu, ủng hộ.

 

Hành “nghề” săn bắt cướp, qua hàng trăm vụ án, đến nay ông Nguyên và các đồng đội của mình đã sở hữu những kỹ năng “mềm” như chỉ liếc qua phong thái của đối tượng là biết có dấu hiệu phạm tội hay không và thuộc diện tội phạm nào.

 

Đặc biệt, trước sự tinh vi và liều lĩnh ngày càng gia tăng của tội phạm, ông Nguyên luôn luôn đổi mới phương pháp tiếp cận và trấn áp tội phạm để tránh tổn thất cho đồng đội mà vẫn đạt hiệu quả trong công tác phòng, chống tội phạm. Từ chỗ chỉ có 3 thành viên ban đầu, hiện đội săn bắt cướp của ông Nguyên đã có hơn chục thành viên trải đều trên 6 xã của huyện Bến Lức, tạo thành một mạng lưới thông tin phòng, chống tội phạm đặc biệt hữu ích.

 

Có người nhiều lần tình nguyện xin vào đội nhưng xét về tính chất công việc, ông Nguyên phải lựa chọn cân nhắc rất kỹ lưỡng mới nhận thêm được 4 thành viên là những thanh niên khỏe mạnh, nhanh nhẹn và có tư chất đạo đức đốt. Tuy nhiên, những thành viên mới này cũng cần phải trải qua ít nhất 2 năm gian nan để thử sức rồi mới được cân nhắc cho kết nạp làm đội viên chính thức.

 

Đáng kể nhất là từ việc bắt cướp mang tính chất thô sơ tự phát, giờ đây đội xe ôm của ông Nguyên đều được tập huấn, trang bị đầy đủ kiến thức và quy trình phòng, chống tội phạm. Hoạt động của đội cũng không còn diễn ra đơn lẻ mà có sự hỗ trợ đi tuần, điều tra của lực lượng công an để phản ứng kịp thời.

 

Hơn nữa, việc xây dựng các chốt tuần tra, thay đổi liên tục, hoán đổi cho nhau trên trục đường của đội khiến cho tội phạm không dễ tẩu thoát. Từ khi thành lập đến nay, danh tiếng về đội “xe ôm” săn bắt cướp của ông Huỳnh Tấn Nguyên đã vang dội khắp nơi, nhiều địa phương đã tới thăm quan học tập và áp dụng mô hình này.

 

Treo khắp nhà ông Nguyên là hàng trăm tấm Bằng khen, Giấy khen của nhiều cơ quan ban ngành đoàn thể từ Trung ương tới địa phương để ghi nhận những cống hiến vì sự nghiệp phòng, chống tội phạm của ông và đồng nghiệp.

 

Nhưng đó chưa phải là tất cả, niềm vui lớn nhất với ông Nguyên đó là mỗi ngày ra đường được nhìn cảnh đường phố bình yên mà trong đó ghi dấu sự đóng góp tuy rất nhỏ bé của mình và đồng nghiệp. Tâm sự về “nghề”, ông Nguyên tự hứa với bản thân sẽ cống hiến đến khi nào sức mòn, chân mỏi…

 

Theo Phong Vũ

An ninh thủ đô

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm